Tháng 6/2020, một nữ sinh 18 tuổi ở Thượng Hải (Trung Quốc) giấu tên phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ phát hiện lượng đường trong máu của cô cao hơn mức bình thường khoảng 25 lần, còn cô gái nặng khoảng 125 kg.
Mẹ của bệnh nhân xác nhận con gái mình nghiện món trà sữa trân châu và không ngày nào không bỏ tiền mua thức uống này. Một tuần trước khi được các thành viên trong gia đình tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh, nữ sinh cũng đã trải qua các triệu chứng bao gồm khát cổ, buồn nôn và đi tiểu thường xuyên.
Sau 5 ngày thở máy và chạy thận nhân tạo, cô gái cũng bình phục và hứa không bao giờ uống trà sữa nữa.
|
Không chỉ là món đồ uống để giải khát, trà sữa còn có khả năng gây nghiện. Ảnh: China Daily.
|
Dù hiểu rõ là sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu tiêu thụ không có chừng mực, thực tế là đông người trẻ vẫn yêu thích đến mức nghiện trà sữa trân châu.
Nhập viện vì trà sữa
Trước trường hợp ở Thượng Hải không lâu, một cậu bé 13 tuổi được đưa vào Bệnh viện Liên kết 1 của Đại học Y Tân Hương (tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc) sau khi không tiêu hóa được trân châu có trong cốc trà của mình.
Chúng tạo thành hai cục lớn trong dạ dày và ruột, khiến nam thiếu niên phải phẫu thuật khẩn cấp.
Vào tháng 6/2019, một cô gái 14 tuổi ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc cũng phải nhập viện với lý do tương tự. Nữ sinh than phiền về việc không thể ăn uống hay đi đại tiện trong 5 ngày liên tục, đồng thời nhiều lần bị đau bụng.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy nhiều bóng hình cầu bất thường trong bụng của bệnh nhân. Các bác sĩ nghi ngờ đó là hàng trăm hạt trân châu làm từ sắn dây chưa được tiêu hóa từ món trà sữa mà nữ sinh đã uống trước đó gần một tuần.
|
Hình ảnh chụp phim cho thấy trong ruột của nữ sinh chứa một loạt viên có kích thước nhỏ nghi là trân châu. Ảnh: Asia One.
|
Ban đầu, nữ thiếu niên khẳng định mình chỉ uống món đồ này ở mức vừa phải. Song, theo bác sĩ, nữ sinh có thể vì sợ bố mẹ mắng mà quyết định giấu con số thực, vì lượng trân châu tắc trong ruột chắc chắn cần tới lượng tiêu thụ trà sữa trong thời gian dài.
Theo Asia One, các bác sĩ sau đó kê thuốc nhuận tràng để giảm bớt chứng táo bón cho bệnh nhân.
Lý do gây nghiện
Trà sữa là thức uống phù hợp với những người có sở thích khác nhau vì phong phú lựa chọn, từ trà sữa trái cây cho đến vị đường đen, kem cheese. Nhiều hương vị và hình thức của trà sữa cho phép người uống thưởng thức nó quanh năm, bất kể đông hay hè.
Theo Eater, thành phần chủ yếu của một cốc trà bao gồm bột sữa, bột trà hoặc trà (trà đen, trà xanh, ô long), đường, chất béo, saccharin cùng các chất phụ gia... tạo hương vị cho một cốc trà. Ước tính, một cốc trà cung cấp khoảng 350-500 calo.
Thống kê cho thấy hàm lượng đường và axit béo chuyển hóa trong trà sữa thường vượt quá tiêu chuẩn, gây ra hiện tượng tăng lượng cholesterol trong cơ thể. Khi uống trà sữa liên tục, thiếu kiểm soát trong thời gian dài, những phản ứng bất lợi sẽ diễn ra trong cơ thể, làm tăng lượng đường trong máu.
Trong đó, đường được cho là nguyên nhân dẫn tới việc nhiều người "không thể sống thiếu" món đồ uống này.
|
Hẹn hò, gặp mặt ở quán trà sữa trân châu dần trở thành lựa chọn phổ biến, ngang với tụ tập ở quán cà phê. Ảnh: Global Times.
|
Tháng 8/2017, trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí British Journal of Sport Medicines, một nhóm chuyên gia tim mạch Mỹ chỉ ra đường có khả năng gây nghiện giống các chất cấm khác.
