Thông tin về tình hình tai nạn giao thông 7 ngày Tết Nguyên đán Canh tý 2020, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, toàn quốc xảy ra 198 vụ TNGT, làm chết 133 người, bị thương 174 người. Riêng ngày 29/1 (mùng 5 Tết), lực lượng chức năng trên cả nước ghi nhận 24 vụ tai nạn giao thông, làm 11 người tử vong và 25 nạn nhân bị thương
So với cùng kỳ 7 ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, TNGT giảm cả 3 tiêu chí. Cụ thể, giảm 24 vụ (10,8%), giảm 7 người chết (5%), giảm 38 người bị thương (17,9%).
Đáng chú ý, theo kết quả phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông trên cho thấy, chỉ có 4 vụ do lái xe vi phạm nồng độ cồn, chiếm 2% tổng số vụ tai nạn. Nguyên nhân chủ yếu do lái xe vi phạm phần đường 18,4%; vi phạm tốc độ 6,8%; còn lại đang điều tra chưa rõ nguyên nhân.
|
Trong số 198 vụ TNGT xảy ra trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán chỉ có 4 vụ do tài xế vi phạm nồng độ cồn. Ảnh minh họa. Nguồn Zing. |
Điều đó cho thấy, trong 7 ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương một phần lớn là do Nghị định số 100 của Chính phủ tăng mức xử phạt nồng độ cồn được áp dụng và thực hiện nghiêm, tạo nên nhiều chuyển biến tích cực.
Thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự ATGT dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và các Lễ hội đầu xuân 2020, lực lượng CSGT đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ, nhất là sau khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 có hiệu lực, đã huy động các lực lượng, tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn. Ngay trong ngày mùng 1 Tết, các địa phương vẫn tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đã góp phần tích cực, làm ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông dịp tết.
Theo đó, trong kỳ nghỉ Tết, lực lượng CSGT Công an các đơn vị, địa phương đã bố trí lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, xử lý 19.933 trường hợp vi phạm, phạt tiền 19,3 tỷ đồng, tạm giữ 179 ô tô, 2.651 mô tô, tước 2.688 giấy phép lái xe; so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, số vi phạm xử lý giảm 1.947 trường hợp, tiền phạt tăng 6,6 tỷ đồng (tăng 52%).
Đáng chú ý, các địa phương đã kiểm tra nồng độ cồn 35.822 trường hợp, phát hiện xử lý 3.194 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 8,9%). Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm cao là: Đắk Lắk 297 trường hợp, Thanh Hóa 238 trường hợp, Cà Mau 201 trường hợp, Bắc Giang 189 trường hợp, Trà Vinh 146 trường hợp, Đồng Nai 144 trường hợp, Bình Định 120 trường hợp, Lâm Đồng 115 trường hợp. Riêng Hà Nội xử lý 87 trường hợp và TP Hồ Chí Minh xử lý 35 trường hợp.
Trước đó, từ ngày mùng 1-20/1, CSGT trên toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 11.064 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 40 tỷ 564,3 triệu đồng.
Dù mới chỉ gần một tháng kể từ ngày có hiệu lực, Nghị định 100 đã phát huy hiệu quả rõ rệt khi tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến rất tích cực, tai nạn giao thông giảm nhiều khi các bộ, ngành, địa phương đồng loạt triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng người đã uống rượu bia lái xe.
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình vừa có công điện gửi các bộ, ngành liên quan, chủ tịch UBND kiêm trưởng Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Theo đó, để bảo đảm trật tự ATGT trong những ngày còn lại kỳ nghỉ tết Nguyên đán Canh Tý, đặc biệt là đảm bảo trật tự ATGT cho người dân trở lại thành phố sau kỳ nghỉ tết, Phó Thủ tướng yêu cầu huy động tối đa lực lượng công an, nòng cốt là cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng tập trung xử phạt hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, tốc độ, các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương, đặc biệt là các đài truyền hình, phát thanh, hệ thống truyền thanh quy định về trật tự an toàn giao thông: đã uống rượu bia không lái xe…
Trước đó, để phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 100 trong dịp Tết Canh Tý và các năm tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định số 100. Theo người đứng đầu Chính phủ, các quy định trên có tính phòng ngừa, cảnh báo giúp nâng cao nhận thức và giảm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng thực hiện nghiêm: "Đã uống rượu, bia - không lái xe"; trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương hành động.
Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 100; đặc biệt trong dịp cao điểm Tết Canh Tý và các lễ hội Xuân, duy trì thực hiện nghiêm trong năm 2020. Trong đó, lưu ý xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn đối với người lái xe và các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm minh, không nể nang, không có vùng cấm đối với các hành vi vi phạm, tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra việc can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến các hành vi tiêu cực trong thực thi công vụ.
Dư luận kỳ vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính Phủ, lãnh đạo các địa phương, sự chủ động tham mưu và huy động các lực lượng tổ chức triển khai thực hiện; liên tục ra quân mở cao điểm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn với mức phạt cao theo quy định tại Nghị định số 100/NĐ-CP của Chính phủ của lực lượng CSGT trên cả nước, tai nạn giao thông không chỉ kéo giảm trong dịp tết Nguyên đán mà còn ở thời gian tới.
>>> Mời độc giả xem video "Ma men" nhập viện giảm mạnh trong dịp Tết Nguyên đán: