Chốt tăng 6,5% lương tối thiểu vùng năm 2018

Google News

Sáng 7/8, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5%.

Theo đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, sau khi tranh luận và bỏ phiếu thì mức tăng được chốt là 6,5%. Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ làm báo cáo gửi Thủ tướng xem xét và ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 thời gian tới.
Trước đó, trong phiên họp thứ nhất ngày 26/7 tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) đề xuất mức 13,3% và VCCI đề xuất không tăng.
Tại cuộc họp lần 2, hôm 28/7 tại Hà Nội, mức đề xuất đã thu hẹp lại với 3%. Tổng LĐLĐ VN đề xuất tăng 8% và VCCI đề xuất tăng 5%.
Về mức tăng đề xuất 13,3% để nhằm chấm dứt lộ trình tiền lương tối thiểu phải chạy đuổi theo mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người lao động và doanh nghiệp phía đại diện người lao động đã đưa ra mức 8%.
Chot tang 6,5% luong toi thieu vung nam 2018
Mức tăng 6,5% lương tối thiểu vùng đã được các bên thống nhất.
Đại diện chủ sử dụng lao động VCCI cho rằng quyết định tăng lương tối thiểu ở mức trên dựa vào năng suất lao động thực tế, chỉ số CPI và chất lượng việc làm, khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Trong điều kiện hiện nay, khả năng của doanh nghiệp đã được cải thiện nhưng phần lớn vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng đông lao động trong ngành dệt may, da giày, thuỷ sản và lắp ráp điện tử...
Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng như sau: Mức 3.750.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I. Mức 3.320.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
Mức 2.900.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III. Mức 2.580.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Đối tượng áp dụng là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động. Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Theo Minh Anh/Gia đình Xã hội

>> xem thêm

Bình luận(0)