Tại kỳ họp thứ 23 (từ ngày 29-30/11), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật của Tỉnh ủy Thanh Hóa, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:
Các đảng viên Nguyễn Bá Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Như Xuân, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính; bà Phạm Thị Hằng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; bà Đinh Cẩm Vân, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; vi phạm pháp luật trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư kỷ luật Bí thư Huyện ủy Như Xuân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa và nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa. Ảnh ubkttw.vn
Trên cơ sở đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật các đảng viên nói trên.
Trao đổi với Dân Việt, một chuyên gia về xây dựng Đảng cho biết, đối với cán bộ là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Tỉnh ủy viên) hoặc nguyên Tỉnh ủy viên nếu có vi phạm, khuyết điểm cần phải xử lý kỷ luật ở mức cao hơn cảnh cáo (cách chức và khai trừ Đảng) thì cơ quan chức năng sẽ trình lên Ban Bí thư đã xem xét, quyết định, vì Ban Bí thư là cơ quan chuẩn y Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (sau khi bầu) hoặc chỉ định nhân sự tham gia Ban Chấp hành (khi điều động cán bộ).
Ông Nguyễn Bá Hùng, Bí thư Huyện ủy Như Xuân và bà Phạm Thị Hằng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa sẽ đối diện mức kỷ luật cao nhất. Ảnh Đ.X
Trở lại với trưởng hợp ông Nguyễn Bá Hùng, bà Phạm Thị Hằng và bà Đinh Cẩm Vân, cả 3 trường này đều đã bị khởi tố. Trong đó ông Hùng và bà Vân liên quan đến sai phạm xảy ra tại Dự án Hạc Thành Towern (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa); còn bà Hằng liên quan đến vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở GD- ĐT tỉnh Thanh Hóa và các công ty, đơn vị có liên quan.
Do 3 trường hợp trên đã bị khởi tố bị can nên khi đưa ra xem xét thi hành kỷ luật, họ sẽ đối diện với hình thức kỷ luật cao nhất của Đảng là khai trừ. Trước đó đã có nhiều trường hợp cán bộ sai phạm bị khởi tố đã bị tổ chức Đảng xem xét, kỷ luật bằng hình khai trừ, như trường hợp của cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cựu Viện trưởng Viện KSND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) Vi Đức Ninh…
Theo Quy định 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, đối với đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của toà án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiếm toán; không cần quyết định cho đảng viên, cấp uỷ viên trở lại sinh hoạt mới xem xét, xử lý kỷ luật.