|
Gia đình ông Nguyễn Văn Chung (khu 8 Sai Nga) được chọn nuôi gà thờ tế thành hoàng.
|
Theo tài liệu ghi lại, tục nuôi gà thờ ở Văn Phú, xã Sai Nga có từ xa xưa, mỗi nam công dân làng Nga Phó trong đời có hai lần được nuôi gà thờ; lần thứ nhất đủ 18 tuổi là lần thi quan viên; sau năm 18 tuổi đến trước khi qua đời được nuôi gà thờ một lần nữa gọi là thi quan lão.
Điều kiện được nuôi và thi gà thờ lần thứ hai phải là được lúc phong quang sửa sang việc thờ, gia đình mẫu mực, con cháu thảo hiền, làm ăn vui vẻ, không mắc các tai tệ nạn xã hội, không tang trở.
Khi được bình chọn nuôi gà thi phải đi tìm gà trống giống gà Mã Lĩnh với mỏ vàng, chân vàng, đầu nhỏ, mào công, lông đen nhấp nhánh như vải lĩnh Tân Châu. Khi gà nuôi được 5 đến 6 tháng, sắp biết phủ mái thì đem hoạn, phải nhờ những tay thợ giỏi hoạn không bị sứt, nhanh buông bầu, sau đó đem về chăm đến khi đạt trọng lượng chờ ngày mổ tế Thành hoàng làng.
Quá trình nuôi cũng rất công phu ông Nguyễn Văn Tấn ở khu 3 làng Văn Phú cho biết: Vào những năm 1950 lúc đó thân sinh ra ông được chọn nuôi gà đã dành riêng một gian nhà giữa đóng kín cửa không được ai qua lại xem, chỉ có chủ nhà mới được cho ăn và vệ sinh cho gà.
Ông Nguyễn Đức Chung ở khu 7, xã Sai Nga cho biết thêm: Nuôi gà thờ phải chọn con giống cẩn thận, phải là giống gà chắc thịt, khỏe, thức ăn chủ yếu là ngô và thóc. Sau khi gà nuôi đạt trọng lượng từ 4,5 đến 5 kg/con, đến đêm 30 tết Nguyên đán, gia đình mổ một con để đến sáng hôm sau mồng một tết đội cỗ lên đình làng cầu an khang, tài lộc cho gia đình.
Con gà đẹp nhất còn lại, chờ đến hội đình làng (đêm ngày 6 tháng Giêng) các gia đình được chọn sẽ tổ chức mổ gà để cúng Thành hoàng làng và thi gà đẹp nhất.
Quá trình mổ rất công phu, ông Nguyễn Văn Đại, người dân khu 8 xã Sai Nga người có kinh nghiệm mổ gà thờ lâu năm cho biết: “Để mổ gà đẹp phải chuẩn bị dao nứa, hãm tiết gà chảy đều để khi luộc không bị thâm đen, làm lông cực kì nhẹ tay, nhổ từng chiếc, nước làm lông không được sủi quá mà chỉ nóng già, sau đó cho vào nồi luộc, dùng lá chuối non lót uốn cổ cánh, dùng lá chuối khô xé nhỏ luộc kĩ nhét vào bụng gà để gà căng phồng vớt ra không bị tóp, sau đó tháo lạt, té nước cho nguội, uốn hình cánh phượng, song đặt lên mâm bồng cùng với khuôn xôi gạo nếp, sáng hôm sau gia đình đội gà lên đình tế Thành hoàng làng”.
Do tục mổ gà thờ cúng Thành hoàng làng, thi gà thờ đẹp nhất đã diễn ra từ lâu nên gà thờ làng Văn Phú nổi tiếng khắp vùng. Nhiều khu, làng trong huyện khi có hội hè cúng tế thường nhờ hoặc thuê người làng Văn Phú đến làm giúp mâm gà thờ. Các gia đình ở các địa phương khác có việc hiếu, ma chay cũng thường nhờ làm hoặc mua thẳng gà thờ từ làng Văn Phú.
Có thể nói, việc nuôi gà thờ tế Thành hoàng làng của người dân làng Nga Phó, nay làng Văn Phú, xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê là một nét đẹp văn hóa dân gian của người dân nơi đây, trải qua nhiều biến đổi thăng trầm, song tục nuôi gà thờ ở đây vẫn được lưu giữ mỗi khi tết đến xuân về.