|
Chứng coulrophobia (sợ hãi chú hề) trở nên phổ biến vào những năm 1980, sau khi các tờ báo đăng những bức ảnh về kẻ giết người hàng loạt John Wayne Gacy mặc bộ đồ hề. Minh họa: Phil Hackett /The Guardian.
|
Bác sĩ người Mỹ Benjamin Rush nói: “Tôi định nghĩa ám ảnh là nỗi sợ hãi về điều gì đó kinh khủng trong tưởng tượng hoặc nỗi sợ hãi quá mức về điều có thật”.
Trong thế kỷ tiếp theo, các bác sĩ tâm thần đã có nhiều kiến thức phức tạp hơn về vấn đề này. Họ coi chứng ám ảnh là dấu vết tồi tệ của lịch sử tiến hóa và lịch sử cá nhân của chúng ta. Đó là biểu hiện của cả bản năng động vật và ham muốn bị kìm nén của chúng ta.
Các nhà tâm lý học tiến hóa cho rằng nhiều nỗi ám ảnh có tính thích nghi: nỗi sợ độ cao và rắn ăn sâu trong não chúng ta để ngăn chúng ta rơi từ độ cao hoặc bị rắn cắn; sự ghê tởm của chúng ta đối với loài chuột bảo vệ chúng ta khỏi bệnh tật.
Sự tiến hóa có thể giúp giải thích tại sao phụ nữ sợ hãi nhiều thứ, đặc biệt là trong những năm họ sinh con vì họ rất thận trọng trong việc bảo vệ con cái cũng như bản thân họ.
Sợ chú hề
Coulrophobia, gọi là chứng sợ chú hề, trở nên phổ biến ở Mỹ vào những năm 1980, sau khi các tờ báo đăng ảnh về kẻ giết người hàng loạt John Wayne Gacy mặc bộ đồ hề.
Sau đó, người ta liên tục thấy “những chú hề rình rập” ở Massachusetts, Rhode Island, Kansas City, Omaha, Nebraska và Colorado. Hiện tượng này lan rộng hơn nữa vào năm 1986 khi nhà văn Stephen King’s xuất bản It.
Gã hề siêu nhiên trong cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của ông King là kẻ ác độc có thể biến thành bất cứ nỗi sợ nào của bọn trẻ. Nụ cười không bao giờ tắt của hắn ta luôn khiến người xem ghê rợn.
Sợ côn trùng nhỏ
Acarophobia là nỗi sợ hãi tột độ đối với côn trùng nhỏ. Những người mắc chứng này thậm chí thực sự tin rằng những sinh vật cực nhỏ sẽ xâm chiếm cơ thể họ.
|
Khi chứng sợ côn trùng trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân có thể tin rằng cơ thể bản thân đã bị xâm chiếm bởi đám côn trùng. Minh họa: Phil Hackett /The Guardian.
|
Một số người tự khoét thịt để cố gắng lấy ra những con côn trùng tưởng tượng. Sau khi đến thăm Salvador Dalí trong một khách sạn ở Paris vào những năm 1920, Luis Buñuel viết: “Tôi thấy một tấm gạc khổng lồ băng bó lưng anh ấy. Anh ấy nghĩ lưng mình bị một con 'bọ chét' hoặc một con thú lạ nào đó tấn công nên anh dùng lưỡi dao cạo để đâm nó. Khi bác sĩ đến khám thì phát hiện ra "bọ chét" thực chất chỉ là một cái mụn”.
Sợ thuyền kayak
|
Chứng sợ kayak là một vấn đề nghiêm trọng ở Greenland. Minh họa: Phil Hackett /The Guardian.
|
Vào đầu thế kỷ 20, nhiều người đàn ông Inuit ở Greenland đã từ bỏ thuyền kayak dùng để săn hải cẩu. Họ trở nên tê liệt vì sợ hãi ra khơi.
Một số người đã suy đoán hiện tượng này là một dạng sợ mất trí nhớ, trong khi những người khác lại cho rằng nó xuất phát từ sự mất định hướng gây ra bởi phong cảnh tĩnh lặng, kỳ vĩ của Bắc Đại Tây Dương. Nhưng người Greenland lại nghĩ nó xuất phát từ những căng thẳng xã hội.
Sợ ếch
Một số người kinh hãi ếch khi thấy đôi mắt và làn da lấp lánh của nó, cái túi phập phồng ở cổ họng; bàn chân có màng, sự tĩnh lặng hoàn hảo và bước nhảy vọt đột ngột.
Sự ác cảm này được gọi là batrachophobia. Vào đầu những năm 1980, một phụ nữ trẻ ở Michigan đang cắt cỏ ở bờ sông gần nhà thì bất ngờ cắt trúng con ếch và nhìn thấy những mảng thịt ếch đầy máu bắn ra từ chiếc máy.
|
Mắt, da, túi bong bóng hay chuyển động của ếch khiến nhiều người ghê tởm. Minh họa: Phil Hackett /The Guardian.
|
Sau đó cô gặp ác mộng về loài ếch. Nỗi ám ảnh của cô ấy có vẻ bắt nguồn từ cảm giác tội lỗi và lo sợ loài vật sẽ quay lại trả thù.
