Tử thần rình rập khi dừng đèn đỏ

Google News

Rất nghịch lý khi gần đây tại TP Hồ Chí Minh, người và xe dừng đèn đỏ bị xe từ phía sau lao lên húc, gây trọng thương, thậm chí tử vong.

Không phải ai cũng may mắn như cha con anh Huỳnh Minh Tiến trong vụ xe container điên cuồng húc hàng loạt xe gắn máy và ôtô tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Lương Bằng vào ngày 24/9 vừa qua. Hàng loạt vụ xe ôtô, xe tải từ phía sau lao lên đâm liên hoàn nhiều xe ôtô khác và xe máy khiến nhiều người thương vong, như vụ 5 người chết tại dốc cầu vượt Linh Trung (Thủ Đức).
Một vụ tai nạn tại điểm dừng đèn đỏ. 
Nguyên nhân hầu hết các vụ tai nạn giao thông càn quét người xe dừng đèn đỏ được các tài xế xe khai trước cơ quan Công an như: ngủ gật không làm chủ tay lái, xe tuột thắng (phanh), vài trường hợp tài xế có sử dụng ma túy, chạy với tốc độ lớn. Dù có bất cứ lý do gì cũng cho thấy, nguyên nhân chủ yếu do người lái xe gây ra và có lỗi kỹ thuật xe.
Hệ thống phanh (thắng) trên ôtô liên quan mật thiết đến an toàn khi xe vận hành. Theo cơ quan Đăng kiểm, lỗi ở hệ thống phanh trên ôtô lại luôn phổ biến nhất. Hai nguyên nhân dễ dẫn đến hỏng hóc hệ thống phanh trên ôtô là má phanh đã bị mòn quá nhiều hoặc dầu phanh bị hao hụt quá mức cho phép. Vì thế, người sử dụng ôtô cần thường xuyên kiểm tra hoạt động của hệ thống phanh. Một tài xế chuyên nghiệp, có kinh nghiệm sẽ hoàn toàn nhận biết sự khác thường của hệ thống phanh khi nổ máy xe. Tai nạn do lỗi hệ thống phanh còn do lỗi chủ quan của người lái xe thắng gấp, chạy tốc độ lớn, mải mê nói chuyện điện thoại, ngủ gật, sử dụng chất kích thích, uống nhiều rượu bia… Khi lao vào phương tiện đang dừng chờ đèn đỏ, tài xế gây ra tai nạn giao thông thường bỏ trốn khỏi hiện trường và sau đó vài ngày mới ra trình diện cơ quan Công an.
Ngoài nỗi lo sợ người dân hành hung, tâm lý hoảng loạn… cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường khó tìm ra lỗi chủ thể lái xe sau 3 ngày… nếu có sử dụng cồn, chất kích thích hay các lỗi khác tại thời điểm gây ra tai nạn. Hầu hết đều đổ lỗi cho “bất ngờ” không làm chủ tay lái, đạp nhầm thắng xe... Thời gian qua, chỉ có hai vụ tài xế phát hiện xe tuột thắng đã chủ động đâm vào cột đèn đường và vách núi để cứu hành khách và người đi đường thoát chết trong gang tấc tại Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) và đổ dốc đèo Khánh Sơn (Khánh Hòa). Những tài xế dũng cảm, thông minh và đạo đức cao cả, phi thường, dám hy sinh bản thân để cứu hành khách.
Với người và phương tiện lưu thông dừng chờ đèn đỏ, nằm trong thế hoàn toàn bị động, không quan sát gì phía sau lưng. Do đó, việc tuân thủ giao thông đúng làn đường quy định dành riêng cho các loại xe là quy định rất cần thiết để phòng ngừa tai nạn rủi ro do “hung thần” xe lớn ập đến từ sau lưng. Cơ quan chức năng cần có quy định chuẩn vạch dừng cho xe gắn máy và vạch dừng cho xe tải, ôtô đủ khoảng cách an toàn tại các giao lộ lớn, sử dụng làn đường chung.
Do việc sử dụng chung quá nhiều làn đường hỗn hợp, nên các loại xe gắn máy và ôtô, xe tải, container luôn dừng chờ đèn và lưu thông cùng nhau. Đây chính là nguyên nhân gây ra các vụ TNGT kiểu dính chùm nhau thời gian qua.
Việc quy định vận tốc xe tại các đô thị theo một khung chung 40-60km/h dành cho cả tuyến, không ràng buộc các lái xe loại lớn như tải, container, đầu kéo, xe buýt… cách bao nhiêu mét trước đèn đỏ hoặc ngã rẽ đảm bảo an toàn tốc độ bao nhiêu, đặc biệt an toàn đối với người điều khiển phương tiện khác cùng lưu thông trong cùng làn đường hỗn hợp. Các lực lượng CSGT, TTGT cần mạnh tay và quyết liệt hơn trong xử phạt người tham gia giao thông dừng đỗ, lưu thông sai làn đường.
Trong lúc hạ tầng giao thông yếu kém, diện tích lưu thông không đủ cho mật độ xe dày đặc như hiện nay, không có đường dành riêng cho các loại xe tải, container… chỉ có sự quyết liệt này mới có tác dụng răn đe và làm giảm tai nạn thương tâm từ phía sau lưng ập đến cho người và phương tiện dừng chờ đèn đỏ.
Theo CAND

Bình luận(0)