Nêu gương là tự sửa mình

Google News

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (Quy định số 08-QĐ/TW) với nhiều nội dung quan trọng, tác động đến nhiều cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ cấp cao.

Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, phóng viên chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Cà Mau về vấn đề này.
PV: Xin đại biểu cho biết, ông nhìn nhận như thế nào về Quy định này?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Tiếp theo việc sửa đổi những quy định về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên, lần này Trung ương ban hành tiếp quy định về nêu gương. Tôi cho rằng rất cần thiết, và đây là hai “chân” đi của chủ đích chỉnh đốn cán bộ. Nếu “chân” kia có tính chất về kỷ luật, buộc thực hiện những quy định của Đảng mà nếu anh vi phạm sẽ bị xử lý (hình phức pháp trị) thì “chân” này là “chân” về đạo đức (đức trị), đây là những cảnh giới anh không thể vượt qua. Nếu anh vượt qua thì sẽ dùng các công cụ kỷ luật để xử lý.
Rõ ràng đối với con người, một mặt răn đe, cảnh tỉnh nhưng mặt khác phải vừa giáo dục, thuyết phục. Khi vượt qua cảnh giới mà giáo dục, thuyết phục không được thì cưỡng chế thực hiện bằng hình thức kỷ luật của Đảng, thậm chí xử lý nghiêm khắc hơn bằng pháp luật của nhà nước. Đây là bước đi rất hợp lý để rèn giũa, nâng cao chất lượng cán bộ, làm sao cán bộ là hồn cốt và bộ mặt của Đảng, Nhà nước phải thực sự xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân.
PV: Khoản 8, Điều 2 của Quy định nêu rõ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. “Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn liệu công cụ để đo đếm tín nhiệm, làm cơ sở để hình thành việc từ chức có hơi trìu tượng quá không?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Trong quy định hiện nay của Đảng, Nhà nước chia tín nhiệm làm 3 phân bậc. Theo tôi, Quốc hội chỉ nên tổ chức hình thức bỏ phiếu tín nhiệm với hai mức: Tín nhiệm và không tín nhiệm. Bản thân thuật ngữ tín nhiệm đã chỉ rõ uy tín của anh trong con mắt người khác. Chia tín nhiệm thành 3 cấp: Tín nhiệm thấp, tín nhiệm và tín nhiệm cao thì rõ ràng chỉ có tín nhiệm, vấn đề là thấp hay cao thôi. Bên cạnh đó, lấy phiếu tín nhiệm là ngoại động từ và chủ thể của nó phải lấy từ bên ngoài.
Ví dụ, Quốc hội muốn đánh giá cán bộ do mình quản lý thì phải lấy ý kiến thăm dò của Mặt trận hoặc các đoàn thể khác, sau đó tham khảo rồi tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm. Còn tự mình lấy phiếu tín nhiệm thì dường như về hành vi có ý kiến cho rằng như thế là chưa chuẩn. Trong khi thảo luận cái này cũng nhiều ý kiến khác nhau.
Neu guong la tu sua minh
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. 
Vì đây là vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, vấn đề mới nên tôi cho rằng cần có trải nghiệm, đi từng bước một thận trọng là cần thiết. Tuy nhiên đã đến lúc cần phải tổng kết lại xem, những lần bỏ phiếu tín nhiệm tác động như thế nào đến “văn hóa từ chức”. Liệu có tác động không, bởi vì nếu như hiện nay chúng ta quy định rằng, ai mà trên 50% tín nhiệm thấp thì mới đặt vấn đề từ chức và 2/3 tín nhiệm thấp thì có thể đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Như vậy, việc này cần tổng kết xem có tác động trong thực tế như thế nào. Vì qua thực tiễn Quốc hội khóa XIII, khóa XIV nhiều trường hợp rơi vào tình thế tín nhiệm thấp, mất uy tín nhưng họ có chủ động xin từ chức đâu.
Đương nhiên có người cho rằng mình sẽ nỗ lực phấn đấu và “lội ngược dòng” được, nhưng cũng có người bị trì trệ vì quy định như vậy chưa đến mức buộc họ phải từ chức.
