Theo nhóm nghiên cứu, từ 2010 đến 2014, thế giới có 55,7 triệu ca phá thai. Tuy nhiên, 17,1 triệu ca phá thai không an toàn, do phụ nữ tự uống thuốc hoặc người hỗ trợ đã qua đào tạo dùng các biện pháp không còn được xem là tốt nhất. 8 triệu ca phá thai được xem là "kém an toàn nhất" do sử dụng các phương pháp nguy hiểm và liều mạng để tự sảy thai.
|
Biểu đồ tỷ lệ về mức độ an toàn của các ca nạo phá thai. Ảnh: TheGuardian. |
Châu Phi là nơi có số ca phá thai không an toàn cao nhất thế giới. Tại châu lục này, chỉ có 1/4 số ca an toàn, nhiều trường hợp bị tử vong trong khi phá thai.
Trong đó, số ca tử vong cao nhất do nạo phá thai tại Tây và Trung Phi ở mức 450/100.000 ca. Nhóm nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ phụ nữ tại khu vực này có thể tử vong vì các biến chứng cao do dùng phương pháp phá thai nguy hiểm.
Bắc Âu và Bắc Mỹ có rất ít ca phá thai. Nguyên nhân được cho là nhờ các quốc gia ở khu vực này áp dụng luật hạn chế phá thai, đa số phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai, nền kinh tế và mức độ bình đẳng giới ở mức cao, hạ tầng y tế tốt.
Các chuyên gia nhận định việc áp dụng lại "chính sách Mexico City" (luật Gag toàn cầu) cấm các quỹ liên bang của Mỹ tài trợ cho bất kỳ tổ chức nào giúp phụ nữ phá thai sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Tờ Guardian dẫn lời chuyên gia Gilda Sedgh, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Viện Guttmacher, cho rằng thời gian kể từ khi áp dụng lại "chính sách Mexico City" chưa đủ để đánh giá tác động thật sự.
Bà Gilda nói: "Không có bằng chứng nào cho thấy "chính sách Mexico City" giúp giảm tỷ lệ phá thai". Một số nghiên cứu ở vùng hạ Sahara Châu Phi cho thấy số ca phá thai sẽ tăng lên do các tổ chức phi chính phủ giảm cung cấp biện pháp tránh thai.
Theo tiến sĩ Gunatra đến từ WHO, những phát hiện của nhóm nghiên cứu nhằm kêu gọi luật pháp đảm bảo phá thai an toàn, đặc biệt ở các khu vực có thu nhập thấp trên thế giới, cần có những nỗ lực để thay thế các phương pháp không an toàn bằng cách phá thai an toàn.