Ngày 25/10/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (Quy định số 08-QĐi/TW) đặc biệt là cán bộ cấp cao.
Đáng chú ý, trong 8 điều Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện có quy định: “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”.
|
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: TTXVN. |
Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương cũng yêu cầu Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống:
Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị. Lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện mục đích cá nhân. Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít.
Chống lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc. Tổ chức đoàn đi công tác ở trong và ngoài nước không đúng thành phần, thời gian và nội dung yêu cầu công việc. Sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí.
Chống để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.
Để thực hiện nghiêm quy định Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu chỉ đạo kịp thời xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm để làm gương cho cấp dưới.
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri hai quận Hoàn Kiếm, Ba Đình (Hà Nội) ngày 8/10/2018, đề cập đến vấn đề về quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng: “Đảng đã có nhiều quy định quy chế, như 19 điều đảng viên không được làm, rồi 27 biểu hiện suy thoái Hội nghị Trung ương 4 đã nêu ra. Trách nhiệm chung mọi cán bộ đảng viên phải làm. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau, một tấm gương sống bằng trăm bài diễn văn… Lần này, tại sao phải ban hành và phải tầm Trung ương ban hành? Vì như vậy thẩm quyền sẽ lớn hơn, cao hơn nhiều”.
“Không gương mẫu thì làm cán bộ làm gì”, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đồng thời cho biết Trung ương đã cân nhắc từng câu từng chữ. Mọi cán bộ đảng viên phải thực hiện quy định hiện hành, và ở đây nhấn mạnh đến gần 200 Uỷ viên Trung ương.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Để trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương là cả quá trình phấn đấu, rèn luyện không ngừng của mỗi cán bộ, đảng viên. Nhưng nếu không liên tục rèn luyện để suy thoái đạo đức lối sống, làm sai quy định của Nhà nước sẽ làm mất lòng tin của dân, ảnh hưởng uy tín của Đảng, đồng nghĩa với công lao phấn đấu cả đời của cán bộ, đảng viên trở thành vô nghĩa.