Ông Nguyễn Thanh Hóa phủ nhận CNC là bình phong
Ngày 20/11, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ tiến hành thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đường dây đánh bạc ngàn tỷ của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam.
Tại tòa, ông Nguyễn Thanh Hóa khai sau khi được phê duyệt chủ trương lập công ty nghiệp vụ cho C50, ông cùng cấp dưới thỏa thuận để ký văn bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương.
Đến ngày 10/10/2011, CNC và C50 ký bản ghi nhớ hợp tác với nhiều nội dung, trong đó, CNC phải đảm bảo thực hiện yêu cầu nghiệp vụ của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, C50 góp 20% vốn và cử người tham gia.
|
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa. |
Bị cáo Hóa khai, sau khi ký xong bản ghi nhớ được vài ngày thì có gọi điện cho Dương thông báo là không hợp tác nữa vì C50 không có vốn và nhân sự, nhưng CNC vẫn hoạt động. Thời điểm này, CNC có báo cáo hoạt động nhưng bị cáo Hóa nói không trả lời, những báo cáo của CNC đều qua phòng tham mưu.
Trả lời câu hỏi về việc CNC chính thức trở thành công ty bình phong của C50 từ khi nào?, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cho biết, từ ngày 14/5/2015 theo quyết định 158 do ông Phan Văn Vĩnh ký.
Dù CNC trở thành công ty nghiệp vụ, nhưng theo ông Hóa cho rằng, Nguyễn Văn Dương ngộ nhận những nội dung trong Quyết định 158.
“Thực ra nhiều người chưa hiểu rõ về công ty nghiệp vụ, công ty nghiệp vụ hay nói thông thường là bình phong cũng giống như công ty ngoài xã hội khác. Chúng tôi không chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của CNC, mà CNC hoạt động theo luật doanh nghiệp, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kinh doanh của mình", ông Hóa cho biết.
Mặc dù khai không coi CNC là công ty bình phong nhưng ông Hóa vẫn nói khi nào C50 cần nghiệp vụ hóa trang thì vẫn sử dụng Nguyễn Văn Dương.
“Cục C50 chỉ phối hợp với CNC khi cần sử dụng nghiệp vụ hóa trang. Như vậy, có nghĩa là, chúng tôi chỉ sử dụng anh Dương khi chúng tôi cần thiết, không hướng dẫn anh Dương đi sâu vào việc trinh sát điều tra. Thực chất, suy cho cùng, CNC không là cái gì cả", bị cáo Nguyễn Thanh Hóa nói.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc ai là người chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý CNC, ông Nguyễn Thanh Hóa cho biết: “CNC là pháp nhân, khi thành lập, tôi giao phòng tham mưu quản lý. Tuy vậy, người chịu trách nhiệm quản lý cao nhất vẫn là tôi”.
Ông Nguyễn Thanh Hóa cũng thừa nhận là có C50 có tờ trình gửi cấp trên về việc thành lập CNC là công ty bình phong nhưng giờ thất lạc, không tìm thấy nữa.
Ông Hóa "phủ nhận" Rikvip là game đánh bạc
Tại phiên xét hỏi, HĐXX đã truy xét bị cáo Nguyễn Thanh Hóa về việc hồ sơ vụ án thể hiện, cấp dưới đã báo và lãnh đạo Bộ Công an đã có văn bản yêu cầu báo cáo về hoạt động hợp tác giữa CNC và VTC online vận hành game bài không phép mang dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng không ngăn chặn xử lý?
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Thanh Hóa cho biết, thời điểm đó hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh, C50 không có chức năng xử lý hình sự vì báo cáo cũng mới nêu nên dấu hiệu chứ chưa rõ ràng.
"C50 chưa phải là cục điều tra, chỉ trinh sát, nếu phát hiện sẽ còn phải phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự. Mặt khác, thời điểm đó nhiều game bài họ nói đang thử nghiệm, cá nhân bị cáo còn nhiều việc nên không sâu sát, đôn đốc, nhưng tin tưởng cấp dưới”, ông Hóa nói.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa nói rằng, chỉ nhận được báo cáo của cấp dưới nói việc CNC hợp tác với VTC online là hợp tác cổng thanh toán trái phép chứ không nói đó tổ chức vận hành game bài đánh bạc.
|
Ông Nguyễn Thanh Hóa khai tại tòa. |
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cũng tâm sự rằng, ông rất buồn vì ông là cục trưởng mà không biết vi phạm vì không có đơn vị nào báo cáo cho mình bằng văn bản về game này. Ông Hóa nói rằng, không nhận được đơn thư tố giác từ quần chúng hoặc chỉ đạo từ cấp cấp trên và bản thân không hiểu công nghệ để minh chứng cho việc “không thể nắm được về vi phạm của game bài và cổng thanh toán”.
Để làm rõ nội dung này, HĐXX công bố lời khai của các cán bộ thuộc cấp của ông Nguyễn Thanh Hóa.
