Sáng nay, 10/10, Ban Chỉ đạo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai tổ chức họp về công tác phòng chống mưa bão. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Cơn bão số 7 còn chưa tan, gây mưa to ở khu vực phía Đông Bắc Bộ nhưng dự báo cơn bão Kompasu ở phía Đông Phillipines đang di chuyển rất nhanh, có khả năng đi vào biển Đông và trở thành cơn bão số 8 năm 2021.
Các chuyên gia khí tượng nhận định vùng ảnh hưởng trọng tâm của mưa bão những ngày tới là các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Hai khu vực này mưa lớn kéo dài liên tục trong các ngày 10-12/10 và khả năng hứng thêm đợt mưa mới vào ngày 13-15/10. Một vấn đề đáng quan tâm, trong thời gian trên, nhiều người dân tiếp tục di chuyển từ các tỉnh, thành phố phía nam để hồi hương bằng phương tiện cá nhân trong điều kiện thời tiết bất lợi.
|
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai triển khai công tác phòng chống mưa bão. Ảnh VGP. |
Hỗ trợ người dân di chuyển từ phía nam ra bắc khi mưa bão
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhấn mạnh, hiện dòng người hồi hương bằng xe máy từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch có thể sẽ gặp nguy hiểm khi nhiều tỉnh đã có mưa lớn do bão số 7.
Dự báo, thời tiết xấu còn kéo dài tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong khoảng 10 ngày tới, do đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT đã có văn bản gửi các địa phương để thông báo cho người dân, đảm bảo an toàn cho bà con trong quá trình di chuyển về quê tránh dịch.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khi nói về việc dòng người hồi hương đúng thời điểm có bão đã đề nghị phải giao trách nhiệm cho các địa phương để có giải pháp thật cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho bà con.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai sẽ có văn bản gửi địa phương các tỉnh, thành phía nam, yêu cầu địa phương thông báo cho người dân biết tình hình thời tiết 10 ngày tới.
“Tổ hợp hình thái thiên tai sắp tới có thể gây mưa lớn, ngập lụt, đặc biệt quốc lộ 1 khả năng ngập sâu. Do đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh dọc quốc lộ 1 từ Hà Tĩnh trở ra có các giải pháp hỗ trợ người dân hồi hương. Trước mắt, địa phương cần thiết lập các điểm tránh trú cố định cho người dân. Nếu không thực hiện được việc này, ngành chức năng cần có phương án chuẩn bị lều bạt để dựng điểm tránh trú di động, phục vụ, hỗ trợ người dân từ các tỉnh phía nam ra. Đồng thời, người dân cũng cần được hỗ trợ về thức ăn, nước uống và các vật dụng thiết yếu để di chuyển an toàn những ngày tới”, ông Hiệp nói.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, trước đó đã lên kế hoạch để ứng phó thiên tai trong điều kiện dịch bệnh nhưng hiện có thêm vấn đề lớn là việc người dân di chuyển từ phía nam ra phía bắc. Do đó, bộ, ngành, địa phương phải có kịch bản ứng phó rất kỹ cho trường hợp này.
Ông Hiệp cũng đề nghị các địa phương thiết lập điểm cách ly người dân trở về phải cách xa khu cách ly F0, F1 đã có. Trong tình hình mưa bão những ngày tới, các tỉnh, thành phố chỉ tiến hành sơ tán, di dân khi có lệnh từ Trung ương. Trường hợp buộc phải sơ tán, các địa phương ưu tiên phương án di dân tại chỗ, làng ở làng, xã ở xã, tránh trường hợp tập trung quá đông người vào một chỗ.
|
Phó Thủ tướng theo dõi diễn biến bão số 7, tình hình mưa lũ trên bản dự báo đồ thiên tai. |
Bão số 7 đã suy yếu thành Áp thấp Nhiệt đới
Thông tin diễn biến cơn bão số 7, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện tại bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cho biết, cơn bão này diễn biến phức tạp, hình thành từ ngày 5/10. Ban đầu, cơ quan dự báo bão sẽ ảnh hưởng đến khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên, nhưng hiện nay bão lại ngược lên phía Bắc, dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa.
Ông Hoài cho biết thêm, mặc dù bão số 7 được đánh giá không mạnh nhưng các địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt để ứng phó.
Báo cáo tại cuộc họp ông Hoài cho biết, hiện nay, 8 tỉnh, TP từ Quảng Ninh - Nghệ An đã cấm biển. Các tỉnh đã tổ chức chằng chống, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản và sơ tán người dân đến nơi an toàn. Đã kiểm đếm, hướng dẫn, đảm bảo an toàn 61.468 phương tiện/278.639 lao động từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa (33.387 tàu/113.156 người từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh).
Về sản xuất nông nghiệp, đến ngày 10/10, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã thu hoạch 443.000/624.422 ha lúa, hiện còn 54.000 ha đã đến thời kỳ thu hoạch. Hiện các tỉnh tiếp tục chỉ đạo thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên đạt khoảng 20-90% dung tích thiết kế; hiện có 43 hồ trên các lưu vực hiện nay đang xả tràn. Các hồ trước khi xả lũ đều có thông báo việc xả lũ theo đúng quy trình. Một số hồ thủy điện đã đầy như: Chi Khê; A Lưới; An Khê; Sê San 4A; Đồng Nai 2; Srok Phu Miêng.
Các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân tình huông bão mạnh đổ bộ (Quảng Ninh đến Hà Tĩnh: 41.315 hộ/151.422 người; Quảng Bình - Phú Yên: 71.605 hộ/256.405 người) . Đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau đó đi vào khu vực từ Hải Phòng và Thanh Hóa. Đến 19h ngày 10/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.
Do ảnh hưởng kết hợp của hoàn lưu cơn bão số 7 với không khí lạnh tăng cường nên ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 3-4m, biển động rất mạnh.
Trong ngày hôm nay (10/10) và ngày mai (11/10), ở phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-200mm, có nơi trên 250mm; ở phía Tây Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Trong khi đó, trên vùng biển phía Đông của Philippines một cơn bão có tên quốc tế là Kompasu đang hoạt động; khoảng đêm 11/10 đến sáng 12/10 đi vào Bắc biển Đông và trở thành cơn bão số 8. Dự báo, đây là một cơn bão mạnh khi ở trên biển (cấp 10-11), di chuyển nhanh (25km/h) và có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và phía Bắc của Trung Bộ trong khoảng ngày 13-14/10 và có thể gây ra một đợt mưa lớn cho các khu vực này trong giai đoạn 13-15/10. Sau đó, ngày 16-17/10 sẽ xuất hiện một ATNĐ hoặc bão khác trên Biển Đông.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khả năng xuất hiện 2 cơn bão lớn sau bão số 7:
Nguồn: Sức khỏe và Đời sống.