Ông Nguyễn Đức Chung nộp gần 100 bằng khen, giấy khen, bệnh án: Có được giảm án?

Google News

Nhiều người đặt câu hỏi việc cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nộp gần 100 bằng khen, giấy khen, đơn của các cá nhân, tổ chức có được giảm án?

Ngày 11/7, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 2 đồng phạm trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở KH-ĐT Hà Nội năm 2016.
Trước phiên tòa phúc thẩm, thông qua các luật sư bào chữa, ông Chung đã nộp bổ sung nhiều tài liệu liên quan. Trong đó có hồ sơ Bệnh án của Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec; hồ sơ Bệnh án của Phòng khám đa khoa quốc tế Vietsing; hồ sơ Bệnh án của Bệnh viện K; biên bản khám và hội chuẩn bệnh nhân ngày 18/10/2020 tại Bệnh viện 19/8 Bộ Công an.
Ong Nguyen Duc Chung nop gan 100 bang khen, giay khen, benh an: Co duoc giam an?
Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.  
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hoà (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hoạt động xét xử để tìm ra sự thật vụ án cần khách quan, đúng người, đúng tội, thuyết phục. Theo Điều 1 Luật tổ chức Tòa án nhân, Toà án nhân dân xử phạt về hình sự không những chỉ trừng trị phạm nhân mà còn nhằm giáo dục và cải tạo họ. Liên quan tới vấn đề này, yếu tố nhân thân người phạm tội là một trong những yếu tố quan trọng được can nhắc và xem xét trong suốt quá trình tiến hành tố tụng, đặc biệt trong giai đoạn xét xử.
Luật sư Tùng cho biết thêm, nhân thân của người phạm tội trong luật hình sự được hiểu là tổng hợp những đặc điểm riêng biệt của người phạm tội. Nhân thân người phạm tội tuy không là yếu tố cấu thành tội phạm nhưng có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vấn đề trách nhiệm hình sự của họ. Thực tiễn giải quyết vụ án cho thấy, việc áp dụng các quy định pháp luật hình sự liên quan đến nhân thân người phạm tội không chỉ để xác định hành vi phạm tội có hay không phải trách nhiệm hình sự, chịu trách nhiệm hình sự ở mức độ nào, hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội thì còn là căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra các biện pháp phòng ngừa đối với bản thân người phạm tội và đối với xã hội.
Theo luật sư Tùng, đặc điểm nhân thân người phạm tội có thể là tuổi tác, nghề nghiệp, thái độ làm việc, thái độ quan hệ với những người khác, trình độ văn hóa, lối sống, hoàn cảnh gia đình và đời sống kinh tế… là những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và hành vi của người phạm tội. Hiện nay, dư luận xôn sao về thông tin “ trước phiên phúc thẩm, cựu chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung thông qua luật sư gửi bản giải trình 60 trang và gần 100 bằng khen, giấy khen, huân chương bệnh án… làm căn cứ xem xét giảm nhẹ tội”.
"Đối với vấn đề này, thứ nhất, hành vi nêu trên của bị cáo Nguyễn Đức Chung hoàn toàn hợp pháp. Bởi Điều 16 Bộ luật Hình sự 2015 ghi nhận người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Thứ hai, theo như nội dung báo chí đưa tin về bản giải trình 60 trang, các giấy khen, bằng khen, huân chương, bệnh án.. được xác định là các tài liệu để xem xét về dấu hiệu nhân thân của bị cáo. Như đã nói ở trên, dấu hiệu nhân thân có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vấn đề trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội; đồng thời là căn cứ cơ sở xác định bị cáo có thuộc nhóm đối tượng được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước được pháp luật Hình sự quy định hay không.
Ngoài ra, liên quan đến việc bị cáo Nguyễn Đức Chung cung cấp bệnh án, theo khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự thì người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong trường hợp bị bệnh nặng, được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục. Bệnh án của bị cáo có thể là căn cứ để cơ quan chức năng xem xét áp dụng quy định trên", luật sư Tùng nói.
>>> Xem thêm video: Hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Chung

Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.

Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)