Phạm nhân nữ gặp chồng có thai vẫn phải chấp nhận?

Google News

Dự thảo quy định phạm nhân nữ được phép gặp chồng tại phòng riêng mang tính nhân đạo, nhưng không ít ý kiến tranh luận nếu họ lỡ mang thai thì xử sao?

Vừa qua, Bộ Công an công bố dự thảo thông tư (nếu được thông qua sẽ thay thế thông tư 46/2011) quy định việc phạm nhân gặp thân nhân, gửi thư, nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân.
Trong đó, khoản 3 điều 5 dự thảo việc phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng nhưng phải cam kết không được có thai.
Pham nhan nu gap chong co thai van phai chap nhan
Các phạm nhân và thân nhân trong phòng thăm gặp, trại giam Thủ Đức - Ảnh: Văn Diện 
Nhiều người tỏ ra nghi ngờ việc buộc nữ phạm nhân cam kết không được có thai. “Vợ chồng tôi kỹ lắm mà còn bị “vỡ kế hoạch”. Vậy trường hợp phạm nhân nữ cũng “vỡ kế hoạch” thì sao, giải quyết như thế nào?” - anh Tuấn Kiệt (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) thắc mắc.
Bên cạnh đó, một vấn đề cũng được nhiều người quan tâm đó là liệu việc gặp chồng, có vô tình tiếp tay để một số nữ phạm nhân cố tình mang thai nhằm được giảm án tù hay không?
Nhiều tranh luận
“Nếu chẳng may phạm nhân nữ có thai, sinh ra đứa bé ở trong tù, môi trường thiếu thốn trong tù liệu có tốt cho việc nuôi dưỡng và giáo dục một đứa trẻ? Hơn nữa sau này khi lớn lên liệu em bé có mặc cảm về tuổi thơ của mình không?”, bạn đọc Nguyễn Kiên Trung nói.
Một số ý kiến khác cho rằng không thể cấm hoàn toàn được việc nữ phạm nhân có thai, nếu đã cấm thì phải cấm luôn việc được gặp chồng.
Ở một chiều hướng khác, nhiều người lại cho rằng việc cho phép gặp chồng sẽ giúp nữ phạm nhân cân bằng được tâm lý, hơn thế nữa có tác dụng khuyến khích họ tích cực cải tạo, chấp hành nội quy.
Bạn đọc Duy Tiến nói: “Chuyện gíáo dục phạm nhân vẫn diễn ra hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Việc cho họ gần chồng 1 tháng/lần chẳng ảnh hưởng gì tới vấn đề giáo dục trái lại còn khuyến khích họ cố gắng cải tạo cho tốt. Chỉ có điều cơ quan chức năng phải có cách để tránh cho họ mang thai khi gần chồng”.
“Chỉ có tình người mới đẩy lùi được tội ác”
Theo tiến sĩ (TS) Xã hội học Phạm Thị Thúy, xét trên khía cạnh tâm lý, tình cảm vợ chồng cùng mong muốn được trở về với gia đình có tác dụng cổ vũ rất lớn, sẽ khuyến khích phạm nhân cải tạo tốt, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng, nhanh chóng trở lại con đường làm người lương thiện.
“Chỉ có tình người mới đẩy lùi được tội ác. Nếu phạm nhân không được yêu thương, nếu họ phải sống trong tình cảnh cô đơn, thiếu thốn tình cảm, họ sẽ trở nên cằn cỗi, bất cần và khi mãn hạn tù sẽ khó tái hòa nhập với xã hội, dễ quay trở lại con đường tội ác.
Do vậy, việc quan tâm, chăm sóc đến đời sống tình cảm của phạm nhân, ở đây là việc cho phép nữ phạm nhân gặp chồng góp phần giúp xã hội nhân văn hơn, giảm bớt cái xấu, cái ác”, bà Phạm Thị Thúy phân tích.
Pham nhan nu gap chong co thai van phai chap nhan-Hinh-2
Nữ phạm nhân này luôn rơi nước mắt khi nói về con trai mình - Ảnh: Văn Diện 
Tuy vậy bà Thúy cũng thừa nhận việc “lỡ” có thai là một hậu quả khó tránh khỏi khi cho phạm nhân nữ gặp chồng.

"Quyền làm mẹ nên được giải quyết như thế nào khi phạm nhân đã bị tước đi quyền công dân? Nếu lỡ có thai thì vấn đề bảo vệ sức khỏe bà mẹ và đứa bé ra sao? Sinh con trong tù có được không hay nên cho phạm nhân ra ngoài sinh con rồi sau đó quay lại nhà tù? Như vậy có đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật không? Đây là những vấn đề cần suy xét tới" - ông Phùng Trung Tập, giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội nêu.

Buộc phải chấp nhận khả năng có thai?
Theo luật sư (LS) Bùi Quang Nghiêm - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, muốn tổ chức một mô hình “buồng hạnh phúc” cho phạm nhân mà lại không cho phép vợ chồng gần gũi là không khả thi.
“Quan điểm của tôi là ủng hộ dự thảo này, nhưng theo tôi cần chuẩn bị rất kĩ trước mọi tình huống có thể xảy ra nếu cho phép phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng. Nếu có hậu quả thì xã hội vẫn buộc phải chấp nhận và phải có các phương án đối phó với tình huống ấy”, LS Nghiêm nêu ý kiến.
Đồng tính với ý kiến trên, PGS.TS Phùng Trung Tập, giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội nhận xét dự thảo trên nhìn chung đề cao tinh thần nhân đạo, nhưng còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết trước khi được thông qua và đưa vào thực tiễn.
“Theo tôi, nếu đưa vào thực tiễn cần xét đến từng cá nhân, từng trường hợp, và nếu đã cho phép được gặp chồng thì có thể không nên buộc họ phải tránh thai bởi việc này là không khả thi. Ví dụ như đối với những phạm nhân có án phạt lâu, tuổi đời đã cao mà vẫn chưa có con thì việc bắt họ tránh thai có còn mang tính nhân văn không?”, ông Tập nêu.
Có nên châm chước cho mang thai?
Một khía cạnh được nhiều người quan tâm đó là trong trường hợp nữ phạm nhân có chồng nhưng chưa có con, khi mãn hạn tù đã qua độ tuổi sinh sản nên tỉ lệ mang thai thành công thấp, vậy có nên châm chước cho họ mang thai trong tù không?
Theo chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, phụ nữ có con trong độ tuổi sinh sản là lý tưởng nhất, nhưng nếu họ đang chịu án tù thì nên chấp nhận chịu thiệt thòi chứ không nên mang thai khi đang ở trong tù.
>>> Mời quý độc giả xem video Những vụ trộm táo tợn (nguồn Kiến thức ):
Theo Võ Hương-Mai Nguyễn/Tuổi Trẻ

Bình luận(0)