PV: “Văn hóa từ chức” đã được nêu ra rất nhiều, rất lâu rồi nhưng dường như vẫn quá xa lạ với chúng ta. Theo ông nguyên nhân do đâu?
BĐQH Lê Thanh Vân: Như tôi đã nói, “văn hóa từ chức” là hành vi đạo đức của con người chứ không phải là hành vi tuân thủ pháp luật. Hành vi tuân thủ pháp luật là anh buộc phải làm, hoặc anh không được làm. Còn “văn hóa từ chức” thuộc quan hệ xã hội, gắn với đạo đức con người vì đây là quy phạm đạo đức. Mà quy phạm đạo đức thì có thể anh làm, có thể anh không làm.
Vấn đề ở đây là tại sao đã có những quy định, chủ trương để anh từ chức mà anh không từ chức? Một mặt là do nhận thức của con người về bản thân, về danh dự, liêm sỉ vẫn thấy rằng mình còn xứng đáng, bám vào tiêu chuẩn cho rằng như vậy là đủ, nên anh không từ chức.
Khi đức trị chưa đủ cảnh giới, chưa đạt đến cảnh giới để họ có thể chuyển dòng suy nghĩ, nhận thức lại về mình, về lòng tự trọng, thước đo tự đánh giá… để ngộ ra rằng, nếu như mình cứ tiếp tục duy trì như thế trong con mắt đánh giá của những người giám sát sẽ không còn uy tín, lần sau mà bỏ phiếu tín nhiệm nữa thì có thể đứng trước nguy cơ.
Do đó theo tôi cũng phải tổng kết, đánh giá và xem tâm lý xã hội đã hài lòng với hình thức lấy phiếu tín nhiệm hiện tại chưa. Thứ hai là đánh giá lại thực tiễn qua 2 nhiệm kỳ đã áp dụng thì cái mong muốn để cán bộ tự nhận ra sự thiếu hụt của mình về năng lực, trình độ và tự điều chỉnh lại đã đạt hiệu quả như thế nào. Phải đánh giá thật sâu để sửa đổi, bổ sung hợp lý.
PV: Lại có ý kiến băn khoăn, liệu quy định “chủ động xin từ chức” có thừa không thưa ông, khi mà nhiều cán bộ sai phạm song không tự nhận ra được sai phạm của mình?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Không nên đặt vấn đề thừa hay không thừa mà đây là công cụ có tác động đến công tác quản lý cán bộ. Đảng đã có những quy định rất nghiêm, có tính chất kỷ luật, có tính chất cưỡng chế, nếu anh bước qua lằn ranh vi phạm thì bị xử lý. Còn Quy định trách nhiệm nêu gương là giáo dục thuyết phục. Để trở thành một cán bộ tốt, có phẩm hạnh, có năng lực thì anh phải tự ngăn chặn những hành vi không được làm. Đây là kết hợp giữa đức trị và pháp trị.
Trở lại câu hỏi vì sao “văn hóa từ chức” chưa thể diễn ra? Vì đức trị. Chỉ khi người ta nhận ra danh dự của mình bị tổn thương, năng lực không đáp ứng và đặc biệt là có liêm sỉ cá nhân thì người ta sẽ chủ động từ chức. Cũng như nhiều cán bộ trong xã hội phong kiến là người có học, có danh dự và liêm sỉ đã hoặc là từ quan, hoặc là từ chức.
Từ quan có nghĩa là từ chối những việc mà anh thấy anh làm không đạt toại chí. Còn từ chức nghĩa là anh thấy năng lực, phẩm hạnh của anh không đáp ứng được, bị xã hội đàm tiếu… muốn giữ cho thanh danh của mình trong sạch thì anh xin từ chức.
PV: Qua những lý do ông vừa đề cập thì hình như thiếu câu chuyện bổng lộc. Người ta nói, chức vị gắn liền với nhiều thứ khác, thậm chí “một người làm quan” thì cả họ, cả làng, cả xã được nhờ. Đó có phải là một trong những nguyên nhân khiến họ có thể bất chấp không từ chức…
ĐBQH Lê Thanh Vân: Đúng, tính cố vị. Đó là một lý do quan trọng để người ta cố đeo bám chức danh mà người ta đã đầu tư, phấn đấu. Tôi muốn nói đến một dạng quan chức khác, có đầu tư mua bán mà có lần Tổng Bí thư đã cảnh báo rất nghiêm khi triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Đó là “chạy chức, chạy quyền”. Anh “chạy chức, chạy quyền” nghĩa là anh đã có đầu tư về thời gian, đầu tư về quan hệ và thậm chí đầu tư cả tiền bạc. Mà anh đầu tư rồi thì đương nhiên anh phải cố trụ lại để “gỡ gạc”, để hoàn lại vốn và có lãi. Dạng cán bộ này là cố tình đeo bám lại, bất chấp danh dự, tổn thương, bất chấp ánh mắt của xã hội.
Đương nhiên về quan hệ đạo đức họ chưa có sai phạm gì nghiêm trọng, không buộc người ta từ chức được. Nhưng với con người không có năng lực, hành vi ứng xử, đạo đức có những biểu hiện tha hóa mà bằng con đường đạo đức không khiến họ tự giác từ chức thì nếu tiếp tục đeo bám sẽ khiến họ vấp phải những quy định, rào chắn của pháp luật.
Những người không có năng lực, trình độ thì khi làm việc dễ dẫn tới ban hành, điều hành chính sách không đạt yêu cầu, thậm chí vi phạm pháp luật. Từ đó sẽ đi đến bước xử lý về mặt cưỡng chế, tức là pháp trị rồi. Nên tôi cho rằng, giáo dục con người không phải chỉ bằng hình phạt mà bằng cả các biện pháp giáo dục, thuyết phục nữa.
Việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương là giải pháp giáo dục thuyết phục, hướng con người tự giác hơn, nói như Tổng Bí thư là cảnh báo, cảnh tỉnh để tự mình đào tạo, tự mình sửa lỗi. Tự mình uốn nắn mình, tự mình chiến thắng chính mình là quan trọng nhất.
PV: Ông vừa nhắc đến “chạy chức, chạy quyền”, được biết Ban Tổ chức Trung ương cũng vừa xây dựng dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ. Theo ông, có thể nhận diện hành vi này như thế nào?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Hành vi “chạy chức chạy quyền” mà Ban Tổ chức Trung ương đã nhận diện theo tôi là rất cần, càng cụ thể càng tốt. Trong cuốn “Từ thụ yếu quy”, tác giả Đặng Huy Trứ ở Triều Nguyễn đã liệt kê ra hơn 100 hành vi không được làm, liên quan đến tham nhũng và trong đó nhiều hành vi liên quan đến “chạy chức chạy quyền”. Đấy là một bộ quy định mà người ta cho rằng sống mãi với thời gian, không bị lạc hậu.
Ngày nay, chúng ta nhận diện hành vi “chạy chức chạy quyền” không chỉ thể hiện ra những quan hệ xã hội, những thao thác bình thường mà nó tinh vi hơn rất nhiều. Nó phát triển nhiều hơn vì dựa vào những thành tựu của công nghệ. Nếu như trước đây chúng ta không có tài khoản để chuyển tiền, người ta phải vác tiền đến nhà thì bây giờ chỉ bằng thao tác đơn giản vài cú nhấp chuột thôi, thậm chí lập tài khoản không phải của mình… Cho nên tham nhũng quyền lực thông qua “chạy chức chạy quyền”, đút lót tinh vi lắm.
Ngăn chặn cái đấy là tốt, nhưng quan trọng nhất là làm sao anh có một công cụ để đo lường được chất lượng cán bộ. Chất lượng đó là năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức. Công tác cán bộ khó chính ở chỗ làm sao đoán định được hết bên trong con người của họ.
PV: Ông có giải pháp gì để xử lý cái khó đấy không?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Tôi xin nêu ra kinh nghiệm người xưa, ví dụ Lê Hoàn khi đi đánh trận thấy 5 chàng trai tuấn tú chiều nào cũng cưỡi ngựa đi qua doanh trại. Phép thử của ông rất đơn giản, ông vời vào doanh trại và hỏi binh pháp, thấy 5 anh em trả lời binh pháp làu làu thì ông đánh giá về lý thuyết là tốt. Thứ hai ông cho cưỡi ngựa bắn cung quần thảo ngay trước mặt thì thấy 5 thanh niên rất uy dũng, xông pha quyết liệt, cầm cương ngựa tiến thoái rất tốt, bắn cung dùng đao gươm chuẩn mực… tức là văn võ kiêm toàn. Sau đó ông cho dùng, dùng thử đánh thắng trận thì phong luôn 5 vị tướng.
Trong tình hình hiện nay, với truyền thống và bề dày kinh nghiệm trong công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, tôi tin chắc chúng ta có đủ điều kiện, biện pháp tìm được những người có đức, có tài phục vụ Tổ quốc và nhân dân.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Quỳnh Vinh/CAND

>> xem thêm

Bình luận(0)