Sợ số 4
Tetraphobia, hay chứng sợ số 4 rất phổ biến ở các nước Đông Á, bởi vì trong một số ngôn ngữ như tiếng Quan Thoại, tiếng Hàn và tiếng Nhật, âm thanh của từ này rất giống với từ "chết". Nhiều tòa nhà ở Đông Á bỏ qua tất cả số tầng và số phòng như 4, 14, 24. Tại Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc số hiệu tàu và máy bay hiếm khi kết thúc bằng số 4.
|
Nhiều tòa nhà ở Đông Á bỏ qua tất cả số tầng và số phòng có chứa số 4. Minh họa: Phil Hackett /The Guardian.
|
Năm 2011, một nghiên cứu được công bố trên British Medical Journal cho thấy tỉ lệ người Mỹ gốc Á chết vì suy tim vào ngày thứ 4 của tháng cao hơn 13% so với bất kỳ ngày nào khác. Phát hiện này dường như xác nhận rằng nỗi sợ hãi này có thật.
Sợ lỗ
Vào năm 2003, sự ác cảm đối với lỗ hoặc vết sưng trở thành nỗi ám ảnh khi hình ảnh một bộ ngực phụ nữ bị nhiễm giòi bọ được lan truyền trên mạng.
Vào năm 2005, một người sợ lỗ đã phát minh ra từ trypophobia để gọi tên nỗi ám ảnh này này.
Nỗi ám ảnh có thể bị kích động bởi bất kỳ sự kết tụ nào của hình tròn như bọt biển, hình gai, hạt vụn, bọt xà phòng, tổ ong, phần lưng rỗ của cóc Surinam.
|
Một số nhà khoa học cho rằng chúng ta sợ lỗ vì đó là phản ứng tự bảo vệ của cơ thể. Minh họa: Phil Hackett /The Guardian.
|
Một số nhà khoa học tin rằng các vết sưng và lỗ có thể kích hoạt phản ứng ghê tởm, vốn được phát triển để bảo vệ chúng ta khỏi các mầm bệnh, vì chúng gợi nhớ đến phát ban, vết loét, u nang hoặc mụn mủ của bệnh truyền nhiễm.
Sợ râu
Vào năm 2013, Jeremy Paxman đã cáo buộc BBC về chứng sợ râu sau khi ông xuất hiện trên Newsnight với khuôn mặt chưa cạo. Ông tuyên bố BBC ghét râu như nhà độc tài Enver Hoxha, người đã cấm để râu ở Albania vào năm 1967.
Chứng sợ râu vốn là thuật ngữ châm biếm xuất hiện vào thế kỷ 19 để mô tả sự căm ghét đối với râu.
Các bức tranh hang động ban đầu cho thấy ngay cả tổ tiên người Neanderthal cũng loại bỏ râu bằng cách dùng vỏ trai làm nhíp hoặc đá lửa làm dao cạo. Lí do có lẽ là để tránh ký sinh trùng.
Sợ tàu hỏa
Vào năm 1879, bác sĩ Johannes Rigler đã đặt tên "siderodromophobia" cho một căn bệnh mới mà công nhân đường sắt mắc phải. Theo Rigler, những cú xóc nảy mạnh khi đi tàu có thể dẫn đến suy nhược về thể chất và tinh thần.
|
Bác sĩ ở thế kỷ 19 tuyên bố những cú xóc nảy mạnh khi đi tàu hỏa có thể dẫn đến sự suy sụp. Minh họa: Phil Hackett / The Guardian.
|
Nhà thần kinh học nổi tiếng Sigmund Freud cho rằng chứng sợ đường sắt của mình bắt đầu từ chuyến đi tàu hỏa qua đêm từ Leipzig đến Vienna khi 2 tuổi. Ông đoán rằng mình đã thấy mẹ khỏa thân trên chuyến tàu và ông trở nên phấn khích. Ông sợ rằng cha sẽ trừng phạt mình vì ham muốn đó. Sau đấy, ông Freud lập luận rằng các bé trai bị kích thích bởi chuyển động đập mạnh, dồn dập của tàu. Thay vì gây ra sự phấn khích, sự rung của đầu máy sẽ mang lại cảm giác buồn nôn, lo lắng và sợ hãi.
Sợ nghe điện thoại
|
Dù là quá khứ hay hiện tại, nhiều người vẫn rất sợ nghe điện thoại. Minh họa: Phil Hackett /The Guardian.
|
Năm 1913, các bác sĩ tại bệnh viện ở Paris đã phát hiện bệnh nhân đau đớn khi nghe thấy chuông điện thoại, và khi trả lời cuộc gọi, cô ấy đơ người ra và gần như không thể nói được.
Trong quá khứ, điện thoại bị coi là thiết bị độc hại. Ở khía cạnh nào đó, tình hình này đã đảo ngược. Hiện nay, nhiều người trong chúng ta sợ rời xa điện thoại. Nhưng giờ đây khi chúng ta sử dụng điện thoại di động rất nhiều, các cuộc điện thoại lại trở nên đáng sợ.
Trong một cuộc khảo sát năm 2019, 76% số người tham gia sinh ra trong 2 thập kỷ trước của thế kỷ 20 nói rằng họ cảm thấy lo lắng khi nghe chuông điện thoại.
Sợ ngủ
Hypnophobia là chứng sợ hãi giấc ngủ, thường là do nỗi khiếp sợ về những giấc mơ hoặc ác mộng. Năm 1855, tình trạng này đã được xác định trong một từ điển y khoa. Hiện tượng này trở nên tồi tệ hơn rất nhiều khi bộ phim A Nightmare on Elm Street của Wes Craven ra mắt năm 1984.
Trong phim, những thanh thiếu niên được viếng thăm bởi một kẻ sát nhân trẻ em biến dạng và mất trí, người có khả năng giết họ khi họ ngủ. Dòng giới thiệu của bộ phim để lại ám ảnh: “Dù bạn làm gì, đừng ngủ gật”.