Sửa điều lệ Đảng hay không, do Đại hội XIII quyết định

Google News

Trả lời câu hỏi, Đại hội XIII sẽ xem xét vấn đề sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng hay giữ như hiện hành, ông Mai Văn Chính nói rằng, việc có sửa Điều lệ Đảng hay không sẽ do Đại hội Đảng XIII quyết định

Sửa điều lệ Đảng hay không, do Đại hội quyết định
Tại cuộc họp báo thông tin về Đại hội XIII của Đảng chiều 22/1, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết, Ban chấp hành Trung ương khóa XIII dự kiến có 200 người, trong đó 180 Uỷ viên chính thức và 20 Uỷ viên dự khuyết.
“Đến nay, các cấp có thẩm quyền đã chuẩn bị số dư bầu cử Ban chấp hành Trung ương khóa mới từ 10-15%. Tới đây, ra Đại hội, các đại biểu có thể đề cử, giới thiệu thêm trên cơ sở đảm bảo số dư không quá 30%" - Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói.
Sua dieu le Dang hay khong, do Dai hoi XIII quyet dinh
Quang cảnh buổi họp báo. 
Trong danh sách đề cử, Trung ương khóa XII đã giới thiệu một số Uỷ viên Trung ương khóa XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XIII và một số nhân sự lần đầu thuộc trường hợp "đặc biệt" tham gia Ủy viên Trung ương chính thức. Trung ương khóa XII cũng đã thông qua nhân sự là Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XIII và danh sách đề cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ khoá XIII.
Trả lời báo chí về chuẩn bị công tác nhân sự Đại hội lần này, Phó ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính khẳng định công tác chuẩn bị nhân sự có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do vậy, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư quan tâm chuẩn bị ngay từ đầu nhiệm kỳ.
“Công tác chuẩn bị nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương lần này được chỉ đạo chặt chẽ, đảm bảo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, được thực hiện khoa học, bài bản, theo hướng làm từng bước, từng việc, làm thận trọng, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó” - ông Mai Văn Chính nhấn mạnh.
Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, công tác nhân sự lần này thực hiện có hiệu quả quan điểm và xử lý hài hòa, hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa tính phổ biến và đặc thù; giữa tính chuyên môn đào tạo và sở trường, giữa kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển, đảm bảo phù hợp cơ cấu theo địa bàn, lĩnh vực công tác nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Các nhân sự đều được thẩm định chặt chẽ qua nhiều cơ quan có liên quan, kiên quyết không để lọt người không đủ tiêu chuẩn vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhưng cũng không bỏ sót người có đức, có tài.
Nói về điểm mới trong quy trình công tác nhân sự, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết điểm mới là được tiến hành 5 bước thay vì 3 bước như trước đây, vì thế chặt chẽ, dân chủ hơn. Các nhân sự được cụ thể hóa cho từng nhóm tái cử và tham gia lần đầu với định hướng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải đảm bảo chất lượng và số lượng, có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ.
Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã “cân nhắc thận trọng, tổng thể, theo quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng, khách quan để lựa chọn một số nhân sự trường hợp đặc biệt cả tái ứng cử và giới thiệu lần đầu để trình Đại hội XIII xem xét, quyết định".
Trả lời câu hỏi, theo chương trình dự kiến, Đại hội XIII sẽ xem xét vấn đề sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng hay giữ như hiện hành, ông Mai Văn Chính nói rằng, việc có sửa Điều lệ Đảng hay không sẽ do Đại hội Đảng XIII quyết định.
Thông báo danh sách trường hợp đặc biệt vào thời điểm thích hợp
Nói thêm về công tác nhân sự, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, công tác chuẩn bị nhân sự cho khóa mới được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm rất thận trọng, chặt chẽ, khoa học và đạt sự thống nhất cao.
Đó là vừa kế thừa kinh nghiệm quý báu và cách làm hiệu quả của các kỳ Đại hội trước, vừa bổ sung một số biện pháp phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Trung ương chuẩn bị cho các nhóm đối tượng rất chặt chẽ. Theo đó, nhóm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương làm trước, tái cử làm trước, ứng cử lần đầu làm sau. Sau đó mới đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư và vẫn làm các trường hợp tái cử trước, ứng cử lần đầu sau. Cuối cùng là đến lãnh đạo chủ chốt và các trường hợp đặc biệt.
“Còn cụ thể như thế nào, danh sách đó là ai, chúng tôi sẽ thông báo đến báo chí vào thời điểm thích hợp" - ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Sua dieu le Dang hay khong, do Dai hoi XIII quyet dinh-Hinh-2
 Các phóng viên tại buổi họp báo.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25/1 - 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước.
Thông tin tại họp báo, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết, tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước, tăng gần 80 đại biểu so với Đại hội XII, đông nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Trong đó, đại biểu đương nhiên chiếm tỷ lệ 12,04%; đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương chiếm tỉ lệ 87,02%; đại biểu chỉ định chiếm tỷ lệ 0,95%; đại biểu nữ chiếm tỷ lệ 13,99%; đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 11,03%...
Về độ tuổi, đại biểu dưới 40 tuổi chiếm 3,59%, trên 70 tuổi chiếm 0,19%, độ tuổi trung bình của đại biểu dự Đại hội là 52,18; đại biểu cao tuổi nhất là 77 tuổi, đại biểu thấp tuổi nhất là 34.
Đại biểu khách mời có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại sứ, đại diện các nước và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế trong đoàn ngoại giao tại Hà Nội, đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu…
Dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng
Khẳng định quá trình chuẩn bị văn kiện luôn luôn gắn liền với yêu cầu tổng kết thực tiễn, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Dự thảo văn kiện trình Đại hội lần này có rất nhiều điểm mới, nhất là về cách tiếp cận, không chỉ nhìn nhận một nhiệm kỳ mà đánh giá những nét nổi bật của nhiệm kỳ này gắn liền với việc tổng kết.
"Khi đưa ra tầm nhìn và định hướng phát triển cho đất nước thì không chỉ đặt ra cho 5 năm tới mà chúng ta đưa ra tầm nhìn và định hướng đến giữa thế kỷ, với khát vọng phát huy ý chí sức mạnh của người Việt Nam để chúng ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới", ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Nói thêm về điểm mới trong xây dựng Đảng, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: “Công tác xây dựng Đảng là toàn diện về mọi mặt, cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng Đảng gắn với công tác phòng chống tham nhũng, đẩy mạnh kiểm tra giám sát, công tác dân vận. Chúng ta dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Đấy là điểm mới của Đại hội này”.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khai trương trung tâm báo chí phục vụ đại hội XIII của Đảng

Nguồn: VTV 1

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)