Nhiều đêm khóc vì nhớ gia đình, con gái ở quê
- Trở lại với âm nhạc qua MV vừa phát hành, anh kỳ vọng điều gì?
Kiếp xa quê là ca khúc được nhạc sĩ Đông Thiên Đức – người anh thân tình sáng tác và gửi tôi. Khi nghe ca từ và giai điệu, tôi cảm nhận bài hát giống hoàn cảnh mình. Cuộc sống mưu sinh xứ người phải lo cái ăn cái mặc, lại còn đối mặt với những thị phi ganh ghét. Số tiền làm MV tôi tích góp trong hơn nửa năm, sau đó tự tìm ê-kíp, bối cảnh và lên ý tưởng thực hiện.
Tôi làm sản phẩm này trước hết để thỏa đam mê, không nghĩ sẽ thu được tiền hay nhận sự chú ý. Chỉ đơn giản tôi muốn nói hộ cho nỗi lòng của bản thân và rất nhiều người. Chúng ta cùng là người Việt, hãy biết bảo bọc nhau mà sống thay vì đặt nặng những sân si, tị hiềm không đáng có trong đời sống.
|
Phùng Ngọc Huy tự nhận "già" đi nhiều sau những va vấp cuộc sống. |
- Cơ hội hoạt động nghệ thuật tại hải ngoại của anh thế nào?
Các hoạt động nghệ thuật, biểu diễn dành cho người Việt tại Mỹ không nhiều. Sau mấy đợt bùng dịch, sân khấu càng teo tóp vì tâm lý mọi người sợ đám đông. Tôi cũng xác định ca hát là công việc tay trái vì không thể sống được nhờ nghề này.
Mỗi tháng tôi được mời đi biểu diễn trung bình khoảng 3 show. Cát-xê không có dư nhưng đủ để trang trải phí sinh hoạt. Khi không có nhiều dịp biểu diễn bên ngoài, tôi tận dụng quãng thời gian bán hàng online để được hát. Trước để tự tạo niềm vui, sau là phục vụ những người thương quý mình.
- Hơn 6 năm rời showbiz Việt sang Mỹ, cuộc sống nơi xứ người cho Phùng Ngọc Huy những suy nghĩ gì?
Một chặng đường dài khó khăn giúp tôi trưởng thành hơn. Ngày ở quê, tôi sống vô tư, chỉ việc đi làm rồi chơi mà không nghĩ ngợi về mọi thứ xung quanh. Ngay cả chuyện ăn uống, giặt giũ cũng có mẹ ở nhà lo giúp. Khi sang đây, tôi không còn cho mình là cậu ấm hay một người nổi tiếng gì nữa. Từ việc lớn bé tôi đều phải tự tay làm vì thuê người giúp việc, thợ sửa rất tốn kém.
Ở Mỹ nhiều chi phí, khoản thuế phải đóng trong khi đồng tiền kiếm được chẳng dễ dàng. Không sống bằng nghề ca hát, tôi tự mình bươn chải nhiều công việc lao động chân tay. Dù cực khổ nhưng chưa bao giờ tôi ân hận vì quyết định sang đây.
Tôi chỉ buồn vì nhớ gia đình, cha mẹ và con gái. Tôi sang Mỹ từ năm 2015 mà chưa một lần về nước. Mỗi dịp lễ Tết, chứng kiến mọi người sum vầy khiến tôi chạnh lòng. Có đêm tôi khóc vì nỗi buồn xa quê, nhiều người thân ra đi mà mình chưa kịp nói lời từ biệt.
|
Phùng Ngọc Huy trong buổi livestream bán hàng online. Anh chủ yếu bán các mặt hàng ăn vặt cho cộng đồng người Việt. |
- Là nghệ sĩ lại kiệm lời ngại giao tiếp, anh hẳn gặp không ít khó khăn khi chuyển sang công việc bán hàng online?
