Năm rồi, khi các con nghỉ hè, anh đưa cả nhà về thăm quê nội. Niềm vui và hạnh phúc của anh sau nhiều năm chưa trở về quê hương hiện rõ trong ánh mắt, nụ cười. Em hiểu và có thể “xí xóa” cho những hành động bốc đồng trong giây phút ấy của anh.
Anh thao thao chuyện con gái mười hai năm liền là học sinh giỏi, vừa thi đại học, nắm chắc kết quả đậu cao. Con trai nhỏ vừa vào cấp hai cũng chẳng kém chị, vào năm học mới chưa bao giờ phải tốn một xu mua tập vở, vì phần thưởng hàng năm dùng không hết! Anh cũng mãn nguyện vì các con cao lớn, khỏe mạnh, ngoan ngoãn, biết chào hỏi lễ phép. Mọi người trong dòng họ nể anh ra mặt, ai có con chưa ngoan đều to nhỏ nhờ anh chuyện trò, khuyên bảo giúp một lời...
|
Ảnh mang tính minh họa: Internet. |
Mới đây, lại có điện thoại ngoài quê gọi vào. Mọi người đang đau đầu vì chuyện con trai của bác Hai tụi nhỏ nghiện game, học hành sa sút, có nguy cơ bỏ học giữa năm lớp 12. Anh trấn an mọi người, hùng hồn tuyên bố: “Để đó cho em!” Thế là cứ vài ngày anh lại điện ra thăm hỏi, chuyện trò với cháu trai, dặn đi dặn lại: “Có gì cứ điện cho chú, chú cháu mình tâm sự như những người bạn, nhé”.
Nghe giọng tình cảm, chân tình của anh dành cho cháu, con gái mình ghé tai em nói nhỏ: “Sao ba chẳng bao giờ chuyện trò, “làm bạn” với tụi con như thế hả mẹ?”. Thấy con buồn mà em chẳng biết phải nói sao, bởi dù có nói đỡ thế nào cho anh cũng không thể xóa được những gì các con đã cảm nhận về khoảng cách vô hình do ba chúng tạo ra...
Với anh, có lẽ chuyện dạy con là rất đơn giản, chẳng có gì đáng phải bận tâm nên anh cứ phó mặc cho em. Cho đến mới đây, một buổi chiều khi về nhà, anh không thấy con trai đâu, chiếc xe đạp cũng biến mất.
Anh đi tìm ở những nơi con có thể đến đều không thấy nên rất lo lắng vì thằng bé lâu nay vẫn ngoan, đi đâu cũng xin phép đàng hoàng. Em ở cơ quan cũng đứng ngồi không yên, đang định về tìm con thì anh điện bảo đã “bắt” được con từ một tiệm net. Anh cáu kỉnh trong điện thoại, nói như ra lệnh là chiều em phải về sớm (em ngầm hiểu là về sớm để “giải quyết” hậu quả, như thể con hư là do em).
Em về, “giải quyết hậu quả” bằng cách lôi con ra phạt năm roi quắn đít, “tra khảo” xem con đã nhiễm game tới mức độ nào, may chỉ là mới chớm. Anh ngồi im, chẳng nói một lời rồi xách chai rượu ra uống. Anh bảo đi làm về mệt, con hư buồn quá phải uống cho quên mới ngủ được.
Uống rượu cũng chưa quên được, anh tìm người… chia sẻ. Anh gọi điện cho con gái đang học đại học kể tội thằng em. Điện sang méc với ông bà ngoại, làm ông bà một phen hốt hoảng... Xưa nay anh chỉ thấy con mình ngoan ngoãn mà chưa từng phải lo lắng gì về chúng nên việc xảy ra làm anh sốc.
Anh đâu biết, để các con được như vậy, em đã phải theo sát chúng từng ngày. Trước đây, con gái ở cái tuổi như con trai bây giờ, em từng phải đau đầu trước sự dở dở ương ương của con. Phải tìm cách này, cách khác để hiểu con, hướng con đi đúng “quỹ đạo”, con mới được như hôm nay để anh có thể hãnh diện với mọi người, để anh em ở quê “tín nhiệm” anh mà nhờ cậy.
Giờ con trai mình vào tuổi dậy thì, dù em cố gắng gần gũi đến mấy cũng không thể đủ, vì con là con trai, cần có một “người bạn” là ba, để được nói chuyện như hai người đàn ông với nhau. Sao chồng không dành thời gian cho con, kéo con ra khỏi những đam mê có hại bằng những thú vui lành mạnh như rủ con chơi thể thao, đọc sách, cùng xem những bộ phim hay... Đó chẳng phải là những điều anh từng trò chuyện cùng cháu trai để giúp nó cai game đó sao?
Các con mình lớn lên, xung quanh luôn có những điều tốt xấu lẫn lộn. Giúp con tránh được những thói hư tật xấu không hề đơn giản, phải có cả một quá trình quan tâm, dõi theo và uốn nắn của người lớn.
Mình em chưa đủ, mong anh phụ một tay.