Theo đó, lời khai của ông Nguyễn Huy Lục - Trưởng phòng Tham mưu C50, ông được Nguyễn Thanh Hóa đọc cho đánh báo cáo không đúng sự thật về việc 2 cổng thông tin đã được cấp phép. Khi ông Lục thắc mắc, cựu Cục trưởng C50 mắng: “Mày biết gì, nó được cấp phép rồi, ghi vào đấy”.
Ngay khi phát hiện CNC tổ chức đánh bạc, ông Nguyễn Huy Lục đề nghị Nguyễn Thanh Hóa yêu cầu CNC chấm dứt hoạt động thì ông Hóa vẫn cho rằng công ty bình phong vận hành cổng thanh toán không vi phạm.
Lời khai của ông Hoàng Xuân Phóng - Trưởng phòng 2 - C50 cho biết, cuối 2015 đã báo cáo miệng với ông Nguyễn Thanh Hóa và đề xuất được xác minh Rikvip vì đây là game bài không phép có dấu hiệu đánh bạc. Tuy nhiên, ông Hóa khi đó nói CNC không vi phạm pháp luật và sẽ báo báo lãnh đạo bộ để cho thí điểm game bài phục vụ công tác nghiệp vụ.
Nói về việc trên, ông Nguyễn Thanh Hóa cho biết, hai bên đã từng đối chất về lời khai trên. Và bản thân bị cáo đã đề nghị cơ quan điều tra không xử lý cấp dưới vì họ là người làm theo chỉ đạo.
“Đối chất xong, anh Lục ngồi khóc. Tôi thấy anh ấy rất sợ trách nhiệm, làm gì đến nỗi đổ hết cho tôi đọc từng chữ”, ông Hóa nói.
Ông Nguyễn Thanh Hóa cũng nói rằng, chưa nhận được báo cáo nào của Phòng 2.
“Đầu 2017, tôi dừng không hợp tác với CNC. Tôi đã làm hết trách nhiệm để chứng minh nhưng sau đó cấp trên thanh tra toàn bộ C50 và tôi bị đình chỉ”, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa nói.
HĐXX tiếp tục truy hỏi, căn cứ hồ sơ vụ án, thẩm phán cho rằng có nhiều lời khai khác cho thấy khi cấp dưới báo cáo về Rikvip, ông Hóa đều nói game bài không vi phạm pháp luật. "Bị cáo có căn cứ chứng minh điều họ khai là không đúng sự thật không?", HĐXX hỏi.
Nói về việc trên, theo ông Nguyễn Thanh Hóa, quy định ngành công an buộc phải có báo cáo văn bản, không được báo cáo miệng.“Nếu họ ghi văn bản và tôi ghi không được làm thì tôi chịu trách nhiệm”.
CNC là công ty bình phong chỉ là "hiểu lầm"!
Trả lời về việc lãnh đạo Bộ Công an có văn bản 1314 yêu cầu báo cáo, ông Hóa nói rằng, đây là điều mà ông đã day dứt hơn 2 năm qua.
“Văn bản 1314 yêu cầu C50 báo cáo về CNC. Sau đó mấy ngày, một cơ quan An ninh của Bộ đến nói được Bộ Công an giao điều tra.
"Khi đó, tôi nghĩ là không ai còn tin tôi nữa", ông Hóa khai và cho biết sau đó, một đồng nghiệp hỏi CNC có phải công ty kinh tế nghiệp vụ không, ông giật mình bảo đây là sự hiểu lầm chết người vì CNC chỉ là công ty bình thường.
Nói về lời khai của Nguyễn Văn Dương, về việc ông Hóa can thiệp để Công an Hà Nội dừng xác minh game bài Rikvip, ông Hóa cho biết: “Trước đến giờ, tôi chưa can thiệp bất cứ việc gì. Việc kiểm tra game bài lúc nào tôi cũng không biết. Việc nhỏ như thế anh Dương xử lý được”, bị cáo khai.
Ngay trong đầu phiên làm việc buổi chiều 20/11, khi HĐXX hỏi: "Bị cáo vẫn không thừa nhận CNC là công ty nghiệp vụ, vậy quá trình điều tra, bị cáo có bị bức cung nhục hình không?", ông Hóa trả lời là “Không” và tiếp tục khai khi bị bắt, bị cáo đang phải nằm viện. Sau đó, vào nơi tạm giam, mất ngủ nhiều tháng nên sức khỏe không ổn định.
“Đầu óc của tôi không được tỉnh táo nhưng tôi khẳng định không bao giờ tôi nói CNC là bình phong”, bị cáo Hóa khẳng định.
Ngay sau đó, HĐXX công bố lời khai của ông Hóa tại cơ quan điều tra, thể hiện việc Hóa nói CNC là công ty nghiệp vụ từ năm 2011 nhưng đến giữa 2015, Tổng cục trưởng mới ký văn bản công nhận. Ông Hóa giải thích, có thể lời khai đó trong lúc bản thân đang mệt mỏi, thần kinh không ổn định.