Lối sống phương Tây len lỏi vào Triều Tiên

Google News

(Kiến Thức) - Lối sống phương Tây vào Triều Tiên, với kinh đô thời trang, phẫu thuật thẩm mỹ, “nhà nghỉ tình yêu” và giao dịch ngầm động sản...

Thời trang “cũ người, mới ta”
Thành phố Chongjin hiện là kinh đô thời trang ở CHDCND Triều Tiên. Tuy bình quân thu nhập đầu người ở Chongjin còn thấp, nhưng thành phố cảng này đang chuyển mình thành một trung tâm thương mại. Đó là chưa kể  Chongjin còn là điểm đến đầu tiên của thời trang nước ngoài.
Ngay cả thủ đô Bình Nhưỡng cũng không theo kịp Chongjin về thời trang. Xem ra, đây quả là nghịch lý vì Bình Nhưỡng chính là thủ đô của CHDCND Triều Tiên.  Nhưng ở thủ đô Bình Nhưỡng, luật lệ được thực thi một cách chặt chẽ hơn. Điều này có nghĩa là quần áo mà một phụ nữ trẻ ở Bình Nhưỡng chỉ dám trưng diện ở nhà lại có thể được  mặc trên các đường phố Chongjin.
Đối với cánh phụ nữ trẻ ở Chongjin, quần áo mà Đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju  trưng diện cũng không có gì là đặc biệt ấn tượng. 
Các thương nhân ở Chongjin thường xuyên nhận được các hòm quần áo nặng tới 100 kg được gửi bằng đường biển từ Nhật Bản. Người ta không rõ trong hòm có gì trước khi chúng được mở ra. Tất cả các nhãn mác có thể cho biết quốc gia sản xuất hoặc nguồn gốc đều bị gỡ bỏ. Và mặc dù  áo váy, quần bò và các mặt hàng khác đã bị lỗi thời đối với Nhật Bản, nhưng chúng có chất lượng cao hơn nhiều và có tính thời trang hơn bất cứ hàng hóa cùng chủng loại nào được sản xuất ở CHDCND Triều Tiên.
Đối với cánh phụ nữ trẻ ở Chongjin, quần áo mà Đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju (vợ của nhà lãnh đạo  Kim Jong-un) trưng diện cũng không có gì là đặc biệt ấn tượng.
Các thiếu nữ cho rằng diện quần jeans bó sát chính là cách để khoe đôi chân dài thẳng tắp và những đường cong gợi cảm. 
Vậy người Chongjin đang trưng diện những gì? Thành phố Chongjin chính là nơi đầu tiên ở Triều Tiên có mốt trưng diện quần jeans thun bó sát người. Các thiếu nữ ở đây cho rằng diện quần jeans bó sát chính là cách để khoe đôi chân dài thẳng tắp và những đường cong gợi cảm. Đối với họ, được khoe vẻ đẹp thân thể trước bàn dân thiên hạ quả là một trải nghiệm mới.
Phẫu thuật thẩm mỹ và “nhà nghỉ tình yêu”
Ở  Đông Á, phụ nữ đẹp là người có mắt bồ câu và hai mí rõ ràng. Ở Triều Tiên, những người sinh ra có  mắt mí là không nhiều. Thế nhưng, người ta có thể khắc phục nhược điểm này… nhờ phẫu thuật thẩm mỹ. Những người giàu có thể tìm đến các bác sĩ phẫu thuật chuyên ngành, còn những người nghèo thì có thể nhờ cậy các ”thày lang đường phố”.
Trong trường hợp nhờ cậy “thày lang đường phố” không có bằng cấp, thủ tục để làm phẫu thuật ít nhất là 2 USD và công việc phẫu thuật được thực hiện tại nhà của người muốn làm đẹp và không cần sự trợ giúp của thuốc gây mê.
Giống như tất cả các hình thức phẫu thuật thẩm mỹ, phẫu thuật “biến mắt một mí thành hai mí” là bất hợp pháp ở CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, các nhà chức trách không thể ngăn cấm được nhu cầu “làm đẹp” này. Việc chứng minh một người sinh ra với đôi mắt một mí quả là không mấy dễ dàng. Những người bị phát hiện có thể nhờ bạn bè, người thân làm chứng rằng họ sinh ra đã có cặp mắt hai mí.
Ở CHDCND Triều Tiên, quan hệ tình dục trước hôn nhân là điều cấm kị và thậm chí nam nữ nắm tay nhau ở nơi công cộng còn bị coi là “chướng tai, gai mắt”.  Thế nhưng, có những người sẵn sàng cho thuê căn hộ tư nhân để các cặp đôi có “nhà nghỉ tình yêu” trong vòng một, hai tiếng đồng hồ.
