Thay đổi lớn nhất hiện trạng Biển Đông
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/4 bao biện rằng việc “khai hoang” (thực chất là khơi luồng, đắp đảo nhân tạo), xây dựng công trình ở quần đảo Trường Sa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu khoa học, quan sát khí tượng, bảo vệ môi trường và dịch vụ nghề cá. Bộ này cũng cho biết các công trình đang được xây dựng sẽ phục vụ cho hoa tiêu hàng hải, cứu hộ và làm nơi trú ẩn cho tàu thuyền.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng các phương tiện và dịch vụ trên các hòn đảo (nhân tạo) này sẽ có lợi cho Trung Quốc, cho các nước láng giềng và cho các tàu thuyền có thể gặp rủi ro trong giông bão.
|
Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nói các hòn đảo và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa ở Biển Đông cũng sẽ đáp ứng nhu cầu quốc phòng.
|
Bộ này còn nói các hòn đảo (nhân tạo) và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa ở
Biển Đông cũng sẽ đáp ứng nhu cầu quốc phòng của Trung Quốc, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Theo ông Ian Storey - một chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, Trung Quốc đang cố gắng nêu bật “khía cạnh dân dự” của kế hoạch đắp đảo ở Trường Sa, nhưng thế giới nhìn thấu kế hoạch này thực sự là gì. Chương trình “khai hoang” (đắp đảo nhân tạo phá vỡ nguyên trạng) của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa cũng bao gồm việc xây dựng hai đường băng cho máy bay cất, hạ cánh ở Đá Chữ Thập và Đá Gạc Ma cũng như các cảng biển, đê chắn sóng và các cơ sở hậu cần.
Ông Ian Storey nói sau khi hoàn thành, “các công trình dân sự” nói trên không chỉ giúp Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự mà còn đẩy mạnh thăm dò dầu khí và đánh bắt cá trong khu vực. Gọi đó là sự thay đổi lớn nhất đối với hiện trạng khu vực trong thập kỷ qua, chuyên gia Ian Storey nói: "Đây sẽ là mối quan tâm của tất cả các quốc gia ven Biển Đông, bất kể có tuyên bố chủ quyền hay không".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông giàu dầu khí và là nơi có khối lượng hàng hóa thương mại trị giá 5.000 tỷ USD phải đi qua.
Công cụ mở rộng chủ quyền
Trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nói rõ lực lượng nào sẽ bảo vệ các cơ sở mới xây dựng ở quần đảo Trường Sa, giới chuyên gia cho rằng công việc này sẽ được giao cho Cảnh sát biển - lực lượng đã dẫn đầu những nỗ lực bảo vệ những khu vực tranh chấp mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Trung Quốc đã biến lực lượng Cảnh sát biển thành một hạm đội lớn nhất thế giới, thông qua việc hợp nhất các lực lượng thực thi pháp luật dân sự trên biển khác.
Trước đây Trung Quốc có 9 cơ quan hành chính thuộc các bộ khác nhau thực hiện việc “thực thi pháp luật” trên Biển Đông. Hiện thời, 9 cơ quan nói trên được đặt dưới một sự chỉ huy thống nhất của Cảnh sát biển để “hợp nhất các chức năng giám sát, do thám và bảo vệ bờ biển”. Cảnh sát biển Trung Quốc có 11 đội tàu, với trên 16,000 nhân viên và “có trách nhiệm cảnh sát, thực thi luật ngư nghiệp và chống các hoạt động buôn lậu trên biển”. Các đơn vị mang tính dân sự trước đây không được phép trang bị vũ khí thì giờ đã được cấp vũ khí.
Báo cáo của Hải quân Mỹ cho biết Trung Quốc đã tăng 25% số lượng tàu hải cảnh của mình trong ba năm qua. Đây là những loại tàu mà lực lượng Cảnh sát Biển của Trung Quốc thường sử dụng cho hầu hết những cuộc tuần tra ở Biển Đông. Trung Quốc hiện có đội tàu Cảnh sát biển lớn nhất thế giới - nhiều hơn tàu của các nước láng giềng Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines cộng lại. Báo cáo cho biết trong năm 2014, Trung Quốc bắt đầu đóng, hạ thủy hoặc đưa vào hoạt động hơn 60 tàu hải cảnh và một số lượng tàu tương tự đã được lên kế hoạch trong năm 2015.
|
Tàu Hải cảnh Trung Quốc phong tỏa bãi Cỏ Mây ở quần đảo Trường Sa.
|
Các tàu Cảnh sát biển của Trung Quốc thường tiến sâu vào Biển Đông, ráo riết ngăn cản tàu thuyền của Philippinesđến bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây mà Manila tuyên bố chủ quyền.
Mặc dù các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc không có vũ khí như tàu quân sự, nhưng chúng vẫn là một phương tiện mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền. Các quan chức hải quân phương Tây cho biết trong những năm gần đây, các tàu Hải quân Trung Quốc cũng tăng cường tuần tra Biển Đông, nhưng kín đáo hơn.
Phản ứng của các nước
Một số chuyên gia nhận định rằng tốc độ đắp đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa cho thấy Trung Quốc đang cố gắng củng cố yêu sách pháp lý đối với khu vực này sau khi Philippines nộp đơn kiện lên Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Hay (The Hague), thách thức tuyên bố chủ quyền trong cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 qui định không giống như một hòn đảo thực sự, các bãi đá ngầm, rạn san hô không có quyền đối với vùng lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế, Thế nhưng, theo chuyên gia Ian Storey, “bằng cách thực hiện các dự án khai khẩn (đắp đảo nhân tạo), Trung Quốc đã cơ bản phá hủy các bằng chứng".
Ngày 10/4, Philippines kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp ngăn chặn việc Bắc Kinh đắp đảo nhân tạo, thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông giữa lúc tranh cãi chủ quyền chồng chéo nhau của các nước chưa được phân giải. Manila cho rằng Bắc Kinh đang khẩn trương đắp đảo để tác động tới phán quyết của tòa trọng tài Liên hiệp quốc dự kiến sẽ được đưa ra vào năm sau liên quan đến vụ Philippines kiện bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chiếm gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Washington lo ngại Trung Quốc “ỷ mạnh hiếp yếu”, gạt ra rìa các nước nhỏ hơn cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Phát biểu nhân chuyến thăm Jamaica ngày 9/4, Tổng thống Obama nhấn mạnh Washington lo ngại Bắc Kinh không tuân thủ các chuẩn mực của quốc tế và lấn át các nước láng giềng. Ông nói: “Philippines hay Việt Nam không lớn như Trung Quốc, nhưng không có nghĩa là những nước này có thể bị hất qua một bên”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố chương trình “khai khẩn” (mà thực chất là khơi luồng đắp đảo biến không thành có) của Trung Quốc đã khiến cho các nước cảm thấy bất an do lo ngại Trung Quốc có thể “quân sự hóa các tiền đồn trên biển”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke cho biết Washington lo ngại Trung Quốc có thể tiến hành quân sự hóa các đảo mà họ bồi đắp nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền tại những vùng biển có tranh chấp.
Bonnie Glaser, nhà phân tích chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở ở Washington, nói rằng Mỹ cần phải tìm ra những biện pháp mới để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo “để ép buộc và đe dọa các nước láng giềng".