Trong chuyến công tác tại Hải Dương chiều 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương (phường Phạm Ngũ Lão, TP. Hải Dương).
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương hiện có hơn 200 cán bộ, nhân viên, thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy văn hóa, dạy nghề cho gần 477 trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người già cô đơn, người tâm thần…, trong đó có 327 trẻ em đang học văn hóa. Theo báo cáo, có khoảng 10% các em khi trưởng thành có thể tự lo cuộc sống cho mình.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với trẻ khuyết tật tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương - Ảnh: VGP
|
Tại Trung tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước là không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Bảo đảm an sinh xã hội là một tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển, với tinh thần "không có ai bị bỏ lại phía sau".
Hiện cả nước có khoảng 100 trung tâm bảo trợ xã hội, đang chăm lo cho khoảng 10.000 người. Thủ tướng đề nghị các cơ quan nghiên cứu, đánh giá toàn diện, cụ thể hơn về thực trạng trẻ em tự kỷ, khuyết tật bẩm sinh, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp phù hợp, trong đó có việc bố trí, sắp xếp các trung tâm bảo trợ thuận lợi nhất cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các em.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra cơ sở vật chất của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương - Ảnh: VGP
|
Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, rà soát các chính sách hiện hành, đề xuất các chính sách dành cho các trung tâm bảo trợ xã hội, điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho các đối tượng bảo trợ xã hội và cán bộ, nhân viên các trung tâm phù hợp điều kiện đất nước; Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, ban hành chương trình giảng dạy, sách giáo khoa phù hợp hơn với các đối tượng đặc thù.
Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Hải Dương, các cơ quan quan tâm, đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất cho trung tâm, nhất là nâng cấp khu vệ sinh để bảo đảm tốt hơn nữa điều kiện sinh hoạt, học tập của các đối tượng bảo trợ xã hội.
Nhấn mạnh đây là công việc khó khăn, đòi hỏi rất nhiều sự sẻ chia, lòng nhân ái, tình yêu thương, sự kiên trì, nhẫn nại, sự linh hoạt, nhạy bén, Thủ tướng mong các cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn tận tâm, làm hết trách nhiệm của mình, coi những người được chăm sóc tại đây như người thân trong gia đình, khuyến khích, tạo động lực, truyền cảm hứng để người khuyết tật, các em nhỏ chịu thiệt thòi luôn nỗ lực, cố gắng vươn lên.
Cán bộ, giáo viên, nhân viên tại trung tâm cần khắc phục khó khăn, làm việc bằng sự chân thành, chân tình, sẻ chia sâu sắc để bù đắp thiệt thòi cho những hoàn cảnh không may mắn.
Thủ tướng yêu cầu phải có chính sách, chế độ đặc thù, đặc biệt, phù hợp với những người làm công tác này, để họ gắn bó nhiều hơn nữa với công việc, với Trung tâm.
"Làm sao để bù đắp được càng nhiều càng tốt cho các cháu, những người chịu thiệt thòi, với tất cả tấm lòng, trái tim của mình, để họ được hưởng thụ thành quả phát triển của đất nước, tính ưu việt của chế độ chúng ta", Thủ tướng xúc động.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng kiểm tra các dự án trọng điểm