Đối với đội ngũ y, bác sỹ công tác tại các trại giam, hằng ngày tiếp xúc với phạm nhân, đủ loại bệnh tật, trong đó có nhiều căn bệnh nguy hiểm, như lao phổi, HIV... nhưng những chiến sĩ công an khoác trên mình tấm áo blouse trắng vẫn âm thầm sống chung với người bệnh, cùng với công tác giáo dục, họ đã mang ánh sáng mùa xuân đến với những phận đời le lói phía cuối đường hầm.
1. Trại giam số 3 (Tổng cục VIII - Bộ Công an), ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), cách đường mòn Hồ Chí Minh khoảng 5km. Nơi đây, được biết đến là địa điểm từng giam giữ, cải tạo những phạm nhân mang án cao, từ 10 năm đến chung thân, tử hình ân xá.
Đặc thù của đơn vị là chỉ giam giữ, cải tạo phạm nhân nam, không có phạm nhân nữ. Nhiều đối tượng trong một số vụ án chấn động xã hội một thời như Lê Văn Luyện trong vụ thảm án ở Bắc Giang; Nguyễn Văn Thúy (tức “cậu Thủy”) lừa đảo tìm mộ liệt sĩ hay không ít trùm ma túy “quy tụ” tại đây.
Với đặc thù như vậy nên cùng với công tác cảm hóa, giáo dục và hướng thiện cho phạm nhân, một trong những nhiệm vụ được Ban giám thị đặc biệt quan tâm, đó là công tác chăm sóc sức khỏe cho những phần đời lầm lỡ đang tìm lại con đường sáng sau vấp ngã tại đây. Số lượng phạm nhân mang các loại bệnh tật hiểm nghèo ngoài xã hội vào trại giam cũng rất nhiều, trong đó có những căn bệnh đặc biệt nguy hiểm như HIV, lao phổi kháng thuốc...
|
Thượng úy Cao Phương Loan đang khám cho phạm nhân tại Bệnh xá. |
Đối với những phạm nhân này, khi vào trại luôn có tư tưởng chống đối, trốn trại hoặc vi phạm nội quy, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Trung tá, bác sĩ Thái Duy Cử - Bệnh xá trưởng Bệnh xá Trại giam số 3 cho biết: Hằng năm, đội ngũ y, bác sĩ tại đây phải khám, điều trị sàng lọc cho hàng nghìn phạm nhân, với nhiều loại bệnh tật khác nhau.
Trong khi đó, khó khăn lớn nhất là đội ngũ y, bác sĩ mỏng, hiện Bệnh xá chỉ có 19 cán bộ, chiến sỹ, trong đó chỉ có 2 bác sỹ đa khoa, còn lại là y sỹ điều dưỡng. Bệnh xá có quy mô 21 giường bệnh nội trú, thế nhưng thực tế hằng ngày nơi đây luôn phải tiếp nhận, điều trị cho trên 30 phạm nhân, đó là chưa kể hàng trăm phạm nhân ngoại trú, thăm khám và lấy thuốc điều trị thường xuyên.
Dù vậy, với việc làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình, trong hàng chục năm qua, bác sỹ ở Trại giam số 3 được ví như những “thần y” bởi cùng lúc họ kiêm nhiệm rất nhiều việc, từ giáo dục, cải tạo đến bắt bệnh và điều trị cho hàng trăm thứ bệnh như viêm gan, dạ dày mãn tính, hen phế quản, thần kinh, huyết áp, tai biến, rối loạn tâm thần... Có bao nhiêu phạm nhân thì có bấy nhiêu thứ bệnh ở trên đời cần chữa trị.
