Vì sao Trịnh Xuân Thanh nhận 2 bản án chung thân?

Google News

TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh 2 bản án chung thân với tội danh 'Tham ô tài sản' và 'Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng'...

 Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: TTXVN

"Thoát" án tử hình

Từ ngày 8/1-22/1, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã được diễn ra.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PVC) cùng 21 bị cáo khác cùng hầu tòa với hai tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản".

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Trịnh Xuân Thanh nhận 14 năm tù tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tù chung thân tội "Tham ô tài sản". Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Bản án sơ thẩm nêu rõ: có đủ cơ sở khẳng định bị cáo Trịnh Xuân Thanh biết PCV không đủ năng lực làm tổng thầu thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2, chưa đủ điều kiện ký kết hợp đồng nhưng vẫn chỉ đạo ký kết hợp đồng EPC 33, chỉ đạo việc chi tạm ứng thực hiện hợp đồng và sử dụng tiền tạm ứng sai mục

Hành vi của bị cáo đã thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu về tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Điều đó cũng có ý nghĩa rằng luận cứ gỡ tội của các luật sư cho bị cáo là không có căn cứ chấp thuận. Việc truy tố bị cáo theo điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 là hoàn toàn có căn cứ pháp lý.

Đối với hành vi tham ô, bị cáo là người giữ vai trò chính trong việc đề ra chủ trương, cùng bị cáo Vũ Đức Thuận chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch, để chia nhau sử dụng cá nhân, trong đó bị cáo trực tiếp chiếm đoạt 4 tỷ đồng.

Hành vi chiếm đoạt của bị cáo Trịnh Xuân Thanh là đặc biệt nghiêm trọng, đủ điều kiện để áp dụng quy định tại Khoản 4, Điều 353 - Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức án là tử hình.

Tuy nhiên, xét bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã cùng với gia đình tự nguyện khắc phục số tiền chiếm đoạt là 4 tỷ đồng. Gia đình bị cáo đều là cán bộ có công với Nhà nước, tại phiên tòa, phần nào cũng đã nhận ra sai phạm của mình.

Tại phiên tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã phần nào nhận ra sai phạm của mình; đồng thời HĐXX đã cân nhắc một cách toàn diện nội dung vụ án, nên quyết định không cần thiết áp dụng mức hình phạt cao nhất đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh nhằm mục đích giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.

Nhận án chung thân lần 2

Tại phiên xét xử vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land), Trịnh Xuân Thanh cũng nhận mức án tù chung thân.

Bản án sơ thẩm được HĐXX TAND TP Hà Nội công bố vào ngày 5/2 vừa qua cho thấy, bị cáo Trịnh Xuân Thanh với vai trò Chủ tịch HĐQT PVC, đơn vị nắm giữ 28% tại PVP Land, có vị trí quan trọng trong chuyển nhượng cổ phần và đã trực tiếp ký các văn bản giá chuyển nhượng.

Về số tiền bị cáo Thái Kiều Hương nhờ Đinh Mạnh Thắng chuyển đến Trịnh Xuân Thanh, HĐXX nêu, bị cáo Thanh đã biết rõ số tiền này được hưởng do chuyển nhượng chênh lệch cổ phần.

Tại phiên tòa, bị cáo Thanh không thừa nhận số tiền là bao nhiêu, nhưng qua lời khai của các bị cáo khác đủ căn cứ kết luận số tiền này là 14 tỷ đồng.

Trong vụ án này, cáo Trịnh Xuân Thanh giữ vai trò chính trong vụ án, là người chỉ đạo chuyển nhượng cổ phần. Đặc biệt, khi dự án chuyển nhượng thành công, bị cáo đã nhận 14 tỷ trong số 49 tỷ đồng.

Đây là số tiền chiếm đoạt rất lớn, theo quy định pháp luật thì hình phạt áp dụng với bị cáo là cao nhất. Tuy nhiên, HĐXX cân nhắc nhiều tình tiết giảm nhẹ như tại phiên tòa, bị cáo phần nào nhận ra thiếu sót; đã trả lại số tiền nên sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt.

Theo đó, HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh mức án chung thân.


Theo Khánh Công/VNmedia

>> xem thêm

Bình luận(0)