|
Làn thu phí tự động không dừng (ETC) tại trạm thu phí BOT Cai Lậy trên quốc lộ 1 qua tỉnh Tiền Giang - Ảnh: V.TR. |
Theo quyết định của Thủ tướng, đến ngày 31-12-2018, toàn bộ trạm BOT trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) qua Tây Nguyên phải áp dụng thu phí tự động không dừng (ETC) để tạo thuận lợi trong lưu thông và minh bạch trong thu phí.
Bộ GTVT đã chỉ định liên danh Công ty CP Tasco - Công ty TNHH thu phí tự động VETC (Tasco - VETC) là chủ đầu tư của dự án theo hình thức BOT.
Tuy nhiên, đến nay chỉ có 17/28 trạm mới lắp đặt được thu phí không dừng và khoảng 480.000/gần 3 triệu xe được dán thẻ, tỉ lệ phương tiện qua trạm trả phí tự động còn rất thấp.
Nhà xe muốn trả phí tự động
Ông Hà Xuân Quỳnh - giám đốc Công ty TNHH Thống Nhất (Bắc Giang) - bày tỏ như vậy bên lề hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng về thu phí tự động không dừng do Tổng cục Đường bộ tổ chức ngày 16-3.
"Với đội xe 120 chiếc, tôi rất cần hình thức nộp phí này thay vì đưa tiền mặt để nộp phí cho từng tài xế rồi họ né trạm để lấy tiền phí, trong khi tôi phải tốn nhiều tiền xăng hơn vì xe phải chạy những cung đường xa hơn để tránh trạm thu phí.
Trả phí qua tài khoản cũng đỡ rủi ro hơn khi giao tiền mặt cho tài xế. Nếu cuối tháng lấy biên lai nộp phí cũng hay hơn khi phải tập hợp hàng trăm vé qua trạm BOT để làm thủ tục về thuế" - ông Quỳnh cho biết.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thanh - giám đốc Công ty vận tải Kim Phát (Q.12, TP.HCM) - cho biết hơn 30 xe container của công ty đã được dán thẻ và sắp tới sẽ nộp tiền để qua trạm BOT có thu phí tự động.
Theo ông Thanh, khi nộp tiền vào tài khoản, công ty kiểm soát được số lượt xe tài xế đã đi qua, tránh được việc tài xế đi vòng "né" trạm nhưng vẫn báo phải trả phí hoặc kê khai không đúng.
Một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa cho biết rất ủng hộ triển khai thu phí không dừng.
Các đơn vị này khẳng định đã được Công ty VETC tới tận nơi để dán thẻ miễn phí, hỗ trợ tham gia thu phí không dừng nên đội xe vận chuyển đã được dán thẻ, nhưng trên thực tế là… chưa sử dụng.
Anh Minh - tài xế của công ty cho thuê xe du lịch tại TP.HCM - cho rằng hiện nay đa số các trạm vẫn thu một dừng (trả bằng tiền mặt) nên anh thấy chưa cần thiết phải dán thẻ.
"Mỗi ngày tôi đi theo đường xa lộ Hà Nội hướng về Đồng Nai phải qua hai trạm thu phí. Tuy nhiên, chỉ có trạm thu phí Đồng Nai có thu phí tự động, còn lại thu một dừng nên tôi cũng chưa cần thiết phải dán thẻ" - anh Minh nói.
Cần sửa quy định
Tuy đánh giá cao tính thuận tiện và minh bạch, nhưng tại hội nghị ngày 16-3, các đại biểu cũng bày tỏ một số thắc mắc trong trả vé lượt với vé tháng, lấy hóa đơn, đảm bảo an toàn của tiền nộp vào tài khoản, khả năng kết nối tài khoản thu phí với tài khoản ngân hàng.
Giải đáp những thắc mắc trên, ông Tô Nam Toàn - vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Tổng cục Đường bộ) - cho biết hệ thống vẫn tính phí theo vé tháng, vé quý, vé lượt theo cách mua vé của chủ xe.
Tại hội nghị, phóng viên và một số đại biểu đặt câu hỏi có thể kết nối tài khoản ngân hàng, thẻ ghi nợ của chủ xe để nộp phí trong tình huống tài khoản hết tiền? Tuy nhiên, ông Toàn cho biết hiện đang thiếu hành lang pháp lý để thực hiện giải pháp trên.
