Đại diện Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết từ năm 2019, Sở GTVT Hà Nội sẽ thực hiện nhiều giải pháp để từng bước
hạn chế xe cá nhân trong khu vực nội đô.
Hà Nội: Từ hạn chế đến cấm hẳn
Theo đề xuất của Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo, trước khi cho dừng xe máy ở các quận, Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động. Các khu vực được lựa chọn để thực hiện nội dung này phải có cơ sở hạ tầng phù hợp và đáp ứng được năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) cũng khẳng định do hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tại các quận có khác nhau nên trước mắt, Sở GTVT chọn khu vực để phân vùng hạn chế. Dựa vào hệ thống đường sá khá hoàn thiện, cùng với đó là hệ thống xe buýt đã vươn đến hầu hết các tuyến đường có mặt cắt từ 5 m trở lên, Hà Nội sẽ hạn chế dần và tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn vào năm 2030, từ vành đai 3 trở vào.
Một lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết hiện nội dung này đã được sở giao các đơn vị để được xây dựng thành đề án với tên gọi "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030".
Sau đó, sở sẽ hoàn thiện, trình TP duyệt và triển khai. Việc hạn chế và dừng hoạt động xe máy tại khu vực nội thành sẽ giúp giảm tình trạng ùn tắc giao thông, giảm thiệt hại về kinh tế, tiết kiệm thời gian đi lại và chi phí của người dân. Bên cạnh đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm số vụ tai nạn giao thông và góp phần quan trọng để phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc dừng hoạt động xe máy trên địa bàn nội thành chỉ hạn chế phạm vi hoạt động, không hạn chế sở hữu phương tiện và đây là một trong các hình thức tổ chức giao thông phù hợp với Luật Giao thông đường bộ.
|
TP HCM cũng xây dựng đề án với lộ trình hạn chế, tiến tới cấm xe máy vào khu vực trung tâm giai đoạn 2025-2030 Ảnh: GIA MINH |
TP HCM: Tiếp tục chờ phản biện
Với đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân (có lộ trình), UBND TP HCM trước đó đã giao Sở GTVT rà soát, cập nhật đầy đủ chủ trương của UBND TP liên quan đến lĩnh vực GTVT (các công trình cầu, đường, giao thông đường thủy, hệ thống cảng, bến…).
Bên cạnh đó, UBND TP cũng chỉ đạo trên cơ sở phản biện của Ủy ban MTTQ TP HCM, Sở GTVT chịu trách nhiệm tiếp thu, giải trình và hoàn chỉnh đề án kèm theo dự thảo tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND TP báo cáo, xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy thông qua trước khi trình HĐND TP. Trong khi đó, phía Sở GTVT TP cho biết đã gửi văn bản và đang chờ ý kiến của các tổ chức phản biện nhằm sớm hoàn chỉnh và chờ phê duyệt.
Đề án nêu trên do Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (thuộc Bộ GTVT) nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại TP HCM. Một trong những nội dung đáng chú ý của đề án là phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới cấm xe máy tại một số khu vực trung tâm TP (các quận 1, 3, 5, 10), giai đoạn 2025-2030.
Cụ thể, từ nay đến năm 2020, hạn chế xe máy trong giờ cao điểm trên 2 tuyến đường Trường Sơn (quận Tân Bình) và Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1); đường Pasteur (từ Lý Tự Trọng đến Điện Biên Phủ) và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (từ Điện Biên Phủ đến Lý Tự Trọng) hạn chế xe máy từ 7-19 giờ. Từ năm 2021 đến 2025: hạn chế xe máy vào quận 1; từ năm 2026-2030: hạn chế tiến đến cấm hẳn xe máy vào khu vực trung tâm.
Cùng với việc hạn chế xe máy, đề án cũng nêu rõ các giải pháp thực hiện song song như hạn chế đậu xe máy ở khu trung tâm từ nay đến năm 2020, mở rộng không gian đi bộ; phát triển mạnh phương tiện giao thông công cộng và ưu tiên đối với xe buýt, nhân rộng mô hình xe buýt chất lượng cao và khuyến khích người dân sử dụng... Mặt khác, đề án cũng đề xuất kiểm soát việc đỗ ôtô tại khu vực trung tâm, thu phí ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm đối với ôtô.
Không chỉ xe máy gây ùn tắc
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, người có hơn 40 năm nghiên cứu về giao thông đô thị, cho rằng đề án cấm xe máy vào nội đô Hà Nội là không chấp nhận được. Cả nước hiện có khoảng 45 triệu xe máy và khoảng 4 triệu ôtô. Tuy lượng xe máy gấp hơn 10 lần ôtô nhưng 1 chiếc xe máy chỉ chiếm dụng mặt đường bằng 1/5 - 1/10 so với một ôtô, gây ô nhiễm cũng khoảng tỉ lệ này.
"Ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP HCM, qua thực tế cho thấy xe máy không phải là phương tiện gây ùn tắc mà nguyên nhân chính do ôtô quá đông, chiếm phần lớn diện tích mặt đường và chỉ cần trong lưu thông, một chiếc ôtô chen ngang là ùn tắc. Nói cấm xe máy để giảm ùn tắc là không đúng, không thể cấm xe máy được" - ông Thủy phân tích.
Cũng theo ông Thủy, trong lúc hạ tầng giao thông đang yếu kém, đường sá ở các TP lớn đa phần nhỏ hẹp, phương tiện công cộng không bảo đảm, xe buýt đông đúc, đi không kịp giờ, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao chưa có thì không thể cấm phương tiện nhanh, tiện lợi như xe máy. "Xe máy là phương tiện, "cần câu cơm" của phần lớn người dân Việt Nam, nếu cấm xe máy thì cuộc sống của người dân sẽ ra sao?. Phải nhìn nhận thực tế đó để tìm giải pháp phù hợp. Ngược lại, người dân sẽ không đồng tình với cách làm này của Hà Nội" - ông Thủy khẳng định.
Theo một chuyên gia kinh tế, việc cấm xe máy của Hà Nội cần nghiên cứu và đánh giá lại. Hiện nay, chưa có phương tiện nào thay thế được xe máy bởi đây còn là phương tiện mưu sinh, góp phần tạo ra năng suất kinh tế. Cấm xe máy sẽ vô tình làm hạn chế sự phát triển kinh tế của một bộ phận người dân.
Thu phí để hạn chế xe cơ giới
Theo thống kê của Hà Nội, đến năm 2020, TP sẽ có hơn 843.000 ôtô, hơn 6 triệu xe máy; đến năm 2030, số ôtô là hơn 1,9 triệu và xe máy là hơn 7,5 triệu (hiện nay là 5 triệu xe máy, 500.000 ôtô).
Chính phủ đã đồng ý cho Hà Nội nghiên cứu, lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới.
Phát triển giao thông công cộng
Tại TP HCM trước đây từng có ý kiến cấm xe máy vào khu vực trung tâm theo lộ trình, tuy nhiên bị vấp phải sự phản ứng của dư luận. Nguyên nhân là người dân sử dụng xe máy tại TP chiếm tỉ lệ rất lớn, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông lại nhiều bất cập, hệ thống vận tải hành khách công cộng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu nên nếu cấm xe máy thì khó có phương tiện nào để thay thế. Vì vậy, nếu giải quyết được bài toán này, việc cấm xe máy được xem là sẽ tạo ra sự đồng thuận cho người dân. Theo lộ trình, trong thời gian xe máy bị hạn chế, vận tải bằng xe buýt giữ vai trò chủ đạo cho đến khi hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như metro, monorail… được hình thành theo quy hoạch đến năm 2030.