Sau khi chụp cộng hưởng từ MRI, các bác sĩ phát hiện một khối máu tụ lớn ngoài màng cứng, gây chèn ép nặng nề lên tủy cổ người bệnh. Bệnh nhân được chẩn đoán bị máu tụ tiên phát ngoài màng cứng tuỷ sống cổ và được chỉ định mổ cấp cứu.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Cuộc phẫu thuật kéo dài 1,5 giờ do TS.BS Trương Như Hiển - Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh và ê-kíp thực hiện. Sử dụng kỹ thuật vi phẫu, các bác sĩ đã thành công trong việc lấy máu tụ, cầm máu và giải áp chèn ép tủy sống. Nguồn chảy máu được xác định là từ đám rối tĩnh mạch sau của tủy sống bị vỡ.
Đáng mừng là ngay sau khi hồi tỉnh, bệnh nhân đã có dấu hiệu phục hồi vận động và cảm giác. Chỉ một ngày sau phẫu thuật, cơ lực chân và tay của V. đã đạt mức 4/5, cho thấy tiến triển tốt. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị kết hợp với tập phục hồi chức năng cho đến khi hồi phục hoàn toàn.
TS.BS Trương Như Hiển chia sẻ rằng, đây là trường hợp hiếm gặp, đặc biệt ở độ tuổi trẻ như V. Thông thường, bệnh này hay xuất hiện ở người lớn tuổi có bệnh lý nền như cao huyết áp hay thoái hóa cột sống nặng.
Nguyên nhân được xác định là do bệnh nhân chơi game trên điện thoại liên tục trong thời gian dài, kèm theo các động tác mạnh như lắc, giật cổ để giảm mỏi. Những hành động này đã gây tổn thương mạch máu, dẫn đến chèn ép tủy sống cổ.
Từ trường hợp này, BS Trương Như Hiển khuyến cáo, người có bệnh lý nền kèm đau, hạn chế vận động cổ vai gáy hoặc đau tê bì lan xuống tay/chân thường xuyên nên đi khám chuyên khoa và tầm soát bằng chụp cộng hưởng từ. Trong sinh hoạt và làm việc, cần giữ cột sống ở tư thế thoải mái, tránh gò bó.
Khi nằm, không nên sử dụng gối cao và tránh để cột sống cổ ở tư thế cúi, gập trong thời gian dài. Người làm việc văn phòng nên có khoảng nghỉ sau mỗi 30-45 phút làm việc. Không tự ý hoặc để người khác thực hiện các động tác vặn, giật, lắc đột ngột cột sống cổ. Khi có biểu hiện đau, cần cố định cổ và đến cơ sở y tế chuyên khoa thần kinh gần nhất.
BS. Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, trò chơi điện tử đã dần trở thành một trong những hình thức giải trí phổ biến nhất hiện nay. Tỷ lệ mắc nghiện game toàn cầu hiện ở mức 8,5% đối với nam, 3,5% đối với nữ. Trong tất cả các khu vực toàn cầu, châu Á cho thấy tỷ lệ lưu hành cao nhất (6,3%), Bắc Mỹ (3,6%), châu Đại Dương (3,0%) và châu Âu (2,7%). Trẻ em và nhóm tuổi vị thành niên có tỷ lệ lưu hành cao nhất (6,6%).
Thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần cho thấy đang có sự gia tăng thanh thiếu niên nghiện game đến khám, điều trị nghiện game và các bệnh rối loạn tâm thần kèm theo. Hiện mỗi tháng tại Viện có nhiều thanh thiếu niên đến khám vì nghiện game, trong đó có 3-4 trẻ phải nhập viện điều trị, lứa tuổi nghiện game chủ yếu là từ 10-24 tuổi. Đa số các em nhập viện trong tình trạng nặng, chơi game lâu năm, có các rối loạn cảm xúc, hành vi kèm theo.
Dùng điện thoại trong nhiều giờ hay nghiện game bị liệt tay chân là trường hợp hiếm gặp, còn bị các bệnh rối loạn tâm thần kèm theo thường rất phổ biến...
Vì vậy, khi phát hiện trẻ có biểu hiện nghiện game, internet cha mẹ cần giám sát thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ. Cụ thể, thời gian sử dụng máy tính, điện thoại để chơi game không quá 1 tiếng với ngày bình thường và không quá 2 tiếng với ngày nghỉ. Cha mẹ cần cân bằng các hoạt động khác cho trẻ, cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, các môn thể thao phát triển thể chất, vui chơi lành mạnh, tương tác xã hội, trò chuyện với con… Đừng để con trốn tránh trong thế giới ảo một mình. Khi thấy trẻ không cải thiện tình trạng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị phù hợp.