Tổng cục Đường bộ, các nhà đầu tư đã làm việc với các ngân hàng và thống nhất đề xuất sửa thông tư, nghị định để cho phép tự động trả phí từ các tài khoản khác cũng như có chế tài với chủ xe được qua trạm mà không nộp phí.
Hệ thống thu phí không dừng hoạt động theo phương thức nhận dạng xe qua thẻ định danh E-tag và trừ tiền trong tài khoản của chủ xe để mở barie cho xe qua, trường hợp tài khoản hết tiền thì trả bằng tiền mặt như cách hiện nay.
Nhưng theo quyết định 07 của Thủ tướng, trong trường hợp tài khoản hết tiền, nhà cung cấp dịch vụ sẽ ghi nợ trên tài khoản chủ xe và thông báo cho chủ xe biết để xe qua trạm.
Trong vòng 10 ngày chủ xe phải nộp tiền vào tài khoản trả trước để thanh toán số nợ. Nếu chủ xe không nộp tiền thì nhà cung cấp dịch vụ khởi kiện.
Tuy nhiên, tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng cần sửa nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ để cơ quan chức năng có chế tài xử lý bên cạnh việc khởi kiện những trường hợp cố tình không nộp phí.
|
Người dân làm thủ tục đăng ký dán tem thu phí tự động VETC tại trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA |
Chế tài đủ mạnh mới hiệu quả
"Hiện nay chưa có quy định bắt buộc chủ xe phải có tài khoản nộp phí tự động, nếu người dân không dán thẻ, không ủng hộ thu phí tự động thì rất khó đảm bảo sự minh bạch cao nhất trong thu phí.
Nếu người dân không ủng hộ, hợp tác để tạo sự tin cậy minh bạch thì đến lúc nào đó Chính phủ sẽ quy định bắt buộc xe muốn đăng ký lưu hành phải có tài khoản để nộp phí và trả tiền phạt vi phạm hành chính" - ông Nguyễn Văn Huyện, tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Mạnh Hà - tổng giám đốc Công ty TNHH VETC, đơn vị triển khai dự án thu phí không dừng - cho biết hiện công ty vẫn đang miễn phí dán thẻ dịch vụ thu phí tự động trên toàn quốc.
Ông Hà cho biết mục tiêu của Bộ GTVT là hết năm 2018 với 100% chủ xe sử dụng thẻ để thanh toán qua trạm thu phí.
Dù việc dán thẻ đã được triển khai tại các trạm đăng kiểm, trạm thu phí cũng như lưu động, đến tận cơ quan, đơn vị dán miễn phí nhưng số xe dán thẻ không tăng nhiều.
"Nếu có sự quyết liệt và chế tài đủ mạnh, chúng tôi kỳ vọng trong năm 2018 sẽ dán được hết 3 triệu xe" - ông Hà nói.
Tình hình các dự án triển khai thu phí không dừng vẫn còn ì ạch, hiện tại vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.
Mới đây, ngay sau khi có chỉ thị của Thủ tướng, Bộ GTVT đã phát đi thông điệp quyết tâm dán tem thu phí tự động trên 100% phương tiện xe cơ giới và năm 2019 sẽ thực hiện việc thu phí không dừng tại tất cả trạm thu phí đường bộ. Các nhà đầu tư chậm trễ sẽ bị kiến nghị dừng thu phí.
Đây được coi là biện pháp mạnh mà Bộ GTVT đưa ra để buộc các nhà đầu tư đẩy mạnh áp dụng công nghệ thu phí không dừng tại các trạm BOT.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM - cho biết quyết tâm của Bộ GTVT làm đúng tiến độ thu phí không dừng.
Để đảm bảo thực hiện chủ trương này, việc thanh toán qua trạm còn ít, ông Thư cho rằng có chế tài nếu chủ phương tiện xe không tự giác thanh toán khi qua trạm.
"Chế tài giống như thu thuế, thậm chí đưa ra mức phạt cụ thể là sẽ làm được ngay" - ông Thư nói.
Ông Thư đề xuất cần thêm nhiều ngân hàng tham gia thực hiện thu phí không dừng, đừng để một vài ngân hàng liên kết thực hiện như thu phí sinh viên hiện nay là không được…