Lướt nhanh trên TikTok, người xem dễ dàng thấy hàng loạt video có nội dung các KOL, influencer (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) chi hàng nghìn USD cho quần áo, trang sức xuất hiện liên tiếp, theo SF Gate.
Nhiều món đồ trong số đấy là do nhãn hàng tài trợ và sao mạng không mất tiền mua chúng. Còn đối với người xem, nếu muốn sở hữu nhưng tiền bạc không dư dả, các sao mạng sẽ khuyến khích họ sử dụng dịch vụ mua trước, trả sau từ các công ty cho vay.
|
Những lời chào mời người trẻ Mỹ vay tiền để thỏa sức mua sắm tràn ngập trên TikTok. Tranh: SF Gate.
|
Mua trước trả sau (buy now, pay later) là hình thức thanh toán trong đó người tiêu dùng mua hàng và trả dần trong một khoảng thời gian thành nhiều đợt. Nhiều công ty sẽ cung cấp các gói không tính lãi suất, nhưng sẽ tính các phụ phí và phí trả chậm cao.
Chính cách thức này đang đẩy nhiều người tiêu dùng trẻ tuổi tại Mỹ vào cảnh nợ nần.
Mua ngay, trả sau
Trong lúc mua sắm trực tuyến, khách hàng Gen Z nhiều lần bắt gặp các cái tên như Klarna, Sezzle, Zip, Afterpay hay Affirm xuất hiện trên màn hình, cùng lời mời gọi mua trước, trả sau, thanh toán bằng vài cú nhấp chuột, thuận tiện hơn phải nhập đi nhập lại thông tin nếu dùng thẻ tín dụng.
Dịch vụ này được tiếp thị rất nhiều bởi những người có ảnh hưởng trên TikTok, Instagram. Sao mạng thường xuyên giới thiệu những “món hời” mua được từ các thương hiệu thời trang phổ biến nhất.
Briana Fountain, nhà thiết kế 27 tuổi và blogger chăm sóc sức khỏe tại Atlanta, nhận thấy việc chấp nhận vay nợ để mua sắm dần thu hút phụ nữ trẻ thông qua các trang web thời trang.
Trong một báo cáo do Afterpay cung cấp, 73% chi tiêu của người tiêu dùng thế hệ Z là dành cho thời trang, cả cao cấp lẫn bình dân.
|
Người trẻ Gen Z thích tận hưởng trải nghiệm sang chảnh dù không có nhiều tiền. Ảnh: Forbes.
|
Và trên TikTok, nơi các xu hướng xuất hiện mỗi ngày và các bộ quần áo đòi hỏi phải liên tục cập nhật, mua mới, nhu cầu sắm sửa trang phục mới càng bùng nổ.
“Với thẻ tín dụng, bạn phải nộp đơn đăng ký và có thể phải đợi lấy thẻ. Còn ở đây, bạn tải xuống một ứng dụng và phê duyệt trên cơ sở từng lần mua. Mọi thứ diễn ra nhanh hơn rất nhiều”, Fountain cho hay.
Động thái này vừa bình thường hóa việc vay tiền để mua hàng, vừa khuyến khích người tiêu dùng hãy làm mọi cách để sở hữu những món đồ mong muốn, dù tài chính có dư dả hay không.
Tháng 9 năm ngoái, một TikToker có tên Lillian Bradford đăng tải video mình mặc áo khoác lông, đeo khuyên tai bằng vàng kèm chia sẻ “Tôi hoàn toàn ngạc nhiên khi biết rằng mình chỉ nợ 300 USD trên Afterpay sau khi mua trước, trả sau”.
Trong năm 2021, người Mỹ đã chi hơn 20 tỷ USD tiền tiêu dùng cho hình thức mua trước, trả sau. Đặc biệt, thế hệ gen Z ưa chuộng các khoản vay ngắn hạn, hiện sử dụng hình thức này nhiều hơn gấp 9 lần so với thời điểm tháng 1/2020.
|
Lời khuyến khích mua sắm từ các KOL trên TikTok càng làm người trẻ muốn đổ tiền vào quần áo, thời trang hơn. Ảnh: SF Gate.
|
Nợ chồng nợ
Dù thúc đẩy thị trường tiêu dùng đi lên, các chuyên gia lo ngại các khoản vay tức thời kết hợp với văn hóa truyền thông xã hội có thể gây nguy hiểm cho tương lai tài chính của những người trẻ.
