Nghị định 100/2019/NĐ-CP vừa ban hành, tăng mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Đáng chú ý, mức phạt cao nhất lên tới 40 triệu đồng, tước GPLX 24 tháng đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn. Nghị định 100 mới có hiệu lực hơn 2 tuần nhưng đã cho thấy tác động rất lớn đến người tham gia giao thông, người kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Thượng tá Lê Đức Đoàn - cựu cán bộ CSGT Hà Nội, công dân ưu tú Thủ đô cho biết:
|
Nguyên thượng tá Lê Đức Đoàn, cựu CSGT Hà Nội, công dân ưu tú Thủ đô |
Từ trước đến nay, trong Luật Giao thông đường bộ đều quy định đã uống rượu bia thì không lái xe và luật cũng quy định cụ thể khung phạt cho từng mức độ vi phạm. Nghị định 100 chỉ là nhắc lại, cụ thể hóa hơn, tăng chế tài xử phạt đối với tài xế, người tham gia giao thông. Mục đích chính là hạn chế tác hại của rượu bia, ngăn chặn những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới rượu bia. Trong văn hóa người Việt Nam dịp Tết, lễ hội, ngày vui đều chúc tụng, mời là phải uống, không uống là không vui, không nhiệt tình. Tuy nhiên, sau những cuộc vui ấy, người tham gia giao thông không làm chủ được hành vi, gây ra những vụ tai nạn thương tâm. Thực tế đã chứng minh trong năm qua rất nhiều tai nạn thảm khốc khiến nhiều người thương vong trên cả nước. Tôi cho rằng, Nghị định mới, mức phạt mới là phù hợp, cần thiết với tình hình hiện tại.
Nghị định 100 mới thực thi được hơn 2 tuần, ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng tới người dân, xã hội?
Từ đầu năm 2020, tivi, báo đài hàng ngày đưa tin về công tác tuần tra, xử lý vi phạm, quán nhậu trên cả nước. Tất cả các tỉnh thành đồng loạt ra quân, phạt nghiêm vi phạm đã cho thấy sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an. Những ngày đầu, tài xế phản ứng, chống đối, thậm chí có cán bộ, đảng viên vi phạm gây khó khăn, xin bỏ qua vi phạm. Tuy nhiên, CSGT kiên quyết phạt nghiêm và bước đầu cho thấy tác động rõ rệt đến người dân. Ngay khu phố tôi sống, người dân truyền tai nhau mức phạt nặng, từ chối những cuộc nhậu nhiều hơn. Nhiều người muốn nhậu, gặp gỡ bạn bè, thường chọn cách vứt phương tiện giao thông của cá nhân ở nhà để gọi xe ôm, taxi. Trong khi đó, các nhà hàng nhất là quán hàng bán bia rượu vắng khách hơn, bớt nhộn nhịp mỗi dịp Tết đến xuân về. Tôi cho rằng, thời điểm đầu thực thi, nhà hàng quán nhậu ảnh hưởng nhất vì quán vắng khách, doanh thu giảm.
Ông đánh giá gì về khung phạt vi phạm nồng độ cồn đối hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn?
Cá nhân tôi thấy mức phạt rất nặng. Vì thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp, đặc biệt vùng nông thôn, miền núi. Mức phạt này có thể khiến tài xế mất cả vài tháng lương, bị tước GPLX và giam phương tiện trong thời gian dài, ảnh hưởng tới tài chính, thu nhập. Nhưng phạt nặng là cách nhanh nhất cách răn đe, tài xế sẽ không dám tái phạm. Tôi cho rằng quy định mới sẽ là tiền đề thay đổi nếp ăn nhậu, ý thức hơn khi tham gia giao thông. Người dân uống rượu bia sẽ có văn hóa hơn. Họ có thể đặt xe, gọi taxi đi nhậu và cách nhậu cũng văn minh hơn, không ép buộc, không quá đà. Tôi cho rằng, một thời gian sau thực thi Nghị định 100, Luật Phòng chống tác hại rượu bia, người Việt sẽ có thay đổi tích cực và tạo ra nét văn hóa giao thông mới.
Mức phạt cao, đồng nghĩa với lo ngại cán bộ tiêu cực, nhũng nhiễu hơn, ông nhìn nhận thế nào về ý kiến này?
Quy định mới được thực thi trên toàn quốc. Không chỉ người dân, mà các cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các ban ngành cũng bị xử phạt nghiêm, thậm chí bị kỷ luật. Điều này cho thấy quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Cục CSGT về xử phạt nghiêm vi phạm, ngăn chặn tai nạn giao thông. Do đó để chuẩn bị tốt trong quá trình tuần tra, xử lý vi phạm, lãnh đạo Bộ Công an cũng đã có những buổi tập huấn chi tiết tới cán bộ, chiến sỹ. Thông tư 67/2019/TT-BCA vừa ban hành cho phép người dân được ghi hình, ghi âm giám sát lực lượng tuần tra xử lý vi phạm, CSGT cũng được trang bị camera giám sát ghi hình quá trình xử lý vi phạm. Với nghiệp vụ được đào tạo vững chắc, kỷ luật nghiêm, tôi tin đồng đội, đồng nghiệp, chiến sỹ CSGT sẽ không dám đánh đổi để nhũng nhiễu, tiêu cực.
Sau hai tuần thực hiện Luật Phòng chống, tác hại của rượu bia và Nghị định 100 về xử phạt vi phạm giao thông, CSGT toàn quốc đã phát hiện xử lý 6.279 tài xế lái xe sau khi uống rượu, phạt tiền hơn 21 tỷ đồng.