Gabriel Gomes, 12 tuổi, đến từ Brazil, có chiều cao hơn 2,3 m do mắc phải gigantism (bệnh khổng lồ). Đây là một dạng rối loạn nghiêm trọng do khối u ở tuyến yên khiến cơ thể sản sinh quá nhiều hormone tăng trưởng.
Các bác sĩ khuyên Gabriel Gomes phải trải qua cuộc phẫu thuật não để ngăn chặn chiều cao tiếp tục tăng lên. Nếu không phẫu thuật, cậu bé có thể bị tử vong.
Gabriel Gomes chia sẻ: "Cháu muốn là người bình thường, căn bệnh gây nhiều phiền hà". Chiều cao ngất ngưởng khiến cậu bé này không thể đi học do không có chỗ ngồi nào vừa. Năm 10 tuổi, cậu bé đã trải qua ca phẫu thuật đầu tiên mà khó tiên lượng trước điều gì.
|
Gabriel Gomes có chiều cao hơn hẳn các bạn cùng trang lứa và người thân trong gia đình. Ảnh: Daily Mail. |
Để đảm bảo an toàn cho Gabriel, các bác sĩ đã tiếp cận khối u bằng đường mũi. Tuy nhiên, họ không loại bỏ được hoàn toàn khối u khiến cơ thể tiếp tục phát triển.
Khi bước sang 12 tuổi, cậu bé cần phẫu thuật khẩn cấp. Nếu quá trình phẫu thuật thất bại, cơ thể sẽ tiếp tục phát triển và các cơ quan sẽ dừng hoạt động dẫn đến tử vong.
Tiến sĩ Flavio Cadegiani, chuyên gia về hormone, nói: "Đây là bệnh hiếm gặp làm ảnh hưởng cuộc sống bệnh nhân. Cậu bé có thể tử vong sau 15 năm từ khi sinh ra. Vì vậy, Gabriel cần phẫu thuật".
Ca phẫu thuật thứ hai tiềm ẩn nguy hiểm
Ca phẫu thuật thứ hai của Gabriel diễn ra ở Bệnh viện Das Clinicas tại Sao Paulo và được đánh giá nguy hiểm hơn lần trước.
Trước khi ca phẫu thuật, qua chụp cộng hưởng từ, các bác sĩ phát hiện thêm biến chứng phức tạp, khối u đang nằm gần mạch máu quan trọng có tên là động mạch cảnh. Vì vậy, bệnh nhân có thể phải đối diện với cục máu đông, chảy máu não, động kinh, đột quỵ, hôn mê hoặc tử vong. Tuy nhiên, nếu không phẫu thuật cậu bé sẽ chết.
|
Sau khi được phẫu thuật, cậu bé đã trở lại cuộc sống bình thường. Ảnh: Daily Mail. |
Trong khi ca phẫu thuật diễn ra, Ricardene, mẹ của Gabriel, chia sẻ: "Tôi hy vọng con trai có thể xuất viện, được chữa khỏi hoàn toàn".
Tiến sĩ Sanders, một thành viên của kíp mổ, cho biết khối u chỉ bằng hạt đậu, đường kính 20 mm nhưng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cậu bé.
"Vấn đề không phải là ở kích thước khối u, căn bệnh của cậu bé ảnh hưởng đến tim và xương. Do đó, chúng tôi phải giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt", tiến sĩ Sander nói.
Sau 8 tiếng phẫu thuật, bác sĩ đã lấy được khối u gây tăng trưởng quá mức ra khỏi cơ thể Gabriel. Thế nhưng, cậu bé không tỉnh lại và gần như bị liệt phần bên phải của cơ thể do cục máu đông bên trong não.
Khi bác sĩ nói chưa biết bao giờ con trai sẽ tỉnh lại, Ricardene gần như chấm dứt mọi hi vọng. Thế nhưng, điều bất ngờ đã xảy ra khi Gabriel tỉnh lại sau khi người thân và các bác sĩ hết sức lo lắng và hồi phục thần kỳ. Hiện tại, cậu bé đi lại bình thường và trải qua tập vật lý trị liệu.
Nói về kết quả cuộc phẫu thuật, tiến sĩ Sander cho hay: "Mục tiêu của ca phẫu thuật là hạ thấp mức hormone tăng trưởng. Các hormone này đã hạ khá nhiều, trở về mức bình thường".
Sau một tháng, Gabriel được xuất viện về nhà trong niềm vui của người mẹ và gia đình.
Tuyến yên nằm ngay dưới não, chịu trách nhiệm sản xuất hormone tăng trưởng và đưa vào máu. Khi bệnh nhân mắc bệnh khổng lồ, gan sẽ được kích thích để tạo hormone tăng tưởng cơ và xương.
Bệnh khổng lồ do khối u lành tính ở tuyến yên khiến hormone tăng trưởng sản sinh nhiều hơn dẫn đến phát triển quá mức. Khối u này ảnh hưởng đến sản xuất hormone khác trong cơ thể. Đây không phải là bệnh di truyền.
Tỷ lệ mắc bệnh khổng lồ khoảng 4-13/100.000 người trên thế giới. Triệu chứng gồm chân tay dài, mặt thô, lưỡi và môi to, mũi phẳng, trán và hàm nhô ra...