Ở các thành phố lớn thường có những người phụ nữ trung niên cho thuê căn hộ theo giờ. Thời điểm cho thuê “nhà nghỉ tình yêu” thích hợp nhất là vào buổi chiều, khi lũ trẻ đang ở trường và các đức ông chồng ở nơi làm việc.
Thị trường ngầm giao dịch bất động sản
Quân đội Triều Tiên rất tích cực tham gia xây dựng và các binh sĩ của đội quân triệu người này chính là  một nguồn lao động giá rẻ dồi dào góp phần xây dựng các tòa nhà chung cư, khách sạn, đường giao thông, cầu cống… Phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên thường ca ngợi họ là những "người lính-nhà xây dựng”.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã  xây nhiều căn hộ ở Bình Nhưỡng dành cho nhân viên, với điện lưới ưu tiên 24/24 giờ.  Ở một đất nước mà mất điện rất phổ biến và có mùa đông khắc nghiệt như CHDCND Triều Tiên, việc có điện 24/24 giờ trong ngày quả là “đẳng cấp” và chỉ dành cho những người “ưu tú”.
Giống như ở các nước tư bản, các  căn hộ ở CHDCND Triều Tiên cũng có thể được giao dịch. Rất có thể, phần lớn các căn hộ hạng sang được xây dựng để  bán trên thị trường, chứ không phải phân cho các công chức nhà nước. Sự khác biệt duy nhất là thiếu một hệ thống chính thức giao dịch, buôn bán bất động sản.
Tuy nhiên, người ta vẫn có thể để "bán" căn hộ đang ở. Những người sống trong cùng một quận được phép đổi nhà. Đây chính là một kẽ hở của luật pháp và người ta có thể trao đổi nhà “bán hợp pháp” và thanh toán khoản chênh lệch bằng tiền mặt.  Ở Bình Nhưỡng, nơi mà giá căn hộ đã tăng hơn 10 lần kể từ đầu thế kỷ này, người ta có thể giao dịch căn hộ với sự hỗ trợ của các đại lý bất động sản không chính thức.
Giá một căn hộ bình thường và không có thang máy hoặc điện đóm phập phù có thể vào khoảng 3.000 đến 4.000 USD. Tầng thấp hơn có giá cao hơn vì người ta có thể dễ dàng dùng cầu thang bộ, khi thang máy mất điện. Điều này trái ngược với Hàn Quốc. Khi chung cư không có thang máy hoặc hay bị mất điện, các căn hộ ở trên cao có vẻ ít hấp dẫn các căn hộ thấp tầng.
Có những căn hộ ở  trung tâm Bình Nhưỡngđược “giao dịch” với giá 250.000 USD.  
Một căn hộ ở một quận trung tâm Bình Nhưỡng như Mansudae có giá 100.000 USD hoặc hơn. Thậm chí, có những căn hộ được “giao dịch” với giá 250.000 USD. Đây quả là số tiền khổng lồ đối với những người Triều Tiên bình thường có thu nhập trung bình vài chục USD/tháng.
Rượu “cuốc lủi” đầy rẫy khắp nơi
Người Triều Tiên vốn có biệt tài nấu rượu, đặc biệt là những người sống ở nông thôn. Nguyên vật liệu để chưng cất rượu “cuốc lủi” bao gồm ngũ cốc, trái cây được lên men trong các chum vại. Sản phẩm cuối cùng là rượu “cuốc lủi” có thể được nhà sản xuất “tự tiêu thụ” hoặc bán cho những người láng giềng.
Người Triều Tiên luôn kiếm cớ để liên hoan và thết đãi nhau các món ăn ngon và …rượu “cuốc lủi”.  
Hầu hết các bà nội trợ ở Triều Tiên đều biết cách ủ và nấu rượu, nhưng chỉ có một số người nắm được bí quyết chưng cất rượu hảo hạng. Mặc dù nấu rượu lậu là hành vi bất hợp pháp, nhưng cấm rượu “cuốc lủi” triệt để lại là một công việc vô cùng khó khăn. Khoảng 80-90% đàn ông Triều Tiên uống vài chén rượu mỗi ngày. Thậm chí, đàn ông Bắc Triều Tiên còn uống rượu nhiều hơn đàn ông Hàn Quốc. Phụ nữ Bắc Triều Tiên uống rượu ít hơn phụ nữ Hàn Quốc, nhưng thời thế bắt đầu thay đổi.
Không giống như ở Hàn Quốc, tổ chức ăn uống tại gia rất phổ biến ở CHDCND Triều Tiên. Người ta luôn kiếm cớ để liên hoan, thết đãi bạn bè. Trong những dịp như thế, người ta thường đãi nhau các món ăn ngon và …rượu “cuốc lủi”.
Minh Châu (theo Telegraph)

>> xem thêm

Bình luận(0)