Theo tờ trình, UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương và Trường Đại học Hải Dương” sau khi hoàn thiện.
UBND tỉnh Hải Dương cũng đề nghị cho phép trường đại học sau sáp nhập tiếp tục tuyển sinh và đào tạo trình độ cao đẳng sư phạm, ngành Giáo dục Mầm non.
|
Trường Đại học Hải Dương. |
Trước đó, Bộ GD&ĐT có công văn 1057 về việc hoàn thiện Đề án “Sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương và Trường Đại học Hải Dương”. UBND tỉnh Hải Dương đã tiếp thu đầy đủ và hoàn thiện Đề án.
Theo thông báo kết luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhất trí nội dung bổ sung, hoàn thiện đề án “Sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương và Trường Đại học Hải Dương” như đề xuất và thống nhất đặt tên trường đại học sau sáp nhập là Trường Đại học Hải Dương.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện đề án, trình cấp có thẩm quyền thẩm định và quyết định theo quy định.
Đối với đề xuất đặt tên Trường Đại học Hồng Châu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu thận trọng, thấu đáo và đề xuất vào thời điểm phù hợp.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương cũng giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu phương án nhân sự chủ chốt của Trường sau sáp nhập để đảm bảo kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy và đưa trường vào hoạt động ngay sau khi có quyết định thành lập.
Trường Đại học Hải Dương thành lập từ năm 2011 trên cơ sở Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hải Dương. Trường có 8 phòng, 5 khoa, 8 trung tâm. Từ năm 2019 - 2021, trường đào tạo được 2785 học viên.
Trường Cao đẳng Hải Dương được thành lập năm 1960, có 5 phòng, 11 khoa, 1 trung tâm và các trường thực hành: Mầm non thực hành Hoa Sen, Tiểu học Chu Văn An, THCS Chu Văn An, THPT Chu Văn An. Bốn năm gần đây (2019-2022), trường đào tạo 4.387 sinh viên hệ cao đẳng, 1.454 học sinh hệ trung cấp.
Mục tiêu của việc sáp nhập là xây dựng một trường đại học trọng điểm của tỉnh Hải Dương, có uy tín, chất lượng trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là lĩnh vực đào tạo giáo viên, lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ... Thực hiện kết nối Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, phát triển đào tạo các ngành nghề trọng điểm, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, nông nghiệp xanh, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương.
Việc sáp nhập hai Trường Cao đẳng Hải Dương và Trường Đại học Hải Dương trên địa bàn còn góp phần tinh gọn đơn vị sự nghiệp công lập, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tạo điều kiện để trường sau sáp nhập từng bước thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính...
Theo đề án, sau sáp nhập, Trường Đại học mới sẽ có 8 phòng chức năng, 11 khoa, 2 trung tâm và giữ nguyên các trường thực hành. Trường có 4 cơ sở, trụ sở chính sẽ nằm ở khu đô thị phía Nam, TP Hải Dương (trụ sở chính Trường Đại học Hải Dương hiện nay).
>>> Mời độc giả xem thêm video Hiệu trưởng ĐH Kinh tế giải thích ý nghĩa mặc áo nhung cầm quyền trượng ở lễ trao bằng tốt nghiệp