Thời gian vừa qua, câu chuyện liên quan đến vấn đề thu phí tại Trạm thu phí cầu Bến Thủy (nối 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) vẫn luôn được dư luận quan tâm.
Theo phản ánh của người dân địa phương, mặc dù không đi vào đường BOT (tuyến đường tránh TP Vinh, tỉnh Nghệ An) nhưng họ vẫn phải "cõng" phí đường bộ qua 2 trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và 2. Điều đáng nói, hai trạm thu phí này chỉ cách nhau chưa đầy 2km.
Cho rằng phải “cõng” phí vô lý, nhiều lần người dân đã kiến nghị lên các cơ quan hữu trách để điều chỉnh việc thu phí tại 2 trạm nói trên. Sau một vài lần điều chỉnh, mức thu phí có giảm đối với một số loại phương tiện, nhưng điều đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người dân.
|
Người dân tập trung phản đối việc thu phí qua cầu Bến Thủy. |
Chính vì thế, để phản đối việc thu phí bất hợp lý, liên tiếp trong 2 ngày 3 – 4/12, nhiều người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã tập trung, căng băng rôn và đưa khoảng 50 ô tô kéo đến gần Trạm thu phí Bến Thủy 1, đoạn thuộc địa phận thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) chắn ngang đường, không cho các phương tiện qua lại.
Người dân “tuyên bố” sẽ đấu tranh tới cùng để đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình. Thậm chí, trước đó, họ từng nói rằng sẽ khởi kiện Tổng Cty XD Công trình giao thông 4 (Cienco 4) ra tòa vì vấn đề này.
Sự việc xảy ra đã khiến quốc lộ 1A ách tắc cục bộ. Công an huyện Nghi Xuân và các cơ quan chức năng đã tích cực vận động, tuyên truyền nên sau đó không lâu, giao thông qua đoạn đường này đã hoạt động trở lại bình thường.
|
Lực lượng chức năng tham gia điều tiết giao thông khu vực. |
Liên quan đến vấn đề thu phí tại 2 trạm nói trên, trước đó, tháng 12/2015, ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký công văn với nội dung đề nghị Tổng Cty Cienco 4 kiểm tra, xem xét điều chỉnh giảm mức phí đối với xe cộ của người dân sinh sống hai bên cầu Bến Thủy thuộc TP Vinh (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Theo ông Đường, mức thu phí như thông báo là quá cao, không phù hợp so với thu nhập của công chức và người lao động trong thời điểm hiện nay.
Tiếp đó, ngày 2/8/2016, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký Văn bản số 3621/UBND-XD gửi Bộ Tài chính đề nghị di dời trạm thu phí Bến Thuỷ 1 và 2 về vị trí phù hợp; đồng thời công văn cũng kiến nghị giảm mức thu phí từ 20 – 60% cho người dân, để phù hợp với thu nhập của người dân 2 bên cầu.
Tuy nhiên, trước kiến nghị của địa phương, giải thích cho việc thu phí tại Trạm thu phí Bến Thủy, Bộ GT-VT cho rằng 2 dự án BOT này có giá trị đầu tư rất lớn (hơn 2.800 tỷ đồng). Do đó, nếu chỉ đặt một trạm thu phí tại cầu Bến Thủy 2 sẽ không đảm bảo hiệu quả tài chính. Mặt khác, rất dễ xảy ra tình trạng phương tiện sẽ trốn trạm bằng cách đi qua cầu Bến Thủy 1.
Bên cạnh đó, xét đề xuất di dời địa điểm trạm thu phí, phía Cienco 4 cho rằng: Việc di dời hai trạm thu phí cầu Bến Thủy sẽ phá vỡ quy định khoảng cách giữa các trạm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án, khiến nhà đầu tư vay vốn từ ngân hàng tài trợ vốn chịu nhiều rủi ro...
Dân cứ kiến nghị, địa phương cứ đề xuất nhưng không được chấp thuận, trạm thu phí cứ lạnh lùng thu tiền của người dân năm này qua năm khác, dù không sử dụng dịch vụ giao thông của nhà đầu tư. Chính sự bất cập, bất công này đã khiến người dân cảm thấy bất bình.
Thiết nghĩ, một khi lợi ích của người dân được đặt lên hàng đầu; mọi ý kiến, nguyện vọng của người dân được các đơn vị, cơ quan hữu trách lưu tâm; quyền lợi hợp pháp của người dân được bảo vệ thì tất thảy mọi vấn đề đều không phải loay hoay tìm phương án giải quyết.