Tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài để khi dẫn độ có thể thoát án tử hình

Google News

Nhiều người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, biết một số nước có xu hướng yêu cầu cam kết không tuyên tử hình trong dẫn độ, nên bỏ trốn đến các quốc gia này.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ do Bộ Công an soạn thảo. Việc đề nghị xây dựng luật này được Bộ Công an trình Chính phủ hồi cuối tháng 9/2023.
Theo Bộ Công an, Luật Tương trợ tư pháp có hiệu lực từ ngày 1/7/2008 đã giúp hoạt động dẫn độ có nhiều chuyển biến, trừng trị nghiêm minh các đối tượng phạm tội. Tuy nhiên, sau hơn 15 năm thực hiện, luật này bộc lộ nhiều hạn chế.
Toi pham bo tron ra nuoc ngoai de khi dan do co the thoat an tu hinh
 Lực lượng Công an Việt Nam dẫn giải đối tượng truy nã từ nước ngoài về nước.
Theo đó, pháp luật Việt Nam đang có quy định hình phạt tử hình và không hạn chế việc dẫn độ đối với người có thể sẽ bị kết án tử hình.
Song một số quốc gia chỉ xem xét yêu cầu dẫn độ nếu Việt Nam cam kết không tử hình hoặc tuyên tử hình nhưng không thi hành hình phạt đối với người bị yêu cầu dẫn độ.
Bên cạnh đó, một số quốc gia (đặc biệt là một số nước châu Âu) không có hình phạt tử hình. Do đó, khi tiến hành xử lý các yêu cầu dẫn độ, những quốc gia này đều đề nghị Việt Nam cam kết không tuyên phạt tử hình hoặc tuyên án nhưng không thi hành đối với người phạm tội.
Bộ Công an đánh giá việc cam kết không áp dụng án tử hình như vậy là vấn đề rất lớn, phức tạp, chưa được quy định trong Luật Tương trợ tư pháp.
"Cũng cần lưu ý rằng nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nắm bắt được việc các quốc gia có xu hướng yêu cầu cam kết không tuyên hình phạt tử hình trong dẫn độ, đã bỏ trốn đến các quốc gia này và hy vọng rằng nếu bị dẫn độ về Việt Nam thì sẽ không bị tử hình", Bộ Công an nhìn nhận.
Vì vậy, nếu chính thức luật hóa quy định về việc cam kết không tuyên hình phạt tử hình trong dẫn độ thì phải được tiến hành thận trọng, chặt chẽ.
Ngoài ra, Bộ Công an cho rằng nếu quy định chính sách này vào Luật Dẫn độ thì cần cân nhắc áp dụng cả trong trường hợp Việt Nam là quốc gia được yêu cầu.
Cụ thể, nếu hình phạt có thể bị áp dụng đối với tội phạm bị yêu cầu dẫn độ tại quốc gia yêu cầu là hình phạt tử hình, nhưng hình phạt có thể bị áp dụng đối với tội phạm đó theo pháp luật Việt Nam không đến mức tử hình, thì căn cứ nguyên tắc áp dụng pháp luật có lợi cho người phạm tội trong chính sách hình sự của Việt Nam, cần yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cam kết không áp dụng hoặc áp dụng, nhưng không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ.
Trên cơ sở đó, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đưa ra cam kết không tuyên hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, chuyển thành hình phạt tù chung thân, nhưng không được giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp Việt Nam là quốc gia yêu cầu.
Bộ cũng đề xuất đưa ra cam kết không áp dụng hoặc áp dụng nhưng không thi hành án tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ trong trường hợp Việt Nam là quốc gia được yêu cầu. Quy trình đưa ra cam kết phải được quy định rất chặt chẽ, việc cam kết chỉ áp dụng trong trường hợp thật cần thiết.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hộp bánh trung thu chứa heroin và muôn kiểu ngụy trang ma túy của tội phạm:
 
Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)