Ngày 23/10, thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến quy định phổ biến, phát hành phim trên không gian mạng. Đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải có bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, tường minh làm cơ sở cho việc đánh giá, kiểm duyệt nội dung cũng như phát hành phim.
Các đại biểu cho rằng, công nghiệp điện ảnh hiện nay đã chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ kỹ thuật số. Việc phát hành, phổ biến phim trên mạng lưới băng thông rộng, thông qua các ứng dụng trên nền tảng kỹ thuật số đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên khắp thế giới. Tuy nhiên, Luật Điện ảnh hiện hành chưa cập nhật sự phát triển điện ảnh về mặt kỹ thuật, công nghệ.
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Thắng. |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Thắng (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) chỉ ra thực trạng phổ biến lậu phim rạp trên môi trường mạng hiện nay. Vấn đề này đặt ra cho chúng ta thấy rằng, Dự Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này cần quy định thật rõ những nội dung về quản lý điện ảnh trên không gian mạng.
Đối với các quy định về sản xuất phim tư nhân, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, Dự Luật đang hơi thiên nhiều về quản lý nhà nước, hơn là khuyến khích các nhà sản xuất tư nhân, xã hội hóa hoạt động làm phim. Theo các đại biểu, phim tư nhân có nhiều bộ phim có nội dung và tác động tốt đến đời sống, xã hội, chúng ta nên khuyến khích. Tuy nhiên, song song với đó, chúng ta cũng không được buông lỏng quản lý, chúng ta cần quản lý chặt về nội dung để đảm bảo nội dung phim không có chứa những nội dung kích động bạo lực, mại dâm… có tác động tiêu cực tới người xem.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. |
Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để nâng tầm nhận thức vấn đề ở một tầm nhìn xa hơn bởi đây là luật sửa đổi toàn diện chứ không phải sửa đổi bổ sung một số vấn đề. Trong những năm qua, nền điện ảnh Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ chuyển từ thuần túy một ngành dịch vụ giải trí công ích nhà nước bao cấp sang tự chủ và tiến tới là ngành kinh tế có đóng góp vào thu nhập quốc dân, nhưng không bỏ qua mục đích đời sống văn hóa tinh thần, nhiệm vụ chính trị của ngành điện ảnh.
“Đây là ngành tổng hợp rất quan trọng, vừa là lĩnh vực văn hóa, tinh thần đời sống nhưng cũng là lĩnh vực kinh tế, tạo ra thu nhập. Vì vậy, luật sửa đổi phải thể hiện được tinh thần này …”- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh. Cách tiếp cận xây dựng dự án Luật phải rộng hơn, toàn diện hơn thì mới đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Sau khi sửa đổi Luật phải tạo được bước phát triển đột phá cho nền điện ảnh Việt, thu hút điện ảnh nước ngoài đến Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác sản xuất điện ảnh; không chỉ bó hẹp làm phim, sản xuất phim, phổ biến phim…
Liên quan đến sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, các đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu. Đối với việc đấu thầu, cần có quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi vì điện ảnh là lĩnh vực đặc thù. Đối với cơ chế đặt hàng, đề nghị nghiên cứu quy định mô hình hợp tác công - tư trong đầu tư, sản xuất phim; cơ chế Nhà nước mua bản quyền một số phim phù hợp để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục. Một số đại biểu đề nghị không thực hiện hình thức đấu thầu đối với sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, có mức đầu tư thấp, yêu cầu gấp về thời gian.