Tự nguyện mua bảo hiểm hàng trăm triệu, vì sao tố bị “lừa”?
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp đã chỉ ra nhiều nguyên nhân một số khách hàng cho rằng bị bảo hiểm “lừa”.
Thứ nhất, khách hàng cho rằng, mua bảo hiểm là phải có lãi, đóng vào bao nhiêu phải nhận về bằng đó cộng thêm lãi, đại lý thì tư vấn với lãi suất minh họa (5,6,7,8% - 12%), đến khi không nhận được số tiền mong muốn thì cho rằng bản thân đã bị công ty bảo hiểm lừa.
Hai là, sản phẩm bảo hiểm không phải toàn năng, điều kiện để được bảo hiểm chi trả sẽ chỉ có thể là tử vong, thương tật, hoặc một phần của bệnh. Vậy muốn bảo vệ toàn diện phải mua thêm những sản phẩm phụ đính kèm mới được toàn diện, nhưng phí của sản phẩm phụ đó không thể tích lũy 100%, thậm chí có không được tích lũy. Khách hàng thấy mỗi năm phí đó không tích lũy nên xót tiền nhưng nếu có xảy ra sự việc thì công ty bảo hiểm cũng sẽ dựa vào quy tắc điều khoản để chi trả.
|
Diễn viên Ngọc Lan. |
Ba là, khi khách hàng mua bảo hiểm tâm lý là tất cả gặp vấn đề gì liên quan là có bảo hiểm chi trả. Thực tế, với những trường hợp như có bệnh lý sẵn, công ty bảo hiểm loại trừ ngay từ đầu việc chi trả hoặc tăng phí bảo hiểm. Khách hàng phải chấp nhận đối với những trường hợp này.
Luật sư Cường cho rằng, khách hàng không nên đặt nặng vấn đề về thời hạn 74 năm hay 90 năm, mà điều cần chú trọng là nội dung gói bảo hiểm là gì và trong thời hạn đó, quyền lợi của khách hàng có được đảm bảo hay chưa, thời hạn hợp đồng và thời gian đóng phí tối đa của hợp đồng ra sao. Bên nào vi phạm hợp đồng, bên đó sẽ phải chịu trách nhiệm.
Trường hợp mua bảo hiểm qua kênh truyền thống, khách hàng đã được trực tiếp nghe tư vấn, có cơ hội đọc kỹ hợp đồng rồi mới ký kết. Nếu như cho rằng bị lừa, khách hàng cần cung cấp tài liệu chứng minh nội dung tư vấn của tư vấn viên bảo hiểm là không đúng với nội dung Hợp đồng đã ký kết. Nếu mua qua ngân hàng, thông thường các khách hàng chỉ xem mức lãi suất chứ chưa xem xét cụ thể các điều khoản khác, ngoài ra có một số trường hợp khách hàng cho rằng khi vay vốn tại Ngân hàng thì “bị ép” mua bảo hiểm như là một điều kiện “ngầm”. Vấn đề này, cơ quan chức năng đang thanh kiểm tra và siết chặt quản lý.
Hệ lụy từ “tư vấn một đằng, hợp đồng một nẻo”
Nhiều người mua bảo hiểm nhân thọ dễ bị mắc sai lầm, một phần do nhân viên tư vấn chỉ quan tâm tư vấn quyền lợi khách hàng nhưng lại không tư vấn rõ về rủi ro hay trách nhiệm. Hợp đồng bảo hiểm thường rất dài, có thể lên tới hơn 20 trang và có nhiều thuật ngữ chuyên ngành khiến khách hàng (những người không chuyên về bảo hiểm) khi đọc sẽ cảm thấy khó hiểu.
Những tư vấn viên bảo hiểm cũng phải trải qua đào tạo và thi sát hạch, mới được hành nghề do đó việc khách hàng không hiểu, hiểu không kỹ, không đúng các thuật ngữ và quy định trong Hợp đồng bảo hiểm là điều dễ hiểu. Nhiều trường hợp khi nhân viên tư vấn xong mà do cả nể hoặc tin tưởng nhân viên (do là người quen, bạn bè), khách hàng sẽ thường đặt bút ký luôn thay vì đọc lại hợp đồng dẫn đến mắc sai lầm.
Bản chất hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên và được ghi nhận trên cơ sở tự nguyện. Trước khi ký kết Hợp đồng, khách hàng phải hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình, các hậu quả pháp lý có thể xảy ra và quyết định có ký kết hay không. Khi đã ký kết vào Hợp đồng, trách nhiệm pháp lý đã phát sinh và hai bên phải thực hiện, tuân thủ theo các điều khoản đã ký kết trên cơ sở quy định pháp luật. Nếu những điều khoản thỏa thuận trong Hợp đồng mà vi phạm điều cấm hay trái đạo đức xã hội thì điều khoản đó sẽ vô hiệu.