Ở Trại giam số 3, khó khăn nhất trong khâu điều trị có lẽ là đối với tuyến bệnh nhân bị nhiễm HIV và bị lao phổi, trong đó do cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị đã lạc hậu nên công tác điều trị, cách ly đối với loại bệnh này gặp rất nhiều hạn chế. Đến nay, Bệnh xá Trại giam mới chỉ được Bệnh viện Lao phổi Trung ương cấp cho một máy X-quang di động theo chương trình phối hợp của Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an), trong khi có đến hàng trăm bệnh nhân bị mắc bệnh này.
Quá trình điều trị, có nhiều bệnh nhân không đáp ứng thuốc do không tuân thủ phác đồ điều trị, một phần do gia đình không quan tâm nên dẫn đến tình trạng lao kháng đa thuốc, rất nguy hiểm. Đối với những trường hợp này, cần phải cách li kịp thời, nếu không sẽ lây lan với tốc độ chóng mặt, không chỉ phạm nhân cùng buồng mà có nguy cơ còn lây lan đến cán bộ, chiến sỹ trong quá trình tiếp xúc.
Số liệu thống kê cho thấy, tại Bệnh xá Trại giam số 3, mỗi năm có ít nhất 70 trường hợp lao âm tính được phát hiện. Do số lượng bệnh nhân quá tải nên hằng năm, đơn vị phải phối hợp với Bệnh viện Lao phổi Nghệ An, để kịp thời xét nghiệm, cách li và điều trị cho số bệnh nhân vừa vào thụ án, bị nhiễm lao lại vừa bị HIV. Tính đến thời điểm hiện nay, đang có 142 phạm nhân vừa bị bệnh lao, vừa đang phải điều trị HIV bằng thuốc ARV, trong đó chỉ có 30 phạm nhân là được gia đình gửi vào, số còn lại đều do Trại giam số 3 cung cấp.
Thượng úy Cao Phương Loan (SN 1986), đã có thâm niên 11 năm làm điều dưỡng tại bệnh xá, tâm sự: Bản thân là cán bộ nữ nhưng lại làm việc trong môi trường chỉ toàn nam giới nên quá trình thăm khám, cấp phát thuốc điều trị cho phạm nhân hằng ngày cũng có những hạn chế nhất định. Thực tế cho thấy, ở ngoài xã hội thì bệnh nhân tìm đến với bác sĩ nhưng trong môi trường trại giam, bác sĩ lại đi tìm bệnh nhân, thậm chí năn nỉ để họ cho mình được khám chữa bệnh. Đó là một nghịch lý, nhưng không vì thế mà đội ngũ y, bác sỹ tại đây lại thiếu tâm huyết với nghề mà ngược lại, họ luôn trăn trở với từng mức độ bệnh tật của phạm nhân, trong từng bữa ăn, giấc ngủ.
|
Nhà điều trị nội trú của Bệnh xá Trại giam số 3. |
“Thông thường, một người phạm tội khi vào trại giam để thụ án, rất ít người đã biết là mình bị nhiễm các loại bệnh tật hiểm nghèo. Bởi vậy, khi có kết quả xét nghiệm, nhất là đối với bệnh HIV, chúng tôi phải trăn trở rất nhiều, báo tin theo cách nào để phạm nhân đón nhận mà không bị sốc về tâm lý mà ngược lại, giúp họ đón nhận một cách nhẹ nhàng luôn là điều không hề dễ dàng”, Thượng úy Loan chia sẻ.
Bắt đầu từ cuối năm 2012, bệnh nhân bị nhiễm HIV tại Trại giam số 3 được triển khai uống ARV, với 21 phạm nhân đầu tiên. Cũng bắt đầu từ đây, những người làm công tác ở bệnh xá của đơn vị mới bớt đi nỗi đau khi chứng kiến bệnh nhân của mình vật vã lìa trần trong bất lực khi vướng vào căn bệnh thế kỷ này. Thực tế cho thấy, từ khi điều trị bằng ARV, chưa có thêm bệnh nhân nào tử vong vì HIV, điều đặc biệt hơn là tất cả phạm nhân mắc phải căn bệnh này đều có đơn xin tình nguyện uống thuốc này của trại giam.
