Cú sốc lớn khi gặp tai nạn, bị liệt hai chân
Cách đây 5 năm, Thái Duy Đức (SN 1991, quê ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) được nhiều người biết đến với câu chuyện ngồi xe lăn nuôi bạn liệt tứ chi ở bệnh viện. Nghị lực vượt qua nghịch cảnh cùng tấm lòng nhân ái của Duy Đức đã nhận được nhiều lời ngợi khen.
Duy Đức hồi phục diệu kỳ sau biến cố lớn.
Cuộc đời Đức từng trải qua nhiều biến cố. Khi chưa đầy 2 tuổi, Đức mất bố. Một mình mẹ Đức làm thuê, làm mướn nuôi hai chị em lớn khôn. Sau này, chị gái Đức đi lấy chồng xa, Đức trở thành chỗ dựa duy nhất của mẹ.
Năm 2015, khi đang lắp cầu kính thuê, Đức bị ngã từ trên cao xuống. Anh bị gãy cột sống, dập tủy, để lại di chứng bại liệt hai chân, mất cảm giác từ thắt lưng trở xuống, tiểu tiện không kiểm soát.
Ban đầu được các bác sĩ động viên, Đức vẫn tin bản thân có thể hồi phục. Cho đến khi bước vào giai đoạn phục hồi chức năng, đôi chân vẫn mềm như bún, Đức mới biết bản thân đã trở thành người khuyết tật.
Hai năm sau đó, Đức chìm trong cú sốc tâm lý, khó có thể vực dậy. Đêm nào anh cũng khóc vì bất lực và nuối tiếc những năm tháng quá khứ khỏe mạnh, được đứng trên chính đôi chân của mình. Đức nghĩ: “Cuộc đời từ đây chỉ còn nước mắt”.
Được mẹ động viên, Đức dần lấy lại được niềm tin, niềm hy vọng vào cuộc sống. Anh không còn nhốt mình trong căn phòng nhỏ, hàng ngày nhìn ra ô cửa sổ le lói ánh sáng nữa mà ngồi xe lăn đi khắp nơi.
Đức tham gia vào đoàn hội khuyết tật ở địa phương, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Càng gặp nhiều mảnh đời bất hạnh, Đức càng thấy bản thân may mắn và thêm yêu cuộc đời.
Tìm thấy hạnh phúc trong nghịch cảnh
Cũng trong năm 2017, Đức quen biết Bùi Thị Chinh (SN 1992, quê Phú Thọ) nhờ mối duyên đặc biệt.
Năm ấy, Chinh gặp nhiều chuyện buồn trong cuộc sống. Trong lúc tuyệt vọng, Chinh được một người bạn cho xem video Đức chăm bạn bị liệt tứ chi trong bệnh viện.
Đức và Chinh quen nhau khi Chinh đang tuyệt vọng về cuộc đời mình.
Tấm lòng nhân ái và nghị lực của Đức đã truyền động lực sống cho Chinh. Cô chủ động kết bạn Facebook, nhắn tin trò chuyện với anh.
Trong 3 tháng nói chuyện qua mạng, Chinh kể hết với Đức nỗi lòng mình. Đức cũng không giấu giếm hoàn cảnh bản thân, ngay cả chuyện mất cảm giác từ thắt lưng trở xuống, không thể tiểu tiện tự chủ và mất khả năng “chăn gối”, anh cũng nói với cô.
Dẫu vậy, cả hai vẫn rung động trước nhau. Đức giữ đúng lời hứa, từ Lâm Đồng bay ra Hà Nội gặp Chinh. “Khoảnh khắc nhìn thấy anh ấy ở sân bay Nội Bài, mình cảm động vô cùng. Mình tin rằng, tình cảm của anh ấy là thật”, Chinh chia sẻ.
Từ lần đầu gặp gỡ, Chinh đã bồng bế Đức, giúp anh một vài hoạt động sinh hoạt cá nhân. Ở bên nhau, cả hai thấy gần gũi, thân thuộc như đã quen biết từ lâu.
Lần gặp tiếp theo là khi Đức đón Chinh vào Lâm Đồng gặp mẹ. Chinh ở lại đây 2 tháng, tình cảm của họ được vun vén càng trở nên đậm sâu.
Cặp đôi kết hôn năm 2017.
Tuy nhiên, chuyện tình của họ bị gia đình Chinh phản đối dữ dội. Ngày theo Chinh về Phú Thọ xin cưới, Đức phải dừng chân ở Hà Nội bởi không được bố cô cho phép đến nhà.
Cuối cùng, Chinh vẫn quyết tâm đi theo tiếng gọi trái tim. Tháng 11/2017, cặp đôi tổ chức đám cưới ở Lâm Đồng mà không có sự góp mặt của nhà gái.
Cho đến dịp kỷ niệm một năm ngày cưới, khi đã chứng minh có thể đem đến hạnh phúc và cuộc sống tốt đẹp cho Chinh, Đức mới được gia đình vợ đón nhận. Cũng kể từ đó, anh đã có thêm một gia đình.
