Chạy Grab là công việc phổ biến và được các bạn trẻ tìm đến ngay từ khi còn đi học đại học để giúp trang trải cuộc sống, thậm chí, nhiều người còn coi đó là nghề kiếm nguồn thu nhập chính.
Sau khi tốt nghiệp đại học, loay hoay với tình cảnh không kiếm được việc trong thời gian dài, nhiều bạn trẻ đã tìm đến Grab, rong ruổi trên khắp các con đường để kiếm đồng lương sống qua những ngày tháng ở thành phố đầy cạnh tranh. Đó cũng là câu chuyện của một chàng trai 26 tuổi chia sẻ trên mạng xã hội gây xôn xao gần đây: Nhận bằng Đại học, chạy Grab trong 2 năm để rồi bỏ hết tất cả, về quê và bắt đầu lại.
“Các bác ạ em về quê thôi! Em năm nay 26 tuổi, quê Ninh Bình. Cuộc đời xô đẩy không nghĩ mình lại làm cái nghề này lâu vậy cũng gần 2 năm có lẻ.
Được cho là thằng sáng dạ, bố mẹ cày cấy để nuôi mình ăn học cho thoát cái cảnh con trâu đi trước mặt mình theo sau.
4 năm đại học với bao cố gắng bằng mồ hôi, máu và nước mắt của cả gia đình, mong cho mình bớt khổ. Rồi 4 năm học cũng qua, ra trường với bao hoài bão, cầm tấm bằng đi xin việc, đúng là cao không đến, thấp không xong. Chỗ nào lâu nhất được 5-6 tháng họ không đuổi thì cũng tìm cách đuổi.
Lang thang, vật vờ cố bám trụ và rồi Grab như gói mỳ tôm vay bạn thời sinh viên. Nghĩ vừa đi xin việc vừa chạy kiếm tiền lo tạm. Trong đầu luôn nghĩ ờ mình làm tạm thôi chứ ai lại làm món này. Rồi cuộc sống cứ thế trôi đi, bố mẹ ở quê cứ tưởng nó làm công ty liên doanh với nước ngoài (em về chém thế). Mỗi khi về quê thấy bố mẹ khoe với họ hàng, nhìn nét mặt tự hào của họ em không nỡ nói thật. Từ đó em dần dần sợ về quê.
Cuộc số xe ôm xô bồ, tự do, lâu ngày em thấy suy nghĩ và hành động của mình nó khác hẳn ngày trước. Mỗi khi bạn bè ở quê gọi điện thoại tâm sự, chuyện làm ăn, vợ con, em thấy mình hèn thật. 25 tuổi tay trắng, ngày ngày bán tính mạng để kiếm vài đồng.
Đêm về mệt thì không sao, hôm nào không ngủ được ngẫm cái cuộc đời sao bạc bẽo thật. Nó không có chỗ cho chúng ta ở đây. Cứ như thế này không ổn, tương lai bất định. Nhiều lúc đi ship đồ cho những đứa bằng tầm mình, hay kém tý thấy tủi nhục thật. 12h trưa chầu chực gần các quán ăn, mong chờ nổ được cuốc ship đồ. Nhìn thấy anh em đồng nghiệp cũng như mình, sức trẻ, học thức đàng hoàng giờ đi làm cái này… xót xa thực sự.
|
Người trẻ trước vấp ngã, bạn chọn đối mặt hay buông bỏ? |
Ở quê em bọn học cấp 3 cùng trang lứa, chúng nó làm kinh tế trang trại, chăn nuôi, làm đá (làng em làm đá non bộ). Thu nhập cũng khá và ổn là khác. Nhưng có lẽ vì các mác “làm trên Hà Nội” mà em và không ít anh em ở đây không dám về. Cũng chỉ cái câu “Giàu nhà quê, không bằng ngồi lê thành phố” nó ám ảnh.
Em nghĩ nơi này không dành cho những người quê như chúng ta, những kẻ sinh ra từ làng. Ngay lúc này đây, em thèm được ngửi cái mùi ngai ngái của bùn, mùi thơm của khói rơm. Ngày mai em sẽ về quê và bắt đầu lại trước khi quá muộn.
Chúc các bác ở lại may mắn, lại một mùa hè nóng rát bắt đầu chào đón rồi, các bác sẽ lại vất vả hơn, nhọc nhằn hơn đấy, các bác nhớ để cái khăn dưới yên hay trong túi ý, khi cần xin tý nước lau mặt cho tỉnh. Đồng tiền ở trên đây nhọc nhằn lắm.
Cảm ơn các bác đã nghe em tâm sự.