Tôi rất ngại trong những ngày đầu buôn bán, giới thiệu sản phẩm. Ngồi trước màn hình, tôi thấy mình lạc lõng vì trước nay không có thói quen tương tác kiểu này. Nhiều khán giả cũng bình luận ác ý, trái chiều khiến tôi sốc. Họ bảo tôi ca sĩ hết thời phải đi bán hàng online. Tôi cố tình ngó lơ không thấy nhưng cũng tủi thân vì công việc mình làm bị xúc phạm. Vì kiếm tiền, tôi phải cất sĩ diện vào bên trong.
Một ngày tôi ngủ được 5-6 tiếng, thời gian còn lại để dành “cày”. Từ tiếp thị tư vấn, soạn hàng, khuân vác, shipper… một mình tôi đều phải tự lo liệu. Những lần đi giao hàng cách xa hàng chục cây số, phải chờ đợi và nhận phản hồi không tốt từ khách khiến tôi nản lòng. Thế nhưng nghĩ đến tương lai của mình và con gái, tôi lại sốc mình dậy để tiếp tục lao vào.
- Những lúc bế tắc, đâu là điểm tựa giúp anh vượt qua?
Sau những chuyện không vui, tôi sống khép kín hơn. Công việc cũng chiếm hết quỹ thời gian trong ngày nên tôi càng không cho phép mình suy nghĩ vẩn vơ. Chuyện gì đã qua, tôi cố gắng không nhớ tới để nhẹ đầu.
Tôi xả stress bằng cách tập gym, xem phim, hát hò hay gọi điện thoại về gia đình. Bạn bè tôi không nhiều nên ít ra ngoài tu tập ăn uống vui chơi như mọi người. Dù áp lực hay mệt mỏi, tôi không để mình rơi vào trạng thái mất cân bằng. Tôi ý thức trách nhiệm của mình lớn nên không cho phép gục ngã.
Con gái Lavie giờ là động lực duy nhất của tôi!
|
Phùng Ngọc Huy chờ đợi ngày được đoàn tụ cùng con gái. |
- Anh chăm lo cho con gái Lavie thế nào?
Từ khi Mai Phương mất, tôi ủy quyền cho 2 cô bảo mẫu chăm sóc Lavie. Do trái múi giờ, tôi cũng sắp xếp ổn thỏa việc gặp nhau để tránh ảnh hưởng đến việc học và sinh hoạt của bé. Thường cuối tuần hai bố con sẽ gọi Facetime để trò chuyện. Con gái năm nay 8 tuổi, bé ngoan, học giỏi và tự lập. Bé cũng được học ở trường tốt, có các cô chăm sóc chu đáo nên tôi cũng yên tâm. Sau những nỗi buồn, Lavie cũng chính là động lực để tôi vui sống và cố gắng phấn đấu công việc.
- Tuổi thơ con gái ít nhiều thiếu vắng tình cảm bố mẹ, anh bù đắp cho bé ra sao?
Tôi không phải người giỏi thể hiện cảm xúc bằng lời nói. Những tình cảm thương con tôi luôn giữ trong lòng. Vì hoàn cảnh gia đình, Lavie ít nhiều thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa. Mỗi lần trò chuyện, tôi luôn để bé hiểu bố mẹ và mọi người xung quanh luôn yêu quý, sẵn lòng chở che bé.
Tôi cũng xác định phần đời còn lại của mình sẽ dành thời gian chăm sóc thật tốt cho Lavie. Nguyện vọng lớn nhất của tôi hiện giờ là sớm đưa được con sang Mỹ. Tôi vẫn đang cố gắng từng ngày về kinh tế, lo thủ tục giấy tờ và mong mọi thứ sẽ sớm được như ý nguyện.
- Anh mong mỏi điều gì cho tương lai sắp tới?
Hiện ưu tiên hàng đầu của tôi là công việc bán hàng. Tình hình dịch bệnh ở cả Mỹ và Việt Nam khá phức tạp. Ở xa, tôi chỉ biết dặn dò bố mẹ và mọi người phải ý thức giữ sức khỏe. Tôi mong sớm được trở về quê hương để đoàn tụ Lavie và gia đình. Đó cũng là ước nguyện của tôi sau 6 năm tha hương.