Luật sư Cường cho biết, Văn phòng luật sư của ông từng tiếp nhận nhiều vụ việc tư vấn liên quan đến Hợp đồng bảo hiểm, chủ yếu là về vấn đề chi trả quyền lợi bảo hiểm khi phát sinh sự kiện bảo hiểm.
Đa phần những trường hợp này khách hàng vẫn là bên phải gánh chịu rủi ro bởi Hợp đồng đã được ký kết và các điều khoản trong Hợp đồng đã phát sinh hiệu lực. Nhiều khách hàng cho biết nhân viên tư vấn bảo hiểm tư vấn không chính xác, tuy nhiên lại không cung cấp được tài liệu chứng minh nên rất khó có thể nhờ cơ quan có thẩm quyền can thiệp, giải quyết.
Đây là một thực trạng đã xảy ra từ lâu chứ không phải đến nay mới xuất hiện. Chỉ là qua sự việc của diễn viên Ngọc Lan, nhiều người mới có cơ hội giãi bày và từ đây chúng ta mới biết hiện có rất người chưa hiểu rõ về bảo hiểm cũng như chưa thực sự nghiên cứu kỹ về bảo hiểm trước khi ký kết Hợp đồng. Thậm chí, có nhiều người đang có những nhận thức sai lầm về bảo hiểm.
Khách hàng nên làm gì để giảm thiểu rủi ro
Đưa ra lời khuyện với các khách hàng, luật sư Cường cho rằng, mỗi công ty đều có website để người mua bảo hiểm có thể truy cập vào đó để kiểm tra, theo dõi tình trạng của hợp đồng. Theo đó, nếu khách hàng phát hiện những sai lệch trong hợp đồng, có thể thông báo lại cho công ty bảo hiểm để hai bên có thể thương lượng, sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, khách hàng cũng có thể liên hệ qua số điện thoại, hoặc gặp trực tiếp nhân viên của công ty bảo hiểm để trực tiếp làm việc và giải quyết.
Khi không còn khả năng chi trả khi thời hạn hợp đồng kéo dài quá lâu, khách hàng mua bảo hiểm có thể chủ động đưa ra yêu cầu chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và nhận giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nếu trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có quy định về điều khoản giá trị hoàn lại.
Ngoài các trường hợp luật định thì thỏa thuận về giá trị hoàn lại trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ là cơ sở quan trọng để bảo vệ quyền lợi của bên mua khi không có khả năng tài chính nhằm tiếp tục đóng phí. Tuy nhiên, để nhận giá trị hoàn lại với yêu cầu chủ động chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn, bên mua bảo hiểm thường phải thỏa mãn điều kiện tối thiểu về thời gian hiệu lực của hợp đồng và thời gian tối thiểu đã đóng phí bảo hiểm.
Do đó, khi mua bảo hiểm, khách hàng cần phải lựa chọn loại hình bảo hiểm phù hợp với nhu cầu, là bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm phi nhân thọ hay bảo hiểm sức khỏe? Mỗi loại hình bảo hiểm sẽ có những quy định khác nhau và phù hợp với các nhu cầu, mục đích, điều kiện, hoàn cảnh, khả năng tài chính khác nhau. Đối với những gói bảo hiểm có giá trị lớn, khách hàng nên đọc và hiểu rõ các quy định pháp luật về bảo hiểm, hỏi một cách kỹ lưỡng và rõ ràng bên bán bảo hiểm cũng như tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm về bảo hiểm. Nếu cần thiết, khách hàng có thể gặp luật sư, để nghe tư vấn và giải thích các quy định về bảo hiểm, các điều khoản trong Hợp đồng, về những rủi ro mà khách hàng có thể gặp phải, từ đó quyết định có tham gia mua bảo hiểm hay không.
Trước đó, diễn viên Ngọc Lan khóc nức nở livestream phản ánh về giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với Công ty MVI Life thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo Ngọc Lan, cô và con trai có tham gia đóng bảo hiểm với mức chi phí là 700 triệu đồng/năm. Mới đây, Ngọc Lan phát hiện thời gian đóng phí và con số nhận về không như tư vấn. Cô cho rằng, tư vấn mập mờ và dụ dỗ ký hợp đồng với nhiều thông tin không đúng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Diễn viên Ngọc Lan khóc nấc, tố bị lừa tiền bảo hiểm 7 tỷ