Chua me đất còn được gọi là cỏ 3 lá. Loài cây này thường mọc ven đường hoặc quanh vườn nhà, mọc chen với các chậu cây cảnh. Có chua me đất hoa vàng, chua me núi hoa trắng hồng, chua me đất lá to hoa màu hồng. Cả ba cây cùng thuộc một họ "chua me đất".
Ở Huế, món ngon nổi tiếng và được nhiều người tấm tắc khen ngợi chắc chắn phải kể đến canh cá nấu với lá chua me đất. Vào các chợ dân sinh ở đây đều có thể bắt gặp những bó chua me đất được bày bán. Người dân thường chọn cá kình để nấu với chua me đất, món ăn ngon, thanh mát này khiến ai một lần thưởng thức qua đều nhớ mãi.
Trong khi đó, theo y học cổ truyền, chua me đất có vị chua, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, kháng sinh, tiêu viêm, làm hạ huyết áp và lợi tiêu hóa.
Dân gian cũng dùng cây chua me đất để chữa nhiều triệu chứng đau - bệnh của cơ thể như:
- Cảm sốt: Chua me sao vàng, sắc lấy nước uống. Liều dùng hàng ngày: Từ 30-50g (toàn cây hoặc lá tươi), nếu dùng khô chỉ cần 5-10g.
- Chữa viêm loét miệng: Chua me đất tươi 60g, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt; dùng bông chấm nước cốt, bôi vào những nơi tổn thương, ngày bôi nhiều lần.
Chữa huyết áp cao: Chua me đất hoa vàng khô 30g, hạ khô thảo 10g, cúc hoa vàng 15g. Sắc uống trong ngày.
- Chữa chảy máu cam: Chua me đất tươi vò nát nhét vào lỗ mũi.
- Chữa viêm họng sưng đau: Chua me đất hoa vàng 50g tươi, rửa sạch, thêm một chút muối nhai và nuốt từ từ.
- Chữa viêm tuyến vú cấp: Chua me đất 30g tươi, sắc uống, bã đắp vào chỗ sưng.
- Chữa trẻ lên sởi: Chua me đất hoa vàng phơi khô 9g. Sắc uống.
- Chữa thổ huyết: Chua me đất 15g (tươi 30g), thêm chút muối vào, sắc lấy nước, chia uống trong ngày.