Theo thông tin đăng tải, gần một năm nay, cô Trương, 50 tuổi, ở Chiết Giang, Trung Quốc, mắc phải một căn bệnh kỳ lạ. Cứ đang ngủ say, cô Trương lại bị giật mình tỉnh dậy bởi tiếng động cực lớn.
Sau khi tỉnh dậy và cực kỳ hoang mang, sợ hãi, cô Trương nhận ra xung quanh vô cùng yên tĩnh. Đáng nói, hiện tượng này lặp đi lặp lại, cứ như vậy khoảng vài lần mỗi đêm, khiến cô Trương như muốn phát điên.
Không còn cách nào khác, mới đây, cô Trương đến bệnh viện trường Đại học Y khoa Chiết Giang để thăm khám. Tại bệnh viện, bác sĩ Trương Lực Tam - Trưởng khoa thần kinh đã theo dõi giấc ngủ của cô Trương và phát hiện ra rằng, bệnh nhân mắc phải "hội chứng đầu nổ tung" hay "hội chứng đầu phát nổ".
|
Ảnh minh họa. |
Theo bác sĩ Trương Lực Tam, "hội chứng đầu nổ tung" là một chứng mất ngủ rất hiếm gặp. Khi bệnh nhân đang ngủ, họ sẽ cảm thấy có tiếng ồn lớn và giật mình thức giấc. Những tiếng ồn này bao gồm tiếng va chạm, tiếng nổ lớn...v.v. Kèm với đó là một loạt các vấn đề đi kèm với giấc ngủ.
Bác sĩ Trương Lực Tam cũng nhấn mạnh, hiện nay các nghiên cứu và báo cáo y học về "hội chứng đầu nổ tung" vẫn chưa rõ ràng, chỉ biết rằng nó thường xảy ra thường xuyên hơn khi bệnh nhân rất mệt mỏi hoặc áp lực lớn.
Hiện, chưa có thống kê chính thức nên không rõ có bao nhiêu người mắc phải hội chứng này, song phụ nữ có tỷ lệ mắc "hội chứng đầu nổ tung" cao hơn nam giới. Đối tượng bao gồm tất cả các nhóm tuổi, thậm chí có một số bệnh nhân dưới 10 tuổi. Độ tuổi trung bình xuất hiện "hội chứng đầu nổ tung" là 58 tuổi.
Bác sĩ chỉ ra thêm, lấy cô Trương làm ví dụ, cô là phụ nữ vừa mới mãn kinh, tâm trạng không được tốt lắm, sau dịch bệnh COVID-19 lại gặp phải một số vấn đề trong công việc nên chất lượng giấc ngủ không tốt, căng thẳng tinh thần lặp đi lặp lại. Đây có thể nguyên nhân chính khiến cô Trương mắc "hội chứng đầu nổ tung".
Đáng nói, "hội chứng đầu nổ tung" có thể bị nhầm lẫn với hội chứng đau đầu, nhưng không giống như đau đầu, "hội chứng đầu nổ tung" không hề gây đau. Nhìn chung, đến nay, các bác sĩ trên thế giới vẫn không chỉ định thuốc cho chứng bệnh này mà thường khuyên bệnh nhân phải điều chỉnh lại chế độ làm việc, sinh hoạt và nghỉ ngơi của mình.
Nếu sau khi đảm bảo ngủ đủ giấc và duy trì trạng thái tinh thần tốt mà vẫn gặp hiện tượng này thì mới đi sâu vào tìm hiểu thêm và điều trị tiếp.