James J Di Nicolantonio, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Đường là chất phụ gia được tiêu thụ nhiều nhất thế giới. Chúng tác động trên các thụ thể giảm đau và ảnh hưởng lên hệ thống khen thưởng trong não bộ, dẫn đến hành vi nghiện bất chấp những hậu quả xấu”.
Ngoài lý do về hương vị, trà sữa không đơn thuần còn được bán trên thị trường như một thức uống mà nó đã trở thành một khái niệm về phong cách sống. Khi giới trẻ Trung Quốc muốn gặp gỡ bạn bè, họ sẽ chọn quán trà sữa thay vì quán cà phê.
Cảnh tượng phổ biến ở Trung Quốc là thấy mọi người cầm trên tay một cốc trà khi họ đi mua sắm, đến rạp chiếu phim hoặc trên đường đi làm hàng ngày của họ.
Trong khi Trung Quốc có một nền văn hóa uống trà kéo dài xuyên suốt lịch sử, sự nổi tiếng của trà sữa cho thấy người trẻ nước này đã điều chỉnh lại truyền thống đó theo sở thích của họ như thế nào. Và không chỉ thanh, thiếu niên của nước đông dân nhất thế giới, câu chuyện cũng lặp lại ở nhiều quốc gia khác.
|
Tín đồ của trà sữa trân châu hiểu rõ món đồ không tốt cho sức khỏe song khó lòng cưỡng lại việc thưởng thức. Ảnh: Japan Times.
|
Tự thú của tín đồ trà sữa
"Tôi sắp tròn như một hạt trân châu rồi. Tôi không thể nhớ chính xác mình bắt đầu nghiện trà sữa từ khi nào, nhưng vẫn cảm thấy niềm yêu thích chưa dứt khi một chuỗi những tiệm trà sữa mới mở gần đây", nhà báo Diane Leow (Singapore) viết trong bài Confession of a bubble tea addict trên Channel News Asia.
Cô thừa nhận rằng trà sữa không phải thức uống có lợi cho sức khỏe của cô, nhưng hương vị của nó khiến tâm trạng cô dễ chịu.
Uống trà sữa lần đầu năm 9 tuổi, Leow cho biết món đồ uống này đã gắn bó với cô nhiều năm trong đời, từ thời học sinh cho đến khi trưởng thành, đi làm.
"Hồi cấp 2, tôi cố gắng tiết kiệm tiền tiêu vặt để mua cốc trà sữa giá 1 SGD tại ga tàu MRT. Đến khi đi du học ở Australia, tôi sẵn sàng đi bộ xa hơn 20 phút để thỏa mãn cơn khát, nhưng chi tới 5 SGD cho một cốc đồng nghĩa tôi không thể uống nó thường xuyên", Leow kể lại.
Với nữ nhà báo này, trà sữa luôn có mặt trong những dịp đặc biệt của cô: lấy may trước kỳ thi, ăn mừng kết quả kiểm tra.
Đến khi các thương hiệu cho ra đời thêm nhiều loại topping, cho phép khách hàng chọn mức đường, đá, Leow càng "cuồng" hơn. Cô cho biết các bạn bè cũng giống mình, sẵn sàng đứng xếp cả hàng dài để chờ mua trà sữa.
"Hương vị yêu thích có thể thay đổi, nhưng niềm yêu thích cho món này thì không. Không có cảm giác nào giống như khi cầm một ly trà sữa với ống hút cỡ đại, ăn trân châu dai dai và nhiều topping khác", cô kết luận.
Chung "cơn nghiện", nhà văn gốc Á Jiayang Fan cũng chia sẻ trong bài viết trên The New Yorker rằng trà sữa đã góp mặt đều đặn trong cuộc sống từ năm cô lên 10 tuổi.
Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ, để vượt qua những tháng ngày cách ly sợ hãi, cô đơn, Fan thường xuyên gọi trà sữa về nhà, mỗi lần uống hết vài cốc. Một lần, khi quá muộn để gọi giao hàng, cô tìm đến trà sữa đóng gói dạng tự pha ở nhà.
"Dù chúng đã hết hạn được vài tháng, tôi vẫn bất chấp xé gói, bật bếp nấu trân châu. Trước khi chúng được nấu chín hoàn toàn, tôi không thể cưỡng lại việc xúc một thìa, nuốt nhanh chóng đến mức tôi có thể cảm nhận được độ nóng và dính của chúng rất lâu sau khi nuốt", nữ nhà văn kể lại.