Thêm nhiều kỳ thi riêng, giảm tải hay tăng áp lực?

Google News

Theo các chuyên gia, việc thí sinh tham gia nhiều kỳ thi riêng đã gây lãng phí, tốn kém và tăng áp lực học tập, cơ quan quản cần phải xem xét việc này.

Học ngày học đêm cho kỳ thi riêng
Cho đến thời điểm này, đã có 70 trường đại học công bố đề án tuyển sinh. Bên cạnh việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ, năm nay có rất nhiều cơ sở giáo dục ĐH tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để tuyển sinh.
Một số cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi riêng có thể kể đến như: Đại học Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM…
Them nhieu ky thi rieng, giam tai hay tang ap luc?
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: Trần Hải. 
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc thí sinh tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy giúp tăng cơ hội xét tuyển đại học cho các em. Nhưng cùng với đó, việc tham gia quá nhiều kỳ thi sẽ lãng phí công sức, thời gian, và tăng thêm áp lực, khiến các em khó đạt được kết quả như ý.
Đại diện một số cơ sở giáo dục, như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra lời khuyên nhằm giảm bớt áp lực cho các em, như chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, không nên ôn luyện theo các trung tâm luyện thi, không nên tham dự quá nhiều kỳ thi… Tuy nhiên, nhiều thí sinh vẫn không muốn mình bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào.
Em Nguyễn Hồng Minh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, từ sau Tết, em hầu như không còn thời gian nghỉ ngơi. Cả tuần em học thêm kín lịch, có nhiều ca học tới 9h tối. Khi ngồi vào bàn tự học cũng phải 11h đêm. Nhiều đêm em phải học tới 1-2 giờ sáng. Hôm sau lại tiếp tục một guồng quay như vậy. Ngoài kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, Minh còn đăng ký thêm kỳ thi riêng của ĐH Sư phạm Hà Nội.
“Mẹ mua cho em rất nhiều thuốc bổ để uống, bản thân em thấy quá mệt mỏi, áp lực, nhưng vẫn không dám dừng lại. Vì biết rằng, các bạn cũng đang chạy đua như mình”, Hồng Minh cho hay.
Tâm sự của Hồng Minh cũng là nỗi niềm của rất nhiều thí sinh trong giai đoạn này. Nhiều giáo viên cho biết, học sinh của họ học ngày học đêm, chuẩn bị cho các kỳ thi đánh giá năng lực, không còn thời gian ôn tập môn thi tốt nghiệp THPT.
Không thể để quá nhiều kỳ thi riêng
Năm nay Trường ĐH Sư phạm Hà Nội lần đầu tiên tổ chức kỳ thi riêng.  GS.TS Nguyễn Văn Minh. Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm cho hay, việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực có thể xem là xu thế chung của nhiều trường hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên, không thể có quá nhiều các kỳ thi riêng. Thay vào đó, các trường đại học cần liên kết với nhau, tạo sự thống nhất chung trong xét tuyển. Khi đó, sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho thí sinh. Và không chỉ liên kết trong tuyển sinh, hiện nhiều trường còn công nhận tín chỉ, kết quả đào tạo của nhau.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, bản chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay là nhằm giảm tải gánh nặng thi cử. Và kết quả của kỳ thi có thể sử dụng với 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT cho học sinh; căn cứ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ tuyển sinh, tuy nhiên, việc cả trường tổ chức thêm các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy, trong khi vẫn tồn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT thì có làm mất đi tinh thần giảm tải hay không?
Theo ông Khuyến, đã có rất nhiều ý kiến về tính phân loại của Kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa cao, dẫn đến việc các trường tốp đầu phải tổ chức kỳ thi riêng nhằm chọn được những thí sinh chất lượng. Vấn đề là tổ chức như thế nào để tránh lãng phí, tốn kém, gây thêm áp lực cho thí sinh.
“Tại sao chúng ta không liên kết, tập hợp đội ngũ chuyên gia của các trường để tổ chức chung một kỳ thi”, ông Khuyến nêu vấn đề và cho hay các cơ quan quản lý, Bộ GD&ĐT cần phải xem xét, quản lý việc để có nhiều các kỳ thi riêng.
Theo ông Khuyến, để tổ chức một kỳ thi riêng rất tốn kém và không hề đơn giản. Nhiều trường cũng chỉ có thể tổ chức kỳ thi riêng như một tiêu chí phụ, ví dụ, thi năng khiếu… chứ không thể tổ chức thi các môn văn hóa. Ngoài ra, có được kỳ thi chất lượng, phải có đội ngũ chuyên gia rất am hiểu về đo lường, đánh giá trong ra đề thi. Điều này không dễ với nhiều cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các trường chuyên ngành, không có đủ giáo viên văn hóa.
Tương lai, chúng ta có thể học tập các nước, xây dựng những trung tâm khảo thí độc lập. Trung tâm này hoàn toàn có thể thay cho chức năng của kỳ thi tốt nghiệp trong việc xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Đây có thể xem như như một dịch vụ công ích, và tổ chức nhiều đợt trong năm. Bất cứ lúc nào học sinh kết thúc chương trình học hoặc cảm thấy kiến thức chắc chắn thì có thể thi.
Tuy nhiên, những trung tâm khảo thí này phải được cấp phép, chịu sự giám sát của quản lý nhà nước, ví dụ, Bộ GD&ĐT. Trong trường hợp không đảm bảo chất lượng thì sẽ bị rút giấy phép. Những trung tâm này cũng không thể “nở rộ”, mà chỉ số lượng ít, và thực sự uy tín, đủ điều kiện mới được cấp phép.

Theo thầy giáo Đinh Đức Hiền, Hệ thống giáo dục hocmai, tâm lý của thí sinh là lo lắng, muốn tăng cơ hội trúng tuyển, cho nên, dù có quyền chọn có hoặc không thi riêng, nhưng các em sẽ vẫn tham gia. Trong khi, đề thi của các kỳ thi riêng có cấu trúc và phạm vi kiến thức khác với đề thi tốt nghiệp THPT, nên thí sinh vẫn phải ôn tập riêng cho kỳ thi đánh giá năng lực này. Điều đó sẽ tăng thêm mệt mỏi, áp lực cho các em.

 
Mời quý độc giả xem video: "Kỳ thi đại học tại Trung Quốc khắc nghiệt nhất trên thế giới". Nguồn: VTV24.

Mai Nguyễn

>> xem thêm

Bình luận(0)