|
Những người tham gia "Hội thánh đức chúa trời" đang rao giảng (Ảnh Công an huyện Ngọc Lặc) |
Tìm hiều được biết, "Hội thánh đức chúa trời” xuất hiện trên địa bàn huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) trong những năm gần đây, không ít trường hợp tham gia Hội đã tan cửa, nát nhà. Ban đầu, một số người lạ mặt đến từ các tỉnh khác về địa bàn huyện Ngọc Lặc thuê trọ ở nhà dân hoặc các nhà nghỉ bình dân.
Để thực hiện kế hoạch, những người này dùng xe máy đi bán hàng dạo nhưng thực chất là tiếp xúc với người dân, những gia đình đang khó khăn, hoạn nạn… để tuyên truyền, lôi kéo họ tham gia Hội với lý lẽ “thuyết phục” rằng nếu tham gia sẽ chữa khỏi mọi bệnh tật bằng cách uống nước thánh, có tương lai tươi sáng, cuộc sống có lối thoát, không phải làm gì cũng có tiền bạc, sống hạnh phúc, khi chết được lên thiên đàng…
|
Nhiều cuốn "Bài ca mới" không có xuất xứ, nguồn gốc được rao giảng cho những người tham gia "Hội thánh đức chúa trời" |
Hàng trăm người dân huyện Ngọc Lặc ở nhiều xã, thị trấn đã tham gia "Hội thánh đức chúa trời". Mỗi nhóm trưởng tổ chức một địa điểm là nơi các đối tượng thuê ở trọ. Trong các phòng được bố trí bàn ghế, bục rao giảng, loa đài, băng đĩa, micro, máy tính laptop. Người rao giảng mặc quần áo vest, dùng tài liệu là các quyển “Bài Ca Mới”, “Kinh Thánh” không rõ nguồn gốc xuất bản, người tham gia Hội mặc quần áo bình thường, trùm khăn màu trắng qua mặt. Mỗi tuần, tổ chức sinh hoạt vào tối thứ 3 và tối thứ 7.
|
Tài liệu của "Hội thánh đức chúa trời" không rõ nguồn gốc bị cơ quan Công an huyện Ngọc Lặc thu giữ |
Qua theo dõi của Công an huyện Ngọc Lặc, đối tượng tham gia có cả người già, trẻ em đi theo người lớn, sinh viên, công nhân, người nghỉ hưu thậm chí là có cả giáo viên… Từ tháng 11/2017 đến tháng 3/2018, Đội An ninh Công an huyện Ngọc Lặc đã lập biên bản 7 trường hợp.
Đơn cử vào ngày 28/11/2017, kiểm tra, lập biên bản vợ chồng Nguyễn Văn Tĩnh (25 tuổi) và Phạm Mai Phương (27 tuổi, cùng ngụ tại huyện Kiến An, Tp. Hải Phòng) đang tổ chức hoạt động tập trung đông người, rao giảng thứ tà đạo gọi là Hội thánh của đức chúa trời tại một ngôi nhà trọ ở phố Lê Đình Chinh, Thị trấn Ngọc Lặc; Ngày 20/3/2018, lập biên bản Nguyễn Văn Đông (25 tuổi, quê tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên nhưng đăng ký thường trú tại đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Trần Thị Huyền Trang (23 tuổi, ngụ tại huyện Lý Nhân, Hà Nam).
Trong đó, Trần Thị Huyền Trang trước khi tham gia và trở thành trưởng nhóm đi lôi kéo người dân thì đang là sinh viên của Khoa Quản lý đô thị, Trường Đại học kiến trúc Hà Nội. Tuy nhiên, Trang cũng đã bỏ việc học hành, lang thang đi rao giảng "Hội thánh đức chúa trời".
Kết quả theo dõi của Công an huyện Ngọc Lặc cũng cho thấy nhiều gia đình tan vỡ như trường hợp bà Nguyễn Thị H. (50 tuổi, ngụ tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc), từ khi đi theo Hội đã bỏ gia đình, không còn quan tâm đến chồng con, anh em họ hàng. Nhiều lần người thân trong gia đình động viên, thậm chí dùng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng bà H. đều tìm cách quay lại hội. Trường hợp bà Hà Thị T. (57 tuổi, ngụ tại xã Lam Sơn, huyện Ngọc Lặc), là cán bộ hưu trí nhưng sau khi bị lôi kéo theo Hội, giờ bà T. đã trở thành trưởng nhóm, tự đi lôi kéo, thuyết phục người khác tham gia và chính bà tổ chức rao giảng những điều về Hội.
Đại úy Đinh Văn Toàn - Đội phó Đội An ninh Công an huyện Ngọc Lặc, cho biết: “Những đối tượng chủ nhóm thường nói năng rất lưu loát, dễ nghe. Chúng lợi dụng những người dân ít hiểu biết, có hoàn cảnh khó khăn, nợ nần, bế tắc trong cuộc sống, bệnh tật… rồi cho họ biết là khi theo hội sẽ được uống nước thánh để chữa khỏi bệnh, có tương lai tươi sáng, không cần làm gì cũng có tiền bạc, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Khi xử lý các vụ việc, chúng tôi thu giữ được những quyển sổ ghi chép rất tỉ mỉ cho hàng tuần, hàng tháng kêu gọi được bao nhiêu thành viên, mỗi người kêu gọi được 1 thành viên mới sẽ được trả 50.000 đồng. Rồi cả kế hoạch sinh hoạt từng ngày như thế nào, địa điểm ở đâu”.
Thượng tá Triệu Văn Bình - Phó trưởng Công an huyện Ngọc Lặc cho hay, công an huyện chỉ dừng lại ở việc theo dõi, lập biên bản, thu giữ những vật dụng, tài liệu của những nhóm hoạt động trái pháp luật và sau đó đề nghị chính quyền địa phương trục xuất, cam kết với đối tượng không tiếp tục hoạt động chứ chưa có biện pháp mạnh hơn. Cũng chính vì thế, nhiều đối tượng sau khi lập biên bản lại tiếp tục quay lại hoạt động mà ngày càng ngang nhiên hơn.
“Chúng tôi cũng đã báo cáo những gì diễn ra trên địa bàn cho UBND huyện, Công an tỉnh Thanh Hóa để chính quyền các địa phương nắm được, đồng thời, có biện pháp tuyên truyền, vận động người dân hiểu đúng về tôn giáo, tín ngưỡng, không tham gia những hoạt động không lành mạnh”, thượng tá Bình cho biết thêm.