Ám ảnh phá thai vị thành niên: Hậu quả đáng sợ

Google News

GS Nguyễn Thị Hoài Đức - Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình Rahf từng chứng kiến rất nhiều nỗi đau phải phá thai sớm của trẻ vị thành niên.

Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (LHQ), hàng năm trên thế giới có khoảng 20 triệu em gái từ 15-19 tuổi sinh con. Ước tính, có khoảng 3,2 triệu ca nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái vị thành niên. Vì vậy, chủ đề Ngày dân số thế giới năm 2016 (11.7) được Quỹ Dân số LHQ lựa chọn là “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”.
Ngây thơ... có thai
GS Nguyễn Thị Hoài Đức - Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình Rahf chia sẻ, trong hơn 50 năm làm về sức khoẻ sinh sản, bà từng chứng kiến rất nhiều nỗi đau phải phá thai sớm của trẻ vị thành niên (VTN, từ 13-17 tuổi). Hầu hết các em đều đến bệnh viện khi tuổi thai đã lớn trên 2-3 tháng. Các em không có kinh nghiệm nên hoàn toàn không biết mình có thai, khi bị nôn tưởng mình bị ngộ độc thức ăn, đau dạ dày, khi mệt mỏi tưởng mình bị cúm, thậm chí khi thai đã 5-6 tháng, bụng to “vượt mặt” lại nghĩ mình “ăn nhiều mà béo”.
Các em này chỉ lo lắng khi thấy bụng mình có “vật lạ động đậy” mới đi khám và biết mình có thai. Cũng không ít em biết mình có thai từ sớm nhưng lại chờ đợi bạn trai chịu trách nhiệm, cuối cùng bạn trai “chạy làng” mới đau khổ đi phá thai. Đau lòng nhất là có em mới 17-18 tuổi đã phá thai 3-4 lần. Các em hoàn toàn ngây thơ cho rằng, thai nhi chỉ là “hậu quả xấu” của tình yêu và chịu đau vài chục phút là kết thúc. Sau đó các em lại thụ động yêu đương, không tự bảo vệ mình, không biết cách từ chối bạn tình khi họ không sử dụng biện pháp tránh thai.
Am anh pha thai vi thanh nien: Hau qua dang so
Tư vấn sức khoẻ sinh sản tại Phòng khám đa khoa Viện Phát triển sức khoẻ cộng đồng Ánh Sáng. Ảnh: Diệu Linh. 
Theo GS Đức, nguyên nhân trẻ VTN đến các cơ sở phá thai chui là do các em muốn kín đáo, không ai biết lại dễ tin tưởng vào lời cò mồi, cam đoan “nhanh, không đau, kín đáo, không để lại hậu quả” của các cơ sở chui.
Theo số liệu toàn cầu, trong năm 2015, số trẻ em kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi cao nhất rơi vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 59 triệu em; tiếp sau là Đông Á và Nam Á… Bên cạnh đó, mỗi ngày có 20.000 trẻ em gái tại các nước đang phát triển độ tuổi từ 15-17 sinh con; ước tính số ca nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15-19 là 3,2 triệu ca. Tự tử và biến chứng thai sản là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái từ 15-19 tuổi…
Bác sĩ Lương Thị Thanh Bình – nguyên Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng chia sẻ, bà cũng gặp không ít các “bà mẹ nhí” đến phá thai khi mới 13-14 tuổi. Không chỉ tìm đến các cơ sở y tế chui mà nhiều em còn tự mua thuốc phá thai để uống, tự phá tại nhà. Trong khi việc uống thuốc phá thai phải được bác sĩ chỉ định, theo dõi, đặc biệt là các ca phá thai to cần phải được thực hiện trong bệnh viện, có bác sĩ theo dõi, có trang thiết bị cấp cứu nếu xảy ra tai biến.
“Tôi từng xử lý một ca ngất xỉu vì băng huyết quá nhiều. Cô gái này tự mua thuốc kích thích chuyển dạ để phá thai to trên 5 tháng. Khi thấy máu ra, cô gái cứ nghĩ đó là “đang sảy” và “ra hết” thì sẽ ổn mà không biết mình đang bị băng huyết ồ ạt. Nếu không có người bạn phát hiện đưa đi cấp cứu thì hậu quả rất khó lường” – bác sĩ Bình cho biết.
Theo GS Đức, việc phá thai đối với trẻ VTN tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về sức khoẻ. Cơ thể của các em còn non nớt, dễ bị tổn thương, việc phá thai có thể để lại hậu quả như chảy máu nhiều, thủng tử cung, nhiễm khuẩn dẫn đến dính vòi trứng gây vô sinh; hoặc do phá thai, đặc biệt phá thai nhiều lần thì thành dạ con sẽ mỏng dễ dẫn đến sảy thai liên tiếp, thai lưu, chửa ngoài dạ con...
Đầu tư thực tế
Ông Đinh Huy Dương - Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục (Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế) cho biết, tỷ lệ VTN mang thai ở nước ta đang có xu hướng giảm, tuy nhiên, con số này vẫn rất cao. Cụ thể, con số này các năm 2010, 2014 và 2015 lần lượt là: 3,24%, 2,78% và 2,66% số ca mang thai. Điều này kéo theo số ca phá thai ở lứa tuổi VTN cũng giảm rất chậm. Theo thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) năm 2010 cả nước có 470.000 ca phá thai, trong đó hơn 9.100 ca là VTN. Năm 2015 có gần 280.000 ca phá thai trong đó có hơn 5.500 ca phá thai VTN. Còn trong tổng số ca đẻ năm 2015 có 42.000 bà mẹ là VTN, chiếm 2,53% tổng số ca sinh.
Am anh pha thai vi thanh nien: Hau qua dang so-Hinh-2
 
Ông Dương thừa nhận, đây mới chỉ là con số thống kê từ hệ thống y tế công. Trong khi đó, nhiều ca mang thai to hoặc muốn kín đáo, giấu giếm lại “thích” tìm đến các cơ sở y tế tư nhân. Hiện Việt Nam có khoảng 14 triệu trẻ VTN.
Theo TS Lê Cảnh Nhạc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, chủ đề Ngày Dân số thế giới năm nay (ngày 11.7) được chọn là “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”, nhằm nâng kiến thức, kỹ năng của trẻ em gái để bảo vệ mình khỏi mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục…
Tuy nhiên, GS Đức nhận định, việc đầu tư phải thực tế, mà cụ thể là dạy kiến thức, kỹ năng về sức khoẻ sinh sản, tình dục an toàn một cách bài bản cho trẻ VTN, cả nam và nữ chứ không chỉ riêng trẻ em gái.
Theo Dân Việt

Bình luận(0)