Hôn nhân hạnh phúc trọn vẹn
Tháng 2/2023, sau 3 lần tiến hành IVF (thụ tinh trong ống nghiệm), Đức và Chinh chào đón con gái đầu lòng. Đứa con chính là sợi dây kết nối gia đình, giúp cho cuộc hôn nhân vốn đã hạnh phúc của cặp đôi thêm trọn vẹn.
Tổ ấm hạnh phúc của Đức và Chinh.
“Từ năm 2021 đến khi con chào đời, vợ chồng mình đếm không xuể số lần từ Lâm Đồng vào TPHCM thăm khám, tiến hành chuyển phôi... Cuối cùng, niềm mong mỏi có con của vợ chồng mình đã thành hiện thực. Con cái giúp chúng mình gắn kết với nhau hơn”, Chinh chia sẻ.
Trước đây, Đức hiểu sự khiếm khuyết của mình, cũng hiểu sự thiệt thòi của vợ, từng gợi ý vợ đi “kiếm con” bên ngoài và hứa sẽ yêu thương đứa trẻ ấy như con ruột.
Nhưng Chinh nhất quyết từ chối. Cô tôn trọng hôn nhân một vợ, một chồng, tôn trọng tình yêu của chồng và của chính mình. Chinh luôn xác định, dù không thể có con chung cô vẫn sẽ một đời chung thủy với anh.
Nói về hôn nhân của mình, Chinh khẳng định: “Lấy người chồng này, mình hạnh phúc. 7 năm qua vẫn luôn như vậy”.
Với Chinh, ở đời chẳng ai hoàn hảo nhưng cô vẫn luôn thấy mình may mắn vì cưới được người chồng hiền lành, tâm lý. Mỗi khi Chinh có chuyện phiền lòng, Đức lại hỏi han cặn kẽ rồi pha trò để vợ vui.
Anh thường nấu ăn cho vợ, giúp vợ trông con, làm việc nhà... Dù đôi chân bị liệt có nhiều bất tiện, Đức vẫn cố gắng tự chủ mọi sinh hoạt cá nhân, không để vợ vất vả.
Hiện tại, Đức làm và bán gỗ lũa, ghép bon sai thủy sinh. Anh tỉ mẩn làm việc từ sáng đến tối, cố gắng kiếm tiền để lo cho vợ con một cuộc sống đủ đầy. Kể từ khi làm vợ Đức, Chinh chưa từng phải quá lo nghĩ về kinh tế gia đình.
Đức hạnh phúc đón con gái đầu lòng.
Ngoài hỗ trợ chồng trong công việc, Chinh còn trồng cỏ và chăn nuôi bò sữa. Hai vợ chồng cùng làm, cùng lo toan, cố gắng kiếm tiền để cho con một cuộc sống tốt.
Chia sẻ về cuộc hôn nhân không “chăn gối”, Chinh tâm sự: “Trước khi gặp anh Đức mình chưa từng yêu ai, cũng không quan tâm đến chuyện đó.
Đến khi quen anh, cưới anh, hiểu rõ hoàn cảnh của anh, mình càng không màng đến. Mình chỉ cần trong cuộc sống hằng ngày, vợ chồng quan tâm, yêu thương, thấu hiểu cho nhau là đủ”.
Kể từ khi vượt qua cú sốc, chấp nhận mình là một người khuyết tật, Đức không còn mặc cảm về những khiếm khuyết của bản thân. Thế nhưng, gặp được người con gái sẵn sàng bỏ qua những thiếu sót ấy, sẵn sàng cùng anh vun vén hạnh phúc, Đức vẫn rất biết ơn cuộc đời.
“Trong hàng triệu người phụ nữ, chỉ có một người dám đến với mình, làm vợ mình và yêu thương mình. Đó là Chinh. Mình biết cô ấy thiệt thòi nhiều thứ nên luôn cố gắng làm việc, quan tâm, chăm sóc, để cô ấy không phải lo toan nhiều nữa”, Đức nói.
Mối quan hệ giữa Chinh và mẹ chồng cũng tốt đẹp. Chinh được mẹ chồng xem như con gái ruột, có miếng ngon nào cũng để phần, có chuyện vui buồn gì đều tâm sự với cô.
Hai mẹ con cùng nhau chăm sóc đàn bò sữa, người này mệt thì người kia chăm sóc. Chinh đến, không chỉ mang hạnh phúc cho Đức mà còn đem đến tia hy vọng cho mẹ chồng cô – người phụ nữ từng đau khổ vì thấy con trai buồn khổ sau biến cố.
“Những lúc thấy mình mệt, mẹ thường bảo mình đi nghỉ rồi nấu cơm đem đến tận giường cho mình. Mẹ chăm sóc mình như chăm con gái ruột”, Chinh chia sẻ.
Thời gian qua, mẹ chồng Chinh vật lộn với bệnh ung thư. Giờ đây, ao ước lớn nhất của vợ chồng cô là mẹ khỏe mạnh, sống lâu để được hưởng phúc cùng con cháu.