TP.HCM: Có tham nhũng trong quản lý xây dựng nhưng là “tham nhũng vặt“?

Google News

Ban Nội chính TP.HCM nhận định có tham nhũng trong quản lý trật tự xây dựng nhưng là "tham nhũng vặt".
 

Sáng 30/7, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị “Xây dựng đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM”.
Đánh giá về thực trạng tham nhũng trong công tác quản lý trật tự xây dựng, Ban Nội chính Thành ủy TP HCM nhận định: so với các lĩnh vực khác, thì tham nhũng trong lĩnh vực trật tự xây dựng có khuynh hướng mang tính “thụ động” nhiều hơn, nghĩa là phát hiện hành vi vi phạm nhưng không xử lý hoặc che dấu, không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; hoặc phát hiện nhưng xử lý hoặc báo cáo, đề xuất xử lý không tương xứng với hành vi vi phạm để được hưởng lợi vật chất từ người vi phạm; tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp cán bộ quản lý trật tự xây dựng chủ động gợi ý, nhũng nhiễu đối với các công trình đang xây dựng, dù là có vi phạm trật tự xây dựng hay không.
TP.HCM: Co tham nhung trong quan ly xay dung nhung la “tham nhung vat“?
Vụ xây dựng 100 căn biệt thự không phép ở quận 7 đến nay Thành phố vẫn chưa có hướng xử lý. 
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố 300 cán bộ, công chức thanh tra xây dựng bị xử lý kỷ luật cảnh cáo, cách chức hoặc buộc thôi việc, trong đó có một người bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, Ban Nội chính đánh giá hành vi tham nhũng trong lĩnh vực trật tự xây dựng rất khó phát hiện, vì về cơ bản cả người đưa và người nhận đều có lợi nên không ai phơi bày. “Chưa kể tham nhũng trong lĩnh vực này số tiền thường không lớn, đa số chỉ vài trăm ngàn hoặc vài triệu, hay còn gọi là “tham nhũng vặt”.
Thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tổng số công trình xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn là 2.573 trường hợp/3503 trường hợp xây dựng không phép, chiếm tỉ lệ 73,5% trên tổng số công trình xây dựng không phép; chiếm 37,6% trên tổng số công trình vi phạm trên địa bàn Thành phố. Các hành vi vi phạm phổ biến trong trường hợp này là xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được phép xây dựng.
Từ hiện trạng trên, Ban Nội chính đề xuất giải pháp chống “tham nhũng vặt” trong quản lý trật tự xây dựng gồm: tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối cới công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố; đồng thời, kiểm tra, giám sát các đơn vị trực thuộc có chức năng quản lý Nhà nước về Thanh tra xây dựng, triển khai và thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo này.
Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ đối với cán bộ, công chức, viên chức (không có chức danh quản lý) để phòng ngừa tham nhũng. Nghiên cứu các chương trình ứng dụng vào quản lý trật tư xây dựng tương tự như phần mềm (app) tiếp nhận thông tin về trật tự đô thị trên địa bàn quận Bình Thạnh.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu các cấp, các ngành, đơn vị và các địa phương tập trung đánh giá và nhận định đầy đủ về thực trạng công tác quản lý trật tự xây dựng, các khó khăn, giải quyết các vướng mắc để chấn chỉnh ngay công tác này trong thời gian tới với phương châm: “Phát hiện sớm, xử lý nhanh, ngăn chặn từ đầu, không để xây dựng sai phạm hoàn thành”.
Theo Phan Tư/Báo giao thông

>> xem thêm

Bình luận(0)