Giải mật hai tướng tình báo tài ba của nghĩa quân Lam Sơn

Google News

(Kiến Thức) - Lực lượng tình báo có đóng góp không nhỏ vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, tuy nhiên vì hoạt động trong trận tuyến bí mật nên không mấy người được rõ về lực lượng ấy cũng như về những người chỉ huy lãnh đạo. 

Chính sử không ghi chép, nhưng dã sử và một số nguồn thông tin khác cho hậu thế biết được phần nào về đội quân đặc biệt này và một số nhân vật nổi bật của đội quân đó.
Phạm khất sĩ tướng quân
Tình báo là hoạt động điều tra, thu thập, nghiên cứu, tổng hợp, xử lý những tin tức, tư liệu bí mật về quân sự, chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế... của đối phương. Hoạt động này xuất hiện cùng với sự ra đời của nhà nước, trên cơ sở các thông tin thu thập được sẽ có những đánh giá và xử lý để đưa ra những quyết định, đặc biệt là liên quan đến chính sách đối ngoại và quốc phòng. Hoạt động tình báo, gián điệp đã được các triều đại phong kiến Việt Nam coi trọng và áp dụng khá hiệu quả trong chiến tranh giữ nước.
Thời kỳ Bình Định Vương Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược, có một người đã tổ chức đội quân thu thập tin tức dưới hình thức rất đặc biệt, đó là Phạm Ngũ Thư. Ông quê ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, lộ Hải Đông (nay thuộc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), ông là cháu ba đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão, bậc đại công thần tài kiêm văn võ nổi tiếng triều Trần. Khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, Phạm Ngũ Thư từ quan về ở ẩn rồi xuất gia tu hành tại chùa Vân Yên trên dãy núi Yên Tử vùng Đông Bắc với pháp danh là Trí Lâm.
Tình hình xã hội nước ta bấy giờ có những diễn biến phức tạp, nhà Hồ sụp đổ, quân Minh kéo vào xâm lược, các cuộc khởi nghĩa chống giặc lần lượt bị đàn áp dã man, triều Hậu Trần cũng không tồn tại được lâu. Hoàn cảnh đó đã tác động nhiều đến tâm trí Phạm Ngũ Thư, ông quyết định hoàn tục, lấy vợ sinh con, muốn làm tròn nghĩa vụ của người trai thời loạn. Khi nghe tin cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, ông tìm vào vào Thanh Hóa xin đầu quân, cùng nếm trải gian lao khó nhọc với nghĩa binh hơn 10 năm trời. Để thăm dò sự điều động binh lực cũng như nắm tình hình của giặc, Phạm Ngũ Thư đề nghị và được Bình Định Vương Lê Lợi chấp thuận cho thiết lập “hệ thống tình báo” với nhiều đối tượng cài vào hàng ngũ ngụy quan, ngụy quân cũng như trong xã hội dưới các vai nhà buôn, học trò…. Trực tiếp điều hành mạng lưới thu thập thông tin, Phạm Ngũ Thư còn giả trang thành người ăn xin để đi lại khắp nơi mà giặc chẳng nghi ngờ, cũng nhờ đó mà ông nhận thấy lợi thế của những người hành khất vì càng dơ dáy, cùi hủi ghẻ lở thì lại càng được việc, họ có thể “một gậy, một bị khắp nơi tung hoành”, “liều mạng cùi” xông bừa vào chỗ đóng quân, kho lương của địch để quan sát và la cà khắp nơi để chuyển tin nhanh chóng mà an toàn, từ đó Phạm Ngũ Thư tạo dựng thêm nhiều tai mắt trong giới cái bang. “Hệ thống tình báo” này hoạt động đắc lực, góp phần quan trọng vào thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn, quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập.
Giai mat hai tuong tinh bao tai ba cua nghia quan Lam Son
 Một người ăn mày tay gậy, tay rượu ngất ngưởng. Hình minh họa – Nguồn: sina. 
Năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi vua, đặt niên hiệu Thuận Thiên, đến tháng 2, định công phong chức tước, ban thưởng cho các công thần trong đó Phạm Ngũ Thư. Ông được phong làm Trung lượng tả phụng thần vệ quân, tước Đại trí tự nhưng ông viện cớ tàn tật để khước từ quan chức xin về quê sinh sống, chỉ nhận tước và phần thưởng là hai trăm mẫu ruộng rồi đem chia hết cho dân nghèo để trồng cấy. Lại nghĩ đến cảnh nhiều người còn khổ cực, Phạm Ngũ Thư nói với vợ rằng: “Thời lang thang lo việc nước, ta đã chung sống với giới ăn xin, cảm thông được nỗi đau thương chua xót vô biên của những con người khốn khổ bị xã hội khinh khi ruồng rẫy. Ta hằng phát nguyện sẽ chia xẻ, cứu giúp xoa dịu thương đau cho họ”. Dặn vợ con làm nhiều hơn nữa việc thiện, phát tâm giúp đỡ kẻ khó, rồi ông ra đi. tay chống gậy trúc, áo quần rách rưới, ăn xin sống qua ngày nay đây mai đó, để hiểu nỗi đau thương mà san sẻ, an ủi họ người cùng cảnh ngộ, lựa lời nhắc nhở họ về lý nghiệp báo, khuyên họ xả bỏ thù hằn, nghi kị, chán nản mà khơi nguồn cho niềm lạc quan và tình người tuôn chảy.
Thế là viên thủ lĩnh của “đội quân cái bang” hoạt động tình báo năm nào nay lại trở về với những con người cùng khổ cho đến lúc cuối đời. Trên bia mộ của ông chỉ khắc dòng chữ: “Phạm khất sĩ chi mộ” (mộ của người ăn mày họ Phạm). Ngày nay tại làng Thư Lang (nay thuộc xã Thư Lang, tỉnh Hà Nam) vẫn còn đền thờ Phạm Ngũ Thư, bao đời nay người dẫn vẫn hương khói để ghi ơn công lao và ân đức của vị thành hoàng làng mình, người có cuộc đời đặc biệt một như huyền thoại.
Hắc dạ tướng quân
Một nhân vật khác cũng là người lãnh đạo một đội quân do thám dưới tấm áo rách rưới của những người ăn mày, đó là Nguyễn Thái, người xã La Ngạn, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam (nay là làng La Ngạn, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, Nam Định).
Theo gia phả dòng họ Nguyễn làng La Ngạn thì Nguyễn Thái được coi là thủy tổ, ông vốn quê ở xã Diên An, huyện Khoái Châu, xứ Sơn Nam (nay là huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Mùa đông năm Kỷ Hợi (1419) ông cùng cha là Nguyễn Đặc đem người làng 60 người cùng người các ông Nguyễn Đa Câu, Trần Nhuế, Trịnh Chứng, Lê Hành, Phạm Thiện dấy quân khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược nhưng lực lượng yếu nên bị đánh bại. Chính sử cũng cho biết sự kiện này như sau: “Kỷ Hợi [1419], (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 17)… Mùa đông, tháng 11, Trịnh Công Chứng và Lê Hanh ở Hạ Hồng; Phạm Thiện ở Tân Minh, Nguyễn Đặc ở Khoái Châu, Nguyễn Đa Cấu và Trần Nhuế ở Hoàng Giang thấy thành Đông Quan chỉ còn những quân lính ốm yếu, liền dấy quân tiến đánh. Quân đến Lô Giang, đánh phá được cầu phao nhưng ít lâu sau bị Lý Bân đánh bại, tan tác chạy dài” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Sau thất bại này, Nguyễn Thái tìm vào Lam Sơn gia nhập lực lượng khởi nghĩa của Lê Lợi. Tháng 10 năm Canh Tý (1420) Nguyễn Thái theo Lê Lợi mai phục ở bến Bổng thuộc thượng lưu sông Mã đánh giết quân Minh, bắt được hơn trăm con ngựa. Trận này được sử chép như sau: “Canh Tý, [1420], … Mùa đông, tháng 10, vua nghe tin quân Minh sắp đến, đặt mai phục ở bến Bổng chờ giặc, chém giết quân giặc nhiều vô kể, bắt được hơn trăm con ngựa. Vua cho nghỉ quân ở Mường Nanh, rồi lại dời đến đóng quân ở Mường Thôi. Tên Đồng tri châu Quỳ Châu là Cầm Lạn dẫn bọn Lý Bân, Phương Chính đem hơn 10 vạn quân, theo đường Quỳ Châu đến thẳng Mường Thôi. Vua phục kích chúng ở Thi Lang. Bân và Chính chỉ chạy thoát được thân mình” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Vì lập công lớn trong trận đánh đó, Lê Lợi thấy Nguyễn Thái là người dũng mãnh bèn phong cho ông chức Tả tiên phong. Tháng 4 năm Tân Sửu (1421) Nguyễn Thái được Lê Lợi trao cho chức Hắc Dạ tiên phong, lo việc huấn luyện 200 người chuyên đi thu thập tin tức địch, từ đó ông thường giả làm chủ thuyền buôn nay đây mai đó chỉ huy dò xét tin tức báo cáo về bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn. Hàng năm cứ đến tháng 9 nước sông Đáy lên to ông quay về đất Nghệ An, tháng 11 ông lại ra Hoàng Giang rồi đi các nơi như Tây Đô, Đông Quan, Xương Giang, Lạng Giang, Quy Hoá thu thập nhiều tin tức về quân địch.
Giai mat hai tuong tinh bao tai ba cua nghia quan Lam Son-Hinh-2
Ăn mày. Tranh khắc gỗ dân gian.  
Tháng 9 năm Đinh Mùi (1427) ông cùng tướng Lưu Nhân Chú đem quân phục kích giết được nhiều giặc trong đội viện binh sang cứu nguy cho bè lũ Vương Thông đang bị vây hãm ở thành Đông Quan, chém chết tướng Liễu Thăng ở núi Mã Yên ở phía nam Chi Lăng.
Sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Tiến sĩ triều Nguyễn là Khiếu Năng Tĩnh trong mục Danh thần, danh tướng có đoạn viết về Nguyễn Thái như sau: “Phúc thần họ Nguyễn tên húy là Thái người trong xã, tháng 10 năm Canh Tý (1420) Nguyễn Thái theo Lê Lợi mai phục ở bến Bổng, tháng 4 năm sau (Tân Sửu – 1421) được vua Lê cho chức Hắc Dạ tiên phong, huấn luyện 200 người chuyên đi thu thập tình hình quân địch. Khi vua Lê lên ngôi ở Đông Kinh, phong cho ông là Hắc Dạ tướng quân”.
Theo gia phả dòng họ cho biết, ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428) Lê Lợi lên ngôi vua, đóng đô ở Đông Kinh đặt niên hiệu là Thuận Thiên, quốc hiệu là Đại Việt, lập ra nhà Hậu Lê. Ngoài tước phong Hắc Dạ tướng quân, Nguyễn Thái còn được ban cho lộc điền ở trang La Ngạn, huyện Đại An (nay là thôn La Ngạn, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).
Nguyễn Thái mất ngày 11 tháng 6 năm Kỷ Sửu (1469) đời vua Lê Thánh Tông, được ban cho tên tự là Chính Tâm, tên thụy là Trung Hòa, triều đình còn sắc phong cho ông làm Nam Hải phúc thần, cử Hình bộ Hữu thị lang Dương Chấp Trung làm lệ quốc tế; cấp 200 quan tiền, ruộng 4 mẫu và cho dân làng dựng đền thờ bốn mùa hương khói tưởng niệm.
Giai mat hai tuong tinh bao tai ba cua nghia quan Lam Son-Hinh-3
Từ đường họ Nguyễn ở La Ngạn, nơi thờ Nguyễn Thái. Hình minh họa – Nguồn: honguyenlangan.com.  
Theo Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược một vị quan triều Nguyễn là Đỗ Huy Cảnh (1792 – 1850), cũng người xã La Ngạn, huyện Đại An có làm bài thơ “Hắc Dạ tướng quân” để ca ngợi Nguyễn Thái như sau:
Vi hận Minh triều đại ác quân,
Khoái Châu phụ tử tụ chư quân.
Lô giang thủy trận sơ tuy bại,
Bổng độ qua khu khả vị thần.
Hắc Dạ văn tình thời ỷ trọng,
Mã Yên trảm cấp diệc siêu quần.
Đại Loan lộc ấp do tồn tích,
Thượng tứ thư truyền tự Chính Tâm.
Nghĩa là:
Giận quân tàn ác nước Minh,
Khoái Châu phụ tử tụ binh quật cường.
Lô giang tuy bại chuyện thường,
Bổng tân thắng giặc ai lường mưu hay.
Địch tình đêm tối kỳ thay,
Mã Yên trảm cấp xưa nay mấy người.
Đại Loan đất hưởng lộc trời,
Chính Tâm tên tự vua trời ban cho.
(Dương Văn Vượng dịch)
Cứ như theo truyền tụng cũng như một câu thơ ca ngợi trong bài thơ nói trên thì chính Nguyễn Thái là người đã chém chết Liễu Thăng - chủ tướng quân Minh trong trận Chi Lăng lịch sử năm Đinh Mùi (1427).
Lê Thái Dũng

>> xem thêm

Bình luận(0)