Sáng ngày 20/11, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ tiến hành thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đường dây đánh bạc ngàn tỷ của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam.
Quen “trùm” cờ bạc Nguyễn Văn Dương ở lễ hội
Trả lời HĐXX về mối quan hệ với bị cáo Nguyễn Văn Dương – Cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty CNC từ năm 2010 – sau thời điểm ông Nguyễn Thanh Hóa được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (năm 2009).
“Khi đó, tôi đi lễ hội và xe của bạn tôi bị bắt vì đỗ sai. Có người nói chỉ anh Nguyễn Văn Dương quen thân với Giám đốc công an tỉnh mới xin được. Đúng sau đó, tôi xin được xe và mới trở về được. Sau đó tôi biết Nguyễn Văn Dương”, ông Hóa khai.
|
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa trả lời HĐXX. |
Nói về mối quan hệ với ông Phan Văn Vĩnh, ông Hóa cho biết, khi ông Phan Văn Vĩnh làm Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thì ông mới biết.
“Anh ấy là con người thông minh, quyết đoán, tự trọng cao, không tiếc máu xương trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tôi rất kính trọng anh Vĩnh”, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa nói.
Theo cáo trạng, sau khi gặp Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Thanh Hóa đã tham mưu cho ông Phan Văn Vĩnh ký quyết định công nhận CNC làm công ty bình phong trái quy định.
Đầu năm 2015, Dương hợp tác với Phan Sào Nam để phát hành game đánh bạc Rikvip. Giữa 2015, Phòng nghiệp vụ thuộc C50 phát hiện Rikvip có dấu hiệu tổ chức đánh bạc nên đề xuất được xác minh. Tuy nhiên, ông Hóa không đồng ý.
Năm 2016, ông Vĩnh chỉ đạo cấp dưới báo cáo Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông để hợp pháp hoá hai cổng game. C50 đã soạn thảo công văn để ông Vĩnh ký báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an về hai cổng game không phép liên quan đến Công ty CNC. Sau khi xem bản thảo công văn, ông Vĩnh chỉ đạo chỉnh sửa để cấp phó ký, trong đó khẳng định, hai game bài Rikvip và 23zdo đã được cơ quan chức năng cấp phép.
Tháng 8/2016, ông Hoá đề xuất Tổng cục Cảnh sát về việc điều tra các cá nhân, tổ chức vận hành game bài đánh bạc trá hình. Tuy nhiên, Tổng cục Cảnh sát và C50 không xây dựng kế hoạch, không báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, không điều tra xác minh về Rikvip.
Khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo hành vi đánh bạc của hai game bài Rikvip và 23zdo, ông Hoá chỉ đạo cấp dưới báo cáo không trung thực để che giấu hành vi phạm tội của Công ty CNC. Hành vi của ông Vĩnh và ông Hoá được cơ quan tố tụng xác định, đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng Công an.
Cố Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ đã giới thiệu Nguyễn Văn Dương?
Khi trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc “ai là người đề xuất thành lập công ty CNC?”, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cho biết, từ năm 2011, C50 có chức năng nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao. Do tập trung vào các việc khác nên đến 2011, C50 chưa thành lập được công ty bình phong.
Theo bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, khi đó, cố Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ đã đề nghị cho cháu làm công ty bình phong của C50.
“Tuy nhiên, khi bị cáo nói người cháu này không có khả năng làm doanh nghiệp, ông Ngọ đã giới thiệu Nguyễn Văn Dương. Sau đó, tôi gặp ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Dương ở trụ sở Tổng cục Cảnh sát. Ông Vĩnh bảo làm tờ trình để Tổng cục duyệt. Lúc đó tôi không hiểu vì lực lượng cảnh sát không có bình phong. Tôi họp đơn vị và thống nhất thành lập, giao trưởng phòng tham mưu đi tìm hiểu”, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khai.
Ông Hóa nói thêm, Bộ Công an không có quy định chung về thành lập công ty bình phong. Các đơn vị khác hướng dẫn có 3 hình thức làm công ty bình phong gồm bỏ tiền làm, đóng góp tiền để liên kết hoặc dùng lợi thế sản phẩm trí tuệ.
Ông Nguyễn Thanh Hóa thừa nhận đã thống nhất với ông Phan Văn Vĩnh thành lập công ty nghiệp vụ và giao cấp dưới tìm hiểu các quy định. Sau đó, chính ông Hóa đã báo cáo ông Vĩnh việc góp vốn thành lập công ty bình phong và bị cáo cũng thừa nhận, mình là người ký tờ trình xin thành lập công ty bình phong. Văn bản gửi ông Phan Văn Vĩnh xin phép thành lập công ty bình phong cùng là do ông Nguyễn Thanh Hóa ký.
Sau khi được phê duyệt chủ trương lập công ty nghiệp vụ cho C50, ông Hóa có trao đổi với phòng Tham mưu (đơn vị của C50) rằng “hiện nay nếu thành lập công ty bình phong thì không thể có vốn ngay và phòng Tham mưu nói tôi cần kí một bản ghi nhớ”.
“Khi tôi hỏi phòng Tham mưu văn bản ghi nhớ là thế nào vì tôi không hiểu. Anh Võ Tuấn Dũng đưa ra một ví dụ rất dân gian như mình "đặt chỗ, dạm ngõ", ông Hóa dẫn lời giải thích của cấp dưới và nói: “Không phải sau khi dạm ngõ là coi cô gái đó đã lấy chồng rồi đi khoe tất cả khắp nơi đây là cô dâu xinh đẹp của tôi. Đây chỉ là dạm ngõ, không có sự rằng buộc pháp lý nào cả. Do vậy, bản ghi nhớ có thể không thực hiện và có thực hiện giống như kiểu dạm ngõ. Vậy thì tôi mới đồng ý bản ghi nhớ này”.
Sau đó, ông Hóa cùng cấp dưới thỏa thuận để ký văn bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương.
“Từ trước đến nay chúng tôi chưa bao giờ kí một bản thoả thuận, cam kết nào với CNC mà đây là một bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh”, ông Hóa khai.
Tuy nhiên, văn bản ghi nhớ được ký ngày 10/10/2011, và không có giá trị pháp lý, C50 có thể thực hiện hoặc cũng có thể không do trước đó chưa có tiền lệ. Trong đó, C50 đồng ý đóng góp 20% vốn và cử người tham gia, đổi lại C50 được nhận 20% lợi nhuận.
Theo ông Nguyễn Thanh Hóa, trên thực tế, sau khi ký văn bản ghi nhớ với CNC, ông Hóa đã báo cáo Tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh về việc C50 không có nhân lực và vốn để tham gia hợp tác với CNC. Do đó, C50 không thực hiện theo bản ghi nhớ nữa.
“Như vậy, CNC không phải là công ty bình phong, không phải cơ sở và cũng không có quyết định nào công nhận điều đó”, ông Nguyễn Thanh Hóa nói.