Tạm biệt những ngày tháng vô định!
Tạm biệt Hà Nội ngày 18/4/2019″
|
Nhiều bạn trẻ chạy Grab khi không tìm được việc dù có bằng Đại học. Ảnh: Facebook. |
Bài đăng nhanh chóng nhận được sự chú ý từ đông đảo cộng đồng mạng, đặc biệt là những bạn trẻ mới ra trường đang loay hoay tìm việc làm. Bên cạnh đó, không ít người đang vật lộn sống qua từng ngày ở nơi thành phố nhộn nhịp cũng phần nào đồng cảm với chàng trai này.
Trước dòng trạng thái này, nhiều ý kiến cho rằng quan điểm của chàng thanh niên 26 tuổi cũng là suy nghĩ, tâm lý chung của nhiều bạn trẻ vừa tốt nghiệp đại học. Đó là cảm giác chênh vênh, lao đao trước khó khăn của cuộc sống trưởng thành, là sự hẫng hụt khi nhận mức lương thấp dù có bằng Đại học, không được công ty nào nhận và cuối cùng là chán nản, bỏ hết tất cả để về quê bắt đầu lại.
Ở phần bình luận, một số chỉ trích ý kiến Hà Nội không dành cho người tỉnh lẻ của chàng trai và cho rằng đó là sự tự ti, đổ thừa cho hoàn cảnh mà chưa chịu cố gắng hết mình. Thay vì luẩn quẩn mãi với suy nghĩ cuộc sống nơi đô thị khó khăn thì hãy tìm cho mình một động lực và cố gắng hết mình.
“Chả ai kiếm đồng tiền dễ dàng cả. Ngay từ khi còn trẻ phải biết cố gắng. Được ăn học ra trường thì phải phát triển bản thân lên, chứ lao đầu vào những công việc tạm bợ, không có tương lai phát triển, chỉ gọi là có tiền trước mắt thì làm sao mà lớn được. Nhiều bạn trẻ mới ra trường đi làm vào các công ty thì chưa làm đã đòi hỏi mức lương nọ lương kia, ép doanh số thì không chịu. Lạ kỳ!”.
“Thực ra thì cầm tấm bằng trên tay không có nghĩa các công ty phải giữ bạn làm ở đó mãi đâu, còn do năng lực của bạn thôi. Ở Hà Nội kiếm đc đồng tiền ai cũng phải bục mặt ra thôi. Tự kiếm cho mình một động lực đi”.
|
Quan điểm của chàng trai trẻ gây ra sự tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội. |
Bên cạnh đó, cũng có không ít người rơi vào hoàn cảnh tương tự chàng trai này và cuối cùng phải bỏ lại tất cả để về quê bắt đầu lại.
“Sự lựa chọn quan trọng hơn sự cố gắng. Về quê thì cũng nên chọn công việc nó phù hợp năng lực nhé. Mình khá đồng cảm với suy nghĩ của bạn. Mình cũng có 1 thời gian như vậy. Nhưng chỉ sau 3 tháng mình quyết định về quê luôn. Lập nghiệp ở quê. Thu nhập thì quá ổn. Lại gần bố mẹ. Gần anh em họ hàng. Vẫn sướng cái tình cảm và không khí ở nhà. Thỉnh thoảng nhớ Hà Nội thì lên chơi với anh em trên đó. Nhưng việc về quê chỉ phù hợp cho bạn nào không thật sự giỏi. Nếu có năng lực hãy ở lại. Ở thành phố mọi điều kiện sinh hoạt giáo dục hay y tế đều tốt hơn. Nhưng ở lại là phải đàng hoàng. Đừng cố bám trụ”.
Nhiều người cũng chia sẻ những nỗi niềm riêng của mình trong quãng thời gian lăn lộn, bươn chải ở thành phố náo nhiệt và đưa ra lời khuyên nhủ cho chàng trai: 26 tuổi vẫn có thể bắt đầu lại nếu đặt tâm huyết, nỗ lực vào nó.
“26 tuổi vẫn còn quá trẻ để bắt đầu cái gì đó, không thử thách mạo hiểm 1,2 lần thì sao dám nghĩ đến cái chuyện thoát nghèo? Công việc dễ dàng thì ai chẳng làm, làm gì còn có người nghèo nữa”.
“Có trình độ, nhận thức và suy nghĩ như em anh tin em sẽ thành công không trong việc này thì việc khác, nhiều người trẻ bây giờ về quê gây dựng sự nghiệp cũng rất thành công khi có suy nghĩ đổi mới, sự dám làm nhiệt huyết của tuổi trẻ, không có gì là muộn cả, cố lên!”