Gần 20 ngày nay từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực đã tác động rất lớn đến người tham gia giao thông và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, quán nhậu.
Với mức phạt cao nhất lên tới 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe lên đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn, Nghị định 100 đã khiến bất kỳ người tham gia giao thông cũng phải thay đổi nhận thức, hành vi khi sử dụng rượu bia.
Cùng với đó, từ ngày Nghị định 100 được áp dụng trong xử phạt vi phạm nồng độ cồn, lực lượng CSGT trên cả nước đã lập nhiều chốt kiểm tra, xử lý nghiêm những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong người có nồng độ cồn. Không chỉ đối với người tham gia giao thông, có địa phương như Ninh Bình còn thành lập tổ công tác kiểm tra việc sử dụng rượu bia, nồng độ cồn đối với cán bộ, chiến sĩ công an tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.
"Đã uống rượu bia là không lái xe" từ một khẩu hiệu đã trở thành câu nói của nhiều người khi sử dụng rượu bia, tạo nên chuyển biến tích cực trong việc thay đổi hoàn toàn thói quen xấu xí của đa số người Việt trong việc lạm dụng quá nhiều bia rượu.
|
Nghị định 100 được áp dụng đã làm giảm đáng kể số vụ TNGT. Ảnh minh họa. |
Hiệu quả nhìn thấy của việc tăng nặng mức xử phạt nồng độ cồn một cách rõ ràng là tai nạn giao thông giảm sâu cả số vụ, số người bị chết, người bị thương.
Tại cuộc họp báo của Ủy ban ATGT quốc gia vào chiều 16/1, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an công bố số liệu cho thấy, từ ngày 1 đến 15/1, cả nước xảy ra 322 vụ tai nạn giao thông, làm 249 người chết, 158 người bị thương. So với 2 tuần trước khi Nghị định 100 có hiệu lực đã giảm 31 vụ (giảm 8,8%), giảm 38 người chết (giảm 13,2%), giảm 57 người bị thương (giảm 26,5%). Lực lượng chức năng đã xử phạt 6.279 người lái xe vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 21 tỷ đồng.
Mới đây, trong chỉ thị về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến rất tích cực, tai nạn giao thông giảm nhiều khi các bộ, ngành, địa phương đồng loạt triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng người đã uống rượu bia lái xe.
Đặc biệt, việc này nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước, điều đó cho thấy những quy định pháp luật hiện hành phù hợp với thực tiễn, đi vào cuộc sống và thể hiện tính răn đe, giáo dục. Việc này cũng góp phần giúp người dân thay đổi thói quen, dần hình thành văn hoá sử dụng rượu, bia lành mạnh, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông. Đó là những tín hiệu tích cực của Nghị định 100.
Bên cạnh đó, do tăng mức xử phạt nồng độ cồn đã làm ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh ăn uống, nhà hàng, quán nhậu, doanh thu giảm. Thực tế với mức xử phạt cao, người dân đã không còn chọn nhà hàng kinh doanh ăn uống là nơi để thường xuyên ăn nhậu, các quán rượu, bia, lượng người uống giảm đi đáng kể, nhất là dịp tết Nguyên đán cận kề, khi mà thời điểm được cho là mùa làm ăn của các cơ sở này. Dù buồn vì doanh thu giảm nhưng nhiều chủ cơ sở kinh doanh ăn uống bắt buộc phải lên phương án thích nghi để giữ khách, thậm chí nhiều nhà hàng, cơ sở ăn uống đã phải đưa khách và xe về tận nhà sau cuộc nhậu.
|
Nỗi buồn vắng khách của các chủ cơ sở kinh doanh ăn uống. Ảnh: PLO. |
Với chủ cơ sở kinh doanh ăn uống là một nỗi buồn nhưng lợi ích xã hội không chỉ nhìn từ góc độ kinh doanh ăn uống, lợi ích to lớn chính là việc tai nạn giao thông giảm, xã hội yên bình, gia đình hạnh phúc.
Thực tế kể từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, nhiều gia đình, bà vợ đã có những niềm vui to lớn khi chồng không tụ tập quán nhậu, không say xỉn khi về nhà, không đánh mắng vợ con, đập phá tài sản, xã hội không chỉ không có những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà cũng không còn những vụ án mạng thương tâm xuất phát từ người sử dụng rượu bia.
Bình luận trên mạng xã hội, nhiều độc giả nữ tỏ ra vô cùng vui mừng, phấn khởi và rất đồng thuận với việc tăng cao mức xử phạt nồng độ cồn.
"Từ ngày áp dụng nghị định 100, chồng tôi không còn tụ tập bạn bè đến mức say xỉn trước khi về nhà. Trước đây, có thời gian, anh ấy đi nhậu triền miên, về nhà trong trạng thái say xỉn, không chỉ nói lăng linh tinh mà còn cà khịa vợ con, thậm chí không chỉ chửi bới mà còn đánh đập vợ con vô cớ. Từ ngày giảm thiểu uống rượu bia, anh ấy về nhà đúng giờ, chăm lo cho vợ con. Bản thân tôi cũng không phải lo lắng chồng say xỉn rồi điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn cho người khác", độc giả Nguyễn Hoa vui mừng cho biết.
Ý kiến của độc giả này nhận được nhiều sự đồng tình của các độc giả nữ. Thậm chỉ nhiều người là nam giới từng là đệ tử của lưu linh cũng nhận thấy việc tăng mức xử phạt nồng độ cồn đã thay đổi cuộc sống của chính họ.
"Trước đây, tôi thường xuyên say xỉn vì công việc phải giao tiếp và cũng vì bản thân ham vui. Nhưng từ khi có Nghị định 100, đồng nghiệp, bạn bè cũng không dám tụ tập, thay vì đi nhậu, tôi dành thời gian tập luyện thể dục thể thao, chăm lo cho gia đình và tập trung vào công việc hơn. Do vậy, không chỉ sức khỏe được nâng cao, gia đình hạnh phúc mà công việc cũng thành công hơn", anh Trần Văn Tưởng cho biết.
Cuộc cách mạng nào cũng đều có mặt lợi và hại. Tuy nhiên trong cuộc cách mạng để giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu bia này, việc các nhà hàng bị ảnh hưởng chỉ là thiệt hại nhỏ so với lợi ích to lớn mang lại cho xã hội, đó là tình trạng tai nạn giao thông đã giảm đi đáng kể "không có vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan rượu bia. Trong khi dịp này những năm trước thường xảy ra những vụ lái xe uống rượu tông chết nhiều người". Đồng thời cho thấy, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và nghị định 100 đã đi vào cuộc sống, được người dân nghiêm túc thực thi theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
>>> Mời độc giả xem video Dân sợ nồng độ cồn, quán nhậu "đỏ mắt" chờ khách:
Để phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 100 trong dịp Tết Canh Tý và các năm tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định số 100.
Theo người đứng đầu Chính phủ, các quy định trên có tính phòng ngừa, cảnh báo giúp nâng cao nhận thức và giảm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng thực hiện nghiêm: "Đã uống rượu, bia - không lái xe"; trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương hành động.
Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 100; đặc biệt trong dịp cao điểm Tết Canh Tý và các lễ hội Xuân, duy trì thực hiện nghiêm trong năm 2020.
Trong đó, lưu ý xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn đối với người lái xe và các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm minh, không nể nang, không có vùng cấm đối với các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ công tác tuần tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân điển hình; phê bình, kỷ luật các tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy định.
Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra việc can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến các hành vi tiêu cực trong thực thi công vụ.