Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện còn bản Thần tích Thành hoàng làng Đặng Oánh, soạn năm 1572, sao y bản chính vào các năm 1740, 1915, kí hiệu AE a10/26.
Đời Vua Hùng thứ 18, Đặng Oánh có công dẹp loạn ở 7 quận là: Châu Nhai, Thiệm Nhĩ, Thương Ngô, Quảng Tín, Phương Ngung, Mê Linh. Sau khi mất, ông âm phù nhà Tiền Lê đánh thắng quân Tống xâm lược, nhà Trần đánh giặc Nguyên, nhà Hậu Lê đánh quân Minh. Ông được các triều vua ban tặng nhiều mĩ tự. Dân làng Yên Thái, làng Tháp Dương lập miếu phụng thờ.
Chuyện kể: Bấy giờ, tù trưởng bảy quận Châu Nhai, Thiệm Nhĩ, Thương Ngô, Quảng Tín, Phương Ngung, Mê Linh nổi lên làm loạn, xao động dân chúng. Nhà vua nghe tin bèn hỏi đình thần xem ai có thể trù định được. Sầm Bành tâu rằng “Uy đức của bệ hạ lan khắp bờ cõi, lại thêm được lòng trời phù hộ, giáng xuống nhiều bậc anh tài như, Oánh Công (Đặng Oánh), học vấn uyên bác, thiên văn địa lí tinh thông, trí tuệ hơn người, giỏi giang võ nghệ, nổi tiếng đương thời. Nay bệ hạ cử ông ấy, lấy đức vọng phục nhân tâm thì ắt yên ổn”. Nhà vua nghe xong bèn cho vời ông đến, trao cho quan tước rồi sai đi dẹp loạn. Ngay ngày hôm đó, ông tuyển chọn gia thần, sĩ tử được hơn 400 người, rồi ban hịch khắp các quận huyện. Số người kéo đến giúp đỡ đến hàng vạn người. Ông kéo quân tới quận Cửu Chân, tập hợp tướng sĩ chia đồn phòng thủ, không khiêu chiến. Ông lại sai văn thần mang hịch lấy tín nghĩa dụ địch, lấy phúc họa bày tỏ. Địch nghe ra mà cảm ngộ, bó tay quy hàng. Thế là 7 quận dẹp yên. Ông kéo quân chiến thắng trở về. Bấy giờ là vào thượng tuần tháng 8, mùa Thu, thấy sứ giả mang chiếu nhà vua tới. Chiếu viết, giặc đã dẹp yên, nay ban chiếu về triều. Ông vâng mệnh trở về. Nhà vua mở tiệc lớn, gia phong tướng sĩ theo các thứ bậc khác nhau. Ban cho ông thực ấp ở huyện Quốc Oai. Ông bái tạ trở về nhậm sở ở phủ Quốc Oai và ngẫu hứng làm bài thơ: Phiên âm: Tự cổ đế vương ức triệu dân / Quy thần tất tự điện tinh thần/ Thử truyền vị biện chân tương ảo / Hồi tưởng sơn danh Phật tức chân. Dịch nghĩa: Tự cổ đế vương muôn triệu dân / Quy phục tinh thần ắt phải vững tinh thần / Chuyện này chẳng xét chân hay ảo / Hồi tưởng tên một ngọn núi thờ Phật, ấy là chân thực.
Từ đấy thiên hạ thái bình, trong nước vô sự. Nhân khi rảnh rỗi, ông trở về nhà học đường ở trại Yên Thái, khuyên bảo nhân dân an cư lạc nghiệp. Mọi người đều bái tạ. Nhân đấy, mọi người xin ông, nay là nhà học đường, sau thì làm nơi thờ cúng. Ông bằng lòng, rồi ban cho 10 hốt vàng ròng để sau này sửa sang làm nơi thờ cúng.
Một hôm, ông trở về châu phủ, có sứ giả đến mệnh cho đình thần đi sứ triều cống. Bấy giờ, ông tuổi đã 80. Ngồi ở trong phủ đường, bỗng thấy hào quang đỏ, mây đen bốn bề nổi lên và thấy một đám mây vàng từ trời cao hạ xuống thẳng phủ đường. Đám mây như một tấm lụa. Rồi thấy người ông bay ra khỏi phủ đường, tới núi Sài Sơn (chùa Thầy) thì không thấy nữa.
Hôm ấy là ngày 4 tháng Giêng. Mọi người sợ hãi, dâng biểu tâu Vua . Nhà vua nghe xong, bèn sai sứ giả phong Thượng đẳng thần, sai mang văn tế về đọc tại làng. Ông được dân thờ cúng muôn đời, trường tồn cùng đất nước.
Phong mĩ tự cho Oánh Công: Uy linh Quốc thắng Đại vương. Khi hành lễ, cấm sắc phục màu vàng đỏ. Cho phép trại Yên Thái lập miếu phụng thờ.
Đến đời Hán Bình Đế, ông được gia phong: Nhất vị Đại vương.
Niên hiệu Thái Bình (970 - 979), Vua Tống sai bọn Hầu Nhân Bảo mang 20 vạn quân, chia hai dường thủy bộ sang xâm lược nước Nam. Bấy giờ, Lê Đại Hành đích thân làm tướng, đem 10 vạn tinh binh đi cự chiến. Kéo quân tới huyện Ninh Sơn thì gặp đường núi. Nhà vua liền đóng quân ở trại Yên Thái. Đêm nghỉ ở đền thờ thần, khẩn cầu thần phù hộ đánh giặc, khi nào bình xong giặc, sẽ ban sắc gia phong “Thượng đẳng”. Ngày hôm sau, nhà vua đem quân xuất chiến. Quân Tống quả nhiên đại bại, tướng giặc là Nhân Bảo, Khâm Kì 欽 祈 (Chính sử chép là Khâm Tộ 欽 祚), đều bị giết. Lại bắt được đại tướng Biện Phụng Huân 卞 奉 勳 (Chính sử chép là Triệu Phụng Huân 趙 奉 勳) đem về kinh đô khải hoàn, rồi ban thưởng cho tướng sĩ theo thứ bậc khác nhau. Trong lúc ban thưởng, nhà vua nói: “Giặc Tống sớm thua to cũng là do các thần phù hộ”, bèn gia phong cho bách thần.
Phong: Oánh Công Tế thế Hộ quốc Dương vũ Dực thánh Bảo cảnh Hiển từ Thông minh Duệ trí Hùng lược Dũng quyết Anh uy Linh cảm Diệu thông Hùng kiệt Đại vương.
Từ đó trở đi, ngài tỏ rõ linh ứng, nên đời đời được các bậc đế vương gia phong là: Nhất vị Đại vương.
Đến đời Trần Thái Tông, giặc Mông Nguyên xâm lấn, kinh thành bị vây hãm, Trần Quốc Tuấn vâng mệnh cầu đảo các đền thờ bách thần. Ngài hiển ứng phù hộ. Kịp khi bình được Ô Mã Nhi, Vua Thái Tông phong mĩ tự: Linh ứng Anh triết Hiển hựu Trợ thuận Đại vương.
Đến đời Vua Thái Tổ khởi nghĩa dẹp giặc Minh. Khi được thiên hạ, Vua gia phong mĩ tự: Đại vương Phổ tế Cương nghị Anh linh. Ban sắc cho phép trại Yên Thái trùng tu miếu điện để phụng thờ.
Các chữ húy: Uy/Oai (tên thân phụ), Thắng (tên thân mẫu), Oánh trong lễ hội ngày sinh, ngày hóa đều cấm.
Ngày sinh thần: Ngày 24 tháng 5, lễ dùng, trên cỗ chay, dưới mổ trâu bò lợn, xôi, rượu, ca hát.
Ngày hóa thần: Ngày 4 tháng Giêng, lễ dùng trên thì cỗ chay, dưới dùng lợn đen, xôi, rượu, bánh giầy (bạch viên), đấu vật, đánh cờ.
Lễ khánh hạ: Thượng tuần tháng 8, lễ dùng trên thì cỗ chay, dưới dùng lợn đen, xôi, rượu, bánh giầy (bạch viên), đấu vật, các trò chơi.
Nguồn: Thành hoàng làng họ Đặng Việt Nam, Nhà xuất bản Văn Hóa dân tộc 2016. Đặng Văn Lộc chủ biên. Tư liệu điền dã tại hai địa phương