Thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế
Theo báo cáo của ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa to gây lũ lụt ở miền Trung tính đến 20h ngày 14/10/2016 như sau: 5 người chết (Quảng Bình 3 gồm ông Lê Văn Thân (SN 1968), ở thôn 7, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch; một người chưa rõ danh tính (70 tuổi), ở xã Quảng Long, thị xã Ba Đồn; một phụ nữ (chưa rõ danh tính), ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế 2), 4 người mất tích (Quảng Bình 4), 12 người bị thương (Quảng Trị 3, Huế 2, Quảng Bình 7).
Tính đến 6h ngày 15/10/2016, riêng tỉnh Quảng Bình hiện có 4 người mất tích gồm: ông Thái Xuân Năng (62 tuổi), ở thôn 3 Yên Thọ xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Ninh, anh Đinh Văn Xưởng (25 tuổi, quê quán xã Hóa Hợp, tạm trú tại bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa); Nguyễn Văn Phi (ở thôn Yên Tố, xã Phong Hoá, huyện Tuyên Hóa) và 1 người trôi qua xã Thuận Hoá, huyện Tuyên Hóa nhưng chưa rõ tung tích.
|
Mưa lũ đang hoành hành tại các tỉnh miền Trung. |
Thống kê của ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cũng cho biết, thiệt hại về nhà ở gồm bị sập 7 nhà, hư hại 764 nhà, bị ngập 27.184 nhà (trong đó Quảng Bình 26.920 nhà, Thừa Thiên Huế 186 nhà, Quảng Trị 78 nhà).
Thiệt hại về nông nghiệp: hầu hết tại các tỉnh đã thu hoạch lúa; 202 ha hoa màu, 42 ha cây lâu năm, 470 ha cây trồng hàng năm, cây ăn quả bị ảnh hưởng thiệt hại; 2.400 cây xanh đô thị bị đổ, gãy. 200m kênh mương, 200m bờ sông, 205m đường giao thông bị sạt lở.
Tình hình ngập lụt hiện nay, tại Hà Tĩnh: mưa lớn gậy ngập lụt 9 xã tại huyện Hương khê, 6 xã của huyện Cẩm Xuyên; 2 xã (Kỳ Thượng và Kỳ Lạc) tại huyện Kỳ Anh bị cô lập, phải di dời 29 hộ dân; nhiều tuyến đường tại thành phố Hà Tĩnh bị ngập gây cản trở giao thông.
Tại Quảng Bình: Đường Hồ Chí Minh nhánh đông đoạn K900-K911 (huyện Minh Hóa) bị ngập 0,8m; đường sắt Băc Nam qua xã Văn Hóa (huyệnTuyên Hóa) bị ngập; các tuyến đường quốc lộ: 9b, 15, 12A, tỉnh lộ 559, 559B, 561, 570B, 561 bị ngập sâu 0,5 – 0,8m gây ách tắc giao thông. Tại các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch nhiều vị trí nước ngập sâu từ 1m – 2,8m gây chia cắt nhiều địa bàn: đường vào bản đồng bào Rục, đường nối xã Tân Hóa và Minh Hóa, đường Hồ Chí Minh vào xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa); đường từ thị trấn Hoàn Lão đi các xã Hoàn Trạch, Vạn Trạch, Tây Trạch và đường từ trụ sở xã Cợ Nẫm đi các thôn Hà Môn, Mỹ Sơn (huyện Bố Trạch); đường liên xã Cảnh Hóa đi Phù Hóa (huyện Quảng Trạch). Đã thực hiện di dời 78 hộ (Quảng Trạch), 1.500 hộ (Bố Trạch) và 278 hộ (huyện Tuyên Hóa) đến nơi an toàn.
Tại Quảng Trị: Mưa lớn đã gây ngập lụt một số tuyến giao thông nông thôn gây chia cắt nhiều vùng trũng thấp của huyện Hải Lăng. Đến 20h ngày 14 mưa đã giảm, nước rút, giao thông cơ bản bình thường, trừ tại một số ngầm tràn.
Thừa Thiên Huế: mưa lớn từ đêm 13 đến sáng 14/10 đã gây ngập lụt một số tuyến đường tại thành phố Huế và huyện Phong Điền từ 0,2 – 0,3m; đến tối 14/10 nước đã rút, giao thông trở lại bình thường.
Các địa phương vẫn đang tích cực tìm kiếm người mất tích, chỉ đạo các lực lượng tiếp tục sẵn sàng ứng phó với diễn biến mưa lũ và khắc phục hậu quả.
Áp thấp nhiệt đới vừa suy yếu, bão mạnh lại hướng vào miền Trung
Liên quan đến áp thấp nhiệt đới, vào hồi 8 giờ ngày 14/10, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/ giờ). Áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa Đông Bắc đã gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9 trên Vịnh Bắc Bộ và vùng biển Quảng Trị - Quảng Ngãi. Trên đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; mưa to đến rất to từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Áp thấp nhiệt đới vừa suy yếu, thì mới đây theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, cơn bão với tên Sakira, với tâm bão giật cấp 14 - 15 đang di chuyển nhanh và có nguy cơ ảnh hưởng đến khu vực miền Trung. Cụ thể, vào hồi 7 giờ ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 124,3 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông (Philippin) khoảng 360km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135km/giờ), giật cấp 14-15.
|
Cơn bão số 7 với tên Sakira, với tâm bão giật cấp 14 - 15 đang di chuyển nhanh và có nguy cơ ảnh hưởng đến khu vực miền Trung.
|
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20km. Đến 07 giờ ngày 16/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 120,2 độ Kinh Đông, trên bờ biển phía Tây đảo Lu Dông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14-15.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, cách quần Đảo Hoàng Sa khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 15-16.
Do ảnh hưởng của bão, từ sáng sớm mai (16/10), vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15-16. Biển động dữ dội.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện lũ trên thượng lưu sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh, sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang xuống; hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông La và sông Cả (Nghệ An) đang lên. Mực nước lúc 7h ngày 15/10 trên một số sông như sau: Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ 15,5m, trên báo động (BĐ) 3 2,0m; tại Hòa Duyệt 9,34m, trên BĐ2 0,34m. Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm 11,05m, dưới BĐ2 0,45m. Sông Gianh tại Đồng Tâm 13,95m, trên BĐ2 1,95m; tại Mai Hóa 8,86m, trên BĐ3 2,36m; Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy 3,45m, trên BĐ3 0,75m.
Dự báo, lũ hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông Cả và sông La tiếp tục lên; thượng lưu sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố, sông Gianh, sông Kiến Giang tiếp tục xuống. Đến chiều tối nay (15/10), mực nước trên các sông có khả năng như sau: Sông Cả tại Nam Đàn lên mức 5,4m, ở mức BĐ1. Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ xuống mức 14,5m, trên BĐ3 1,0m; tại Hòa Duyệt lên mức 10,2m, dưới BĐ3 0,3m, sau xuống. Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm xuống dưới mức BĐ1. Sông La tại Linh Cảm lên mức 5,0m, trên BĐ1: 0,5m. Sông Gianh tại Mai Hóa xuống mức 6,0m, dưới BĐ3 0,5m. Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 3,0m, trên BĐ3 0,3m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập lụt nghiêm trọng tiếp tục diễn ra ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Tiếp tục triển khai các biện pháp đối phó ngập lụt
Để chủ động đối phó với mưa lũ ở Bắc Trung Bộ và diễn biến của bão Sarika, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 29/CĐ-TW ngày 14/10/2016 gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các Bộ, ngành. Ngay trong tối 14/10, Tổng cục Thủy lợi đã cử 02 đoàn công tác đi kiểm tra tình hình ứng phó mưa, lũ tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương theo dõi sát diễn biến mưa, lũ, bão, thường xuyên ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ và bão gần biển Đông, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo tới các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, triển khai các biện pháp kịp thời ứng phó (Hà Tĩnh, Quảng Bình đã có công điện chỉ đạo); các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa theo dõi diễn biến của bão Sarika để chuẩn bị các phương án ứng phó (Thái Bình đã có công điện chỉ đạo); thực hiện nghiêm túc Công điện số 29/CĐ-TW ngày 14/10/2016 của BCĐ TW PCTT.
Các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang có văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương chủ động ứng phó với các tình huống mưa, lũ, triều cường, tiếp tục thực hiện theo Công điện số 27/CĐ-TW ngày 12/10/2016 của BCĐ TW PCTT.
Để chủ động ứng phó mưa lũ, ở khu vực Bắc Trung Bộ: Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai lực lượng ứng phó. Sơ tán dân, bố trí hướng dẫn giao thông tại những khu vực thường xuyên bị ngập lụt; vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; các ngầm, tràn; các bến đò ngang, đò dọc. Kiểm tra an toàn các hồ chứa, các phương án đảm bảo an toàn hạ du; chuẩn bị phương án chỉ đạo điều hành trong trường hợp cần xả lũ khẩn cấp. Tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, huy động lực lượng khắc phục hậu quả.
Đối với bão gần Biển Đông: Họp Ban chỉ đạo TW PCTT vào 14h ngày 16/10 để triển khai các phương án ứng phó. Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, kiểm đếm tàu thuyền, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh, có kế hoạch sản xuất phù hợp. Duy trì phương tiện, lực lượng để sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Tổ chức triển khai thực hiện công điện số 29/CĐ-TW và tiếp tục thực hiện Công điện số 27/CĐ-TW của Ban Chỉ đạo TW về PCTT – Uỷ ban Quốc gia TKCN.