Trước đó, Công an xã Ea Hiao phối hợp với Công an huyện Ea H’leo phát hiện "nông trại" 1.500 cây cần sa tại xã này. Chủ nhân của lô rẫy này của hai anh em ruột là Lê Anh Tài (SN 1978, trú tại xã Ea Hiao) và Lê Hoàng Quỳnh (SN 1990, em trai, trú tại xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột).
Tại hiện trường, Công an kiểm đếm có 900 cây cần sa cao từ 1cm đến 1,8m, được trồng trên diện tích hơn 2.000m2 và hơn 600 cây cần sa con đang ươm trong các bịch nilon. Bước đầu Lê Anh Tài khai nhận, có người quen đưa cho hạt giống bảo cứ mang về trồng. Về sau này, khi cây lớn lên mới biết đó là cây cần sa.
|
Hiện trường phát hiện hơn 1.500 cây cần sa trái phép.
|
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật thì hành vi trồng trái phép từ 500 cây cần sa trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi vậy trong vụ việc này cơ quan điều tra sẽ làm rõ số lượng cây cầu cần sa đã trồng và ý thức chủ quan của các đối tượng này về loại cây này để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
"Theo thông tin ban đầu thì số lượng cây cần sa đã trồng và ươm là 1500 cây của hai đối tượng là anh em ruột trong cùng một nhà. Tuy nhiên, thông tin ban đầu thì các đối tượng cho rằng khi mới trồng, các đối tượng này không biết đây là cây cần sa, đến khi trồng cây lớn lên thì mới biết. Vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ lời khai này có đúng hay không để đánh giá nhận thức chủ quan và thái độ khai báo của các đối tượng này.
Trong trường hợp lời khai là đúng thì cần làm rõ thời điểm nào các đối tượng phát hiện ra đây là cây cần sa và khi phát hiện ra thì có trình báo với cơ quan chức năng hay không, tại sao đến khi cơ quan chức năng phát hiện sự việc thì mới khai nhận như vậy? Trong trường hợp lời khai của đối tượng là đúng thì khi phát hiện ra đây là cây cần sa, các đối tượng vẫn không trình báo sự việc với cơ quan chức năng, có ý định sử dụng, tiêu thụ những cây này thì hành vi vẫn cấu thành tội phạm" - luật sư Cường cho biết thêm.
|
Tài và Quỳnh (hai người ngồi) bị xử lý về hành vi trồng cần sa trái phép.
|
Luật sư Cường phân tích, trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy các đối tượng nhận thức rõ đây là cây cần sa nhưng vẫn trồng, với đặc điểm nhân thân, hoàn cảnh, khu vực địa phương (đa số người dân đều biết đây là cây cần sa bởi trên địa phương đã có người sử dụng, đã được tuyên truyền hoặc những người trong gia đình các đối tượng này biết đây là cây cần sa qua thông tin sách báo, các thông tin truyền thông trên địa phương...) thì các đối tượng này phải biết đây là cây cần sa nhưng vẫn quanh co, chối tội thì cơ quan tố tụng vẫn buộc tội trên cơ sở các tình tiết, chứng cứ khác để chứng minh nhận thức, ý thức chủ quan của các đối tượng này.
Theo quy định của pháp luật, Cơ quan điều tra có trách nhiệm thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh tội phạm. Đồng thời bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định lời khai nhận tội của bị can, bị cáo không phải là căn cứ duy nhất để kết tội. Lời nhận tội của bị can, bị cáo phải phù hợp với các tài liệu chứng cứ, các tình tiết khác trong vụ án thì mới là căn cứ để xác định sự thật.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
"Bởi vậy, kể cả trường hợp các đối tượng không nhận tội nhưng cơ quan tố tụng có căn cứ cho thấy các đối tượng đã biết đây là cây cần sa hoặc buộc phải biết đây là cây cần sa (do đã được phổ biến, tuyên truyền) nhưng vẫn cố tình trồng trọt thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự. Trường hợp các bị cáo phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải thì khi xét xử tòa án sẽ xem xét một mức án phù hợp đủ để giáo dục, cải tạo.
Trường hợp các bị cáo quanh co, chối tội, ngoan cố, chống đối, không nhận thức được hành vi sai phạm của mình thì sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc. Đây là chính sách xét xử hình sự đã được thể hiện trong bộ luật hình sự và bộ luật tố tụng hình sự thể hiện tính chất khoan hồng và nghiêm trị của pháp luật hình sự Việt Nam, là cơ sở để cá biệt hóa vai trò, cá biệt hóa hình phạt đối với từng đối tượng trong những vụ án cụ thể" - luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư Cường, đối với số lượng 600 cây đang ươm thì cũng được xác định là gieo trồng và đã mọc thành cây, chỉ khác là công đoạn trồng trực tiếp xuống đất hay trồng ở trên các túi bóng ươm. Hành vi của các đối tượng làm cho cây mọc lên và đang sinh trưởng nên nếu nhận thức được đây là cây cần sa thì số lượng cây này cũng là căn cứ để xác định hành vi phạm tội, xác định tính chất mức độ hành vi phạm tội, là cơ sở để buộc tội xác định mức hình phạt đối với người phạm tội. Cụ thể tại điều 247 bộ luật hình sự năm 2015 quy định.
Như vậy, trong trường hợp cơ quan tố tụng có căn cứ để chứng minh các đối tượng này biết là cây cần sa nhưng vẫn trồng và số lượng cây đã trồng được xác định là từ 500 cây đến dưới 3000 cây thì các đối tượng này sẽ bị xử lý trong khung hình phạt là phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại khoản 1, Điều 247 Bộ luật hình sự năm 2015.
Luật sư Cường cho rằng: "Trường hợp đối tượng nào ngoan cố, chống đối, không thành khẩn khai báo thì hình phạt có thể đến 3 năm tù. Còn trường hợp đối tượng phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo ăn năn hối cải thì mức hình phạt sẽ ít nghiêm khắc hơn, có thể chỉ 1 đến 2 năm tù. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ hành vi, làm rõ ý thức chủ quan, thái độ khai báo, làm rõ hậu quả xảy ra đối với xã hội để làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Cây cần sa là một trong những loại cây trồng có chứa chất ma túy bị cấm trồng trọt, sử dụng. Bởi vậy nếu ai nhận thức được đây là cây cần sa, cây ma túy nhưng vẫn cố tình trồng trọt với số lượng cây từ 500 cây trở lên thì sẽ bị truy truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp trồng dưới 500 cây thì sẽ bị xử phạt hành chính. Trường hợp đã bị xử phạt hành chính, đã bị giáo dục mà vẫn còn vi phạm thì dù trồng dưới 500 cây cũng sẽ bị xử lý hình sự".
Hiện vụ "nông trại” 1.500 cây cần sa ở Đắk Lắk đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
>>> Xem thêm video: Phát hiện hộ dân trồng cây cần sa trái phép
Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp..