Trong báo cáo mới đây, Sở TNMT Hải Dương đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của chủ đầu tư dự án Nhà máy điện BOT Hải Dương khi thực hiện khu bãi thải xỉ thuộc dự án như sử dụng đất, thi công trên toàn bộ diện tích bãi thải xỉ, đưa bãi thải xỉ vào vận hành khi chưa có giấy phép xây dựng; thi công bãi thải xỉ trên cả phần diện tích 530.556m2 chưa hoàn thiện thủ tục về đất, chưa được Sở Tài nguyên Môi trường bàn giao đất trên thực địa; quá trình vận hành Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương phát sinh một số vấn đề về môi trường…
Dư luận đặt câu hỏi, với những hành vi vi phạm như trên, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Điện Lực Jacks Hải Dương sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
|
Toàn cảnh bãi thải xỉ, dự án Nhà máy điện BOT Hải Dương. |
Sẽ bị xử phạt hành chính
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, như thông tin trong báo cáo của Sở TNMT Hải Dương cho thấy, chủ đầu tư dự án có nhiều vi phạm.
Đối với hành vi thi công bãi thải xỉ trên cả phần diện tích chưa hoàn thiện thủ tục về đất, chưa được bàn giao đất trên thực địa, UBND tỉnh Hải Dương đã có quyết định cho thuê đất nhưng đến nay chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do đó, đến thời điểm hiện tại toàn bộ diện tích bãi thải xỉ chưa được bàn giao, chưa thuộc quyền sử dụng hợp pháp của chủ đầu tư mà chủ đầu tư này cố tình thi công xây dựng công trình trên đất là hành vi vi phạm.
Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hành vi lấn, chiếm đất theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Đối với việc thi công bãi thải xỉ trên cả phần diện tích 530.556m2 chưa hoàn thiện thủ tục về đất, chưa được Sở Tài nguyên Môi trường bàn giao đất trên thực địa. Quá trình thi công đã làm mất các mốc ranh giới được bàn giao, có dấu hiệu của việc diện tích thực tế thi công bãi thải xỉ đã vượt ra khỏi ranh giới quy hoạch được duyệt. Toàn bộ diện tích quy hoạch bãi thải xỉ chưa được Bộ NN&PTNT điều chỉnh ra khỏi hành lang thoát lũ khu vực nên đến nay dự án chưa có giấy phép xây dựng.
Nêu ý kiến về các hành vi trên, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, pháp luật đã quy định tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng tại dự án đầu tư xây dựng công trình có công trình, hạng mục công trình mà có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính.
Theo khoản 7, Điều Điều 15, Nghị định Số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng nêu rõ:
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt; b) Xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng; c) Xây dựng công trình sai cốt xây dựng; d) Xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống (trừ trường hợp xây dựng công trình để khắc phục những hiện tượng này)”.
Luật sư Hoàng Tùng cũng cho rằng, việc phát sinh một số vấn đề về môi trường khi vận hành nhà máy đã cho thấy vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Trong quá trình vận hành nhà máy, nước thải sinh hoạt và nước thải nhiễm dầu sau xử lý chưa đạt quy chuẩn môi trường cho phép. Tại công đoạn rót xỉ vào xe vận chuyển đã phát tán nhiều bụi ra môi trường, ở một số thời điểm, việc vận chuyển không được che chắn tốt, xỉ không được phun ẩm, để bụi phát tán khiến người dân phản ánh, làm ảnh hưởng đến người dân, môi trường.
Chủ đầu tư dự án không đảm bảo những yêu cầu quy định tại Điều 68 Luật bảo vệ môi trường năm 2014, mà gây ô nhiễm môi trường thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tùy thuộc vào mức độ, cũng như hành vi gây ô nhiễm môi trường thực tế, cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường có thể xử lý hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư này.
|
Luật sư Hoàng Tùng. |
Nêu hàng loạt sai phạm, Sở TNMT Hải Dương đề xuất xử lý thế nào?
Trước đó, báo cáo của Sở TNMT Hải Dương cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện khu bãi thải xỉ thuộc dự án Nhà máy điện BOT Hải Dương, chủ đầu tư là Công ty TNHH Điện Lực Jacks Hải Dương còn một số tồn tại, vi phạm trong lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản.
Cụ thể, công ty đã sử dụng đất, thi công trên toàn bộ diện tích bãi thải xỉ và đã đưa bãi thải xỉ vào vận hành từ cuối tháng 9/2020. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích quy hoạch bãi thải xỉ chưa được Bộ NN&PTNT điều chỉnh ra khỏi hành lang thoát lũ khu vực nên đến nay chưa có giấy phép xây dựng.
Chủ đầu tư và nhà thầu, đơn vị thi công trong quá trình thi công, vận hành bãi thải xỉ có nhiều sai phạm như thi công bãi thải xỉ trên cả phần diện tích 530.556m2 chưa hoàn thiện thủ tục về đất, chưa được Sở TNMT bàn giao đất trên thực địa.
Quá trình thi công đã làm mất các mốc ranh giới được bàn giao, có dấu hiệu của việc diện tích thực tế thi công bãi thải xỉ đã vượt ra khỏi ranh giới quy hoạch được duyệt. Một phần do địa hình phức tạp nên có vị trí thi công vượt cao độ được phép.
Thu hồi một phần đất phát sinh từ hoạt động thi công nhưng không đăng ký, chưa được UBND tỉnh Hải Dương cho phép, vận chuyển một phần đất đã thu hồi ra ngoài khi chưa được UBND tỉnh cho phép theo quy định của Luật khoáng sản. Quá trình vận hành Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương phát sinh một số vấn đề về môi trường.
Sở TNMT yêu cầu UBND thị xã Kinh Môn kiểm tra làm rõ mức độ các hành vi vi phạm về đất đai, môi trường khoáng sản của chủ đầu tư và đơn vị thi công, làm rõ khối lượng đất thu hồi phục vụ các hạng mục thi công tại bãi thải xỉ, xử lý vi phạm. Sở NN&PTNT làm rõ mức độ các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng, xử lý theo quy định pháp luật. Sở Xây dựng xem xét, tham mưu, chỉ đạo giải quyết việc xây dựng của chủ đầu tư, đơn vị thi công.
Đồng thời yêu cầu Công ty TNHH Điện Lực Jacks Hải Dương nghiêm túc rút kinh nghiệm do còn những tồn tại, vi phạm trong quá trình thi công, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, đánh giá mức độ, xử lý vi phạm…
Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương do Công ty TNHH Điện lực Jaks làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, xây dựng trên diện tích gần 200 ha tại xã Quang Thành (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Nhà máy có 2 tổ máy phát điện được đưa vào hoạt động phát điện thương mại với công suất phát điện 1120MW, sử dụng nguyên liệu đốt là than.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đến bao giờ nguồn nước sông Lừ mới hết ô nhiễm?:
Nguồn: Môi trường và Cuộc sống.