Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết sắp tới khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội sẽ tính lại phương án cho phép người lao động nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.
Dự thảo đề cương sửa Luật Bảo hiểm xã hội đưa ra phương án người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì chỉ được rút phần mình đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay, còn phần của người sử dụng lao động đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ.
Giữ lại “phần xã hội đóng”
Tại buổi họp báo ngày 26/10 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết hiện Chính phủ đang giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Phương án trên là một trong nhiều phương án do các chuyên gia trong tổ soạn thảo đề xuất.
Ông Lê Hùng Sơn cho biết hiện nay người lao động đang đóng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ phần lương hàng tháng. Chủ sử dụng lao động đóng 14% vào quỹ này, như vậy tổng số là 22%. Đối với đề xuất người lao động khi hưởng trợ cấp một lần sẽ chỉ nhận lại 8%, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tổng hợp các ý kiến góp ý và đề xuất trên chỉ là một trong các phương án do các chuyên gia đưa ra.
Lý giải cho phương án này, ông Sơn cho biết các chuyên gia cho rằng đây là thông lệ quốc tế vì bảo hiểm các nước không cho phép rút bảo hiểm xã hội một lần nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân khi hết tuổi lao động. Bên cạnh đó, phần chủ sử dụng lao động đóng vào quỹ được kết cấu vào giá thành sản phẩm và dịch vụ. Do vậy, khi được xã hội tiêu thụ sản phẩm dịch vụ đó nghĩa là xã hội đóng phần này và chủ sử dụng lao động chỉ là người đóng thay. Đây là nguyên nhân của câu chuyện “phần xã hội đóng” thì sẽ giữ lại.
Tuy nhiên, ông Sơn nhấn mạnh với phần giữ lại sẽ vẫn được trả về cho người lao động: “Phần xã hội đóng thì xã hội sẽ tạm giữ lại đến khi người lao động hết tuổi lao động thì sẽ được hưởng. Chúng tôi luôn mong chờ người lao động quay trở lại thị trường lao động và tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, để đảm bảo an sinh xã hội cho bản thân họ,” ông Sơn nhấn mạnh.
Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết hiện cơ quan này đang nghiên cứu thêm các phương án khác nữa và khẳng định sẽ có đánh giá tác động rất kỹ; xin ý kiến theo đúng quy trình xây dựng các dự thảo luật, sửa đổi, bổ sung.
“Việc sửa đổi luật sẽ đảm bảo hài hòa giữa đặt mục tiêu an sinh xã hội lâu dài với nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần trước mắt khi người lao động gặp khó khăn về tài chính cá nhân,” ông Sơn khẳng định.
Hiện nay, Chính phủ đã thành lập ban soạn thảo tổ biên tập Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, bổ sung do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm trưởng ban soạn thảo và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia làm thành viên.
Nhân viên bảo hiểm xã hội tư vấn về chính sách bảo hiểm xã hội cho người dân. (Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+)
Liên quan đến đề xuất này, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng từng góp ý bằng văn bản với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Trong đó, đại diện người lao động đồng tình cần có quy định để giảm thiểu tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong những năm qua, tránh những áp lực về tài chính cho họ khi lớn tuổi.
Tuy nhiên, tổ chức công đoàn này cho rằng đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp, do đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, tránh tâm lý hoang mang trong nhân dân và người lao động. Cần cân nhắc để quy định lộ trình áp dụng thay đổi mức hưởng cho phù hợp, tránh gây “sốc” cho người lao động.
Thiệt thòi khi hưởng trợ cấp một lần
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương. Trong khi mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Như vậy, nếu lĩnh bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ bị thiệt khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau năm 2014.
Do đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến cáo với những khó khăn trước mắt, người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện để được cộng nối thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trước đó để hưởng chế độ hưu trí.
Thời gian tới, dự kiến Luật Bảo hiểm xã hội sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm.
Việc sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng này sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững./.