2. Trong quá trình khám, điều trị bệnh tật cho phạm nhân ở Bệnh xá Trại giam, chuyện phạm nhân khi phát hiện bệnh tật hiểm nguy, đã chống đối quyết liệt, gây khó khăn cho những người làm công tác này, là chuyện thường ngày vẫn xảy ra. Bệnh nhân là phạm nhân rất đặc thù, có những người có bệnh thật thì không thừa nhận là mình mang bệnh, nhưng cũng nhiều phạm nhân dù không có bệnh tật song lười lao động, có tư tưởng chống đối nên đã tự nghĩ ra các loại bệnh để đối phó với cán bộ, hoặc để được vào bệnh xá nằm.
Câu chuyện của phạm nhân Nguyễn Mạnh Đồng (SN 1986, quê quán tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), là một ví dụ điển hình.
Quá trình thụ án, phạm nhân Đồng thường xuyên bị tức ngực, chóng mặt, mặc dù đã khám chữa tại bệnh xá nhưng không đỡ. Đến lúc đưa người này đến Bệnh viện Lao phổi Nghệ An phát hiện lao kháng thuốc. Trong một vài ngày đầu phạm nhân này còn chịu khó uống thuốc, sau nhận thấy sự nguy hiểm của căn bệnh này, xác định trước sau gì cũng chết nên kiên quyết cự tuyệt.
Đến lúc Ban giám thị vào tận giường bệnh để động viên, phân tích cho phạm nhân này hiểu ra rằng, bản thân mình chưa chết nhưng nếu không uống thuốc sẽ lây cho người khác trong trại giam, về nhà sẽ lây lan cho người thân, gia đình và cộng đồng... thì phạm nhân Đồng mới chịu tiếp tục điều trị. Đến nay, sức khỏe của phạm nhân này đã ổn định trở lại, có thể tham gia lao động, cải tạo bình thường cùng với những phạm nhân khác.
Ngoài lao phổi, HIV, trong trại giam, có một loại bệnh khiến đội ngũ y bác sĩ rất “ngán” điều trị, đó là rối loạn tâm thần. Phạm nhân mắc phải loại bệnh này cũng rất đa dạng, thậm chí có cả những trường hợp chống đối, lười lao động cũng nghĩ cách hóa điên, hóa ngây ngô để được vào bệnh xá nằm. Đối với thể loại “bệnh” này, Ban giám thị đã có “phác đồ” điều trị riêng, nên không khó để bóc mẽ được chân tướng. Tuy nhiên, với bệnh nhân bị loạn thần thật thì quá trình từ tiếp xúc đến điều trị luôn khó khăn vô cùng.
|
Phạm nhân ốm được bác sĩ trại giam cấp phát thuốc điều trị. |
Phạm nhân Nguyễn Văn Cường (SN 1979, trú tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), đang thụ án về tội danh giết người, nạn nhân không ai khác chính là bố đẻ của anh ta, được xác định là người có thần kinh không ổn định. Bình thường, phạm nhân Cường rất tốt, song hễ cứ trái gió trở trời là phạm nhân này lại lên cơn động kinh, tìm đủ mọi cách để phá phách đồ đạc, thậm chí gây sự đánh phạm nhân xung quanh.
Đã vậy, trong suốt thời gian dài, phạm nhân này không có ai thăm nuôi càng khiến tâm lí thêm phần ức chế, đến độ khẩu phần ăn hằng ngày phát cho, Cường không ăn vội mà bỏ vào túi nilon “để dành”, sau đó nằm trên đất ăn bốc.
Để giúp phạm nhân Nguyễn Văn Cường, cũng là cách cảm hóa những trường hợp tương tự, các y, bác sỹ của Bệnh xá Trại giam số 3, ngoài việc động viên về tinh thần, thường xuyên bỏ tiền túi ra để mua cho họ hộp sữa, cân đường, hoặc thùng mì tôm. Những việc làm này tuy nhỏ, nhưng có sức cảm hóa trong cả nhận thức của những cái đầu tưởng như vô thức.
Thượng úy Cao Phương Loan nhớ lại, sau nhiều năm thụ án, phạm nhân Cường được đặc xá trở về. Không chỉ trút bỏ gánh nặng bản án, lúc này trí tuệ Cường cũng đã tỉnh táo hơn trước rất nhiều. Khi chị dúi vào tay Cường số tiền 200 ngàn làm lộ phí, anh này đã cầm tay cán bộ rưng rưng nước mắt: “Cán bộ đã không coi chúng tôi là phạm nhân mà như những người thân thực sự. Ơn này, nhất định không bao giờ quên”.
Chứng thực cho lời hứa ấy, là Cường đã trở về xã hội, hoàn lương và trở thành người công dân có ích, thường xuyên giữ liên hệ với cán bộ Trại giam số 3 để tri ân, thăm hỏi vào các ngày lễ, tết như tình thân thực thụ.
3. Đối với những người làm công tác chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân ở các trại giam nói chung và Trại giam số 3 nói riêng, ngoài việc âm thầm hi sinh, lặng lẽ cống hiến, họ còn có niềm vui nhỏ nhoi khác, ấy là khi phát hiện được bệnh, điều trị mà phạm nhân hợp tác, cùng chữa bệnh với mình. Tuy vậy, chuyện về những lần bị phạm nhân chống đối, thậm chí đe dọa, cắt ven để tạo áp lực đối với nhân viên y tế hoặc dùng kim tiêm dính máu nhiễm HIV để khống chế, yêu sách cũng không phải là ít.
Ở Trại giam số 3, đã có rất nhiều y, bác sỹ phải điều trị phơi nhiễm HIV, đã có lần những chiến sỹ mặc áo blouse trắng này trở thành con tin bất đắc dĩ. Mặc dù phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy nhưng không vì thế mà những cán bộ, chiến sỹ mặc áo blouse trắng nơi đây lại chùn bước. Ngược lại, ngoài hậu phương vững chắc là gia đình, người thân hiểu và chia sẻ, đôi khi nhìn những phạm nhân chiến thắng bệnh tật, sống khỏe và yêu đời trở lại, lương tâm nghề nghiệp của những người bác sĩ trại giam lại như trút bỏ hết mọi muộn phiền.
Trung úy Nguyễn Văn Dương, một trong những y sỹ trẻ ở Bệnh xá Trại giam số 3 chia sẻ, thời gian đầu, do chưa thấu hiểu hết đặc thù nghề nghiệp nên khi nghe bảo làm ở bệnh xá trại giam, nhiều người rất dè chừng, kể cả bố mẹ.
Thậm chí, những ngày mới về công tác, Dương tính chuyện xây dựng gia đình, nhưng một vài cô gái đến với anh, sau khi tìm hiểu, biết anh thường xuyên tiếp xúc với phạm nhân, lại mắc trọng bệnh thì các cô đã lặng lẽ rời xa không lời từ biệt. Đó chỉ là chuyện của những ngày đầu mới vào nghề, bởi giờ đã có người con gái hiểu và chia sẻ cho đặc thù nghề nghiệp của anh, hiện anh cũng đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc.
Trung tá, bác sĩ Thái Duy Cử cho biết thêm: Rất nhiều phạm nhân là bệnh nhân, ra tù vào tội thường xuyên nên khi bị án cao, lại mắc trọng bệnh nên gia đình bỏ rơi, phó mặc cho trại giam, từ khâu chăm sóc đến giáo dục, cải tạo. Cũng không biết bao nhiêu lần, các y bác sỹ tại bệnh xá trại giam, đã phải đau đớn chứng kiến giây phút cuối đời cô đơn, tủi phận của những phận người bệnh tật, tù tội này.