Hầu hết dịch vụ mua trước thanh toán sau hoạt động theo hình thức kết hợp giữa thẻ tín dụng truyền thống và đặt cọc. Việc thanh toán được chia làm 4 phần, với phần đầu tiên là vào thời điểm mua hàng. Phần còn thường trả dần hàng tháng hoặc 2 tuần/lần.
“Hình thức này khuyến khích người trẻ chi tiêu vượt quá khả năng của họ với suy nghĩ chỉ mất một ít tiền trong vòng vài tháng”, Celesta, một sao mạng ở vùng Bay Area trên TikTok cho biết, từ chối tiết lộ tên đầy đủ cho biết.
Trong năm qua, Afterpay đã phải đối mặt với nhiều vụ kiện tập thể cấp liên bang ở California và Maine với cáo buộc công ty đã không trình bày đầy đủ các chi phí ẩn đằng sau dịch vụ của mình.
“Họ đang tiếp thị rất nhiều cho đối tượng trẻ, không có nhiều kinh nghiệm về cách sử dụng tín dụng hoặc lường trước việc có nhiều khoản vay cùng một lúc,” Marisabel Torres, giám đốc trung tâm chính sách cho vay có trách nhiệm ở bang California, bày tỏ.
|
Khi dùng cùng lúc nhiều chương trình cho vay, khách hàng Gen Z dễ rơi vào tình trạng nợ tiền chồng chất. Ảnh: Vice.
|
Tình trạng chồng chất nợ dễ xảy ra, đặc biệt khi ai đó sử dụng nhiều dịch vụ. Mỗi dịch vụ có các điều khoản trả nợ khác nhau và không có bên thống kê, sắp xếp tổng số nợ mà người dùng đang có giữa các dịch vụ khác nhau.
Bất chấp các điều khoản được cho là có lợi dành cho khách hàng, những người bỏ lỡ các khoản thanh toán có thể gặp rắc rối lớn. Các dịch vụ này khác nhau về cách chúng giải quyết các khoản thanh toán bị bỏ lỡ; một số tính phí trả chậm, trong khi những bên khác tính thêm lãi suất.
43% người dùng Gen Z bỏ lỡ ít nhất một lần thanh toán, theo một cuộc khảo sát của trang web thăm dò ý kiến Piplsay. Trong số những người tiêu dùng trẻ tuổi sử dụng khoản vay, 30% đã bỏ lỡ ít nhất hai lần thanh toán, theo một cuộc khảo sát của Credit Karma.
Bất chấp những lo ngại này, các công ty đã xây dựng được lòng tin đáng kể trong giới trẻ. Họ chỉ trích các ý kiến phản đối việc mua trước, trả sau là do thiếu hiểu biết.
Các công ty hoàn toàn nhận thức được rằng các dịch vụ của họ khuyến khích mọi người chi tiêu nhiều hơn. Trên thực tế, nhiều bên tiếp thị nó như một lợi ích cho các cửa hàng muốn hợp tác với họ.
“Chúng tôi thấy kích thước giỏ hàng lớn hơn, lượng mua hàng lớn hơn, so với thanh toán bằng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng”, Libor Michalek, giám đốc công nghệ tại Affirm, nói.
Một giám đốc điều hành giấu tên của Afterpay thậm chí còn gọi các khoản vay là cách để quản lý ngân sách tốt hơn nhờ chi tiêu thân thiện, “có trách nhiệm hơn so với thẻ tín dụng”.
Người tiêu dùng trung bình chi 365 USD cho một lần mua hàng bằng Affirm, theo dữ liệu mà công ty cung cấp.
Trong hai năm qua, nhiều bang tại Mỹ đã phạt các dịch vụ mua trước trả sau hàng triệu USD như Afterpay và Sezzle vì hoạt động mà không có giấy phép cho vay.
“Chúng là các khoản cho vay và chúng nên được quản lý bởi những người có thẩm quyền, với nhiều biện pháp bảo vệ hơn cho người tiêu dùng theo quy định của pháp luật”, Adam Wright, thuộc Sở Đổi mới và Bảo vệ Tài chính California, cho biết.