Ngày 3/11, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, cho biết sau 5 năm bỏ hoang, trạm thu phí BOT cầu Bình Triệu 2 (quận Thủ Đức) đã được tháo dỡ.
Theo đó, các trạm thu đoạn từ quốc lộ 13 đi cầu Bình Triệu 2 đã di dời, trả lại mặt đường thông thoáng cho xe qua lại. Hướng ngược lại, từ cầu Bình Triệu 1 về quận Thủ Đức, 3 trạm còn lại sẽ được dỡ bỏ vào cuối tuần này.
Trạm thu phí ngừng hoạt động và tồn tại trong 5 năm qua đã khiến tình trạng giao thông nơi đây thường xảy ra ùn tắc, dễ gây tai nạn. Theo ghi nhận, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra tại 2 khung giờ cao điểm từ 6-9h và 17-18h hàng ngày.
3 trạm BOT còn lại dự kiến sẽ được tháo dỡ trong tuần này. Ảnh: Thư Trần.
Ông Đường nhận định quốc lộ 13 đoạn qua cầu Bình Triệu 2 còn là một trong những tuyến đường có lưu lượng xe cộ qua lại rất cao, việc các trạm thu phí dừng hoạt động nằm giữa đường dẫn đến tình trạng ùn tắc liên tục xảy ra.
Dự án cầu đường Bình Triệu (giai đoạn 2) khởi công vào năm 2000, do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư. Sau 4 năm, dự án được bàn giao cho UBND TP.HCM.
Dự án BOT cầu đường Bình Triệu (giai đoạn 2) được TP.HCM ký kết với Tổng công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố năm 2018, có tổng vốn gần 2.300 tỷ đồng, kinh phí đền bù giải tỏa là hơn 1.360 tỷ đồng.
Vị trí chắn bởi trạm BOT trước đó đã thông thoáng. Ảnh: Thư Trần.
Chủ đầu tư đã hoàn thành thi công một nhánh cầu Ông Dầu trên quốc lộ 13 và chi một phần tiền đền bù giải tỏa đường Ung Văn Khiêm. Đến giữa nằm 2018, công trình thi công đạt 70% khối lượng xây lắp. Do vướng giải tỏa nên dự án đã dừng thi công. TP.HCM sẽ dùng ngân sách hoàn trả nhà đầu tư các khoản đã chi trong dự án khi đàm phán kết thúc hợp đồng BOT.
Hồi tháng 6, TP.HCM không tiếp tục làm dự án BOT nên Sở GTVT TP.HCM đã kiến nghị UBND thành phố thanh lý 2 trạm thu phí ở 2 đầu cầu Bình Triệu 1 